Thành phố Hồ Chí Minh: Khẳng định vị thế "đầu tàu"

27/04/2019 11:20

(TN&MT) - 2019 là năm nước rút để TP.HCM hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, năm tăng tốc triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế đặc thù. Hàng loạt vấn đề khó khăn đang được chính quyền thành phố từng bước tháo gỡ bằng vận dụng chính sách hợp lý, đột phá, kịp thời.

Chỉ chiếm 0,6% diện tích, hơn 9% dân số cả nước, song, TP.HCM đóng góp gần 22% GDP và khoảng 28% tổng thu ngân sách cả nước. Năm 2019, TP.HCM đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 8,3 - 8,5%; thu ngân sách 400.000 tỷ đồng; thành lập mới 46.200 doanh nghiệp… Tuy vậy, bên cạnh những con số đầy ấn tượng và quan trọng ấy, từng ngày, từng giờ TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều khó khăn không thể giải quyết một sớm, một chiều.

3
TP.HCM phấn đấu hoàn thành tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên vào năm 2020

Ngập nước - kẹt xe - ô nhiễm môi trường

Đây được xem là những vấn đề tồn tại lớn nhất, trở thành nỗi ám ảnh của người dân, là sự trăn trở của chính quyền thành phố trong nhiều năm nay. Bởi, với dân số thực tế trên 10 triệu người, hệ thống kết cấu hạ tầng của TP.HCM hiện không thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Trong đó, hệ thống giao thông không được đầu tư kịp thời, đồng bộ, hệ thống phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, nên tình trạng ùn tắc giao thông đã thường xuyên xảy ra ở nhiều tuyến đường, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân và gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế.

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, một số tuyến kênh, rạch bị ô nhiễm đến mức báo động. Đến nay, TP.HCM mới đầu tư xây dựng được 3/12 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị. Ngoài ra, tình trạng xả rác nơi công cộng vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, gây mất mỹ quan đô thị; tình trạng ô nhiễm khói bụi do các phương tiện giao thông và hàng nghìn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ xen kẽ trong các khu dân cư đang ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của hàng triệu người dân thành phố…

Ngoài ra, tình trạng ngập nước tại TP.HCM đang ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt, trong bối cảnh thành phố đang chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhiều năm nay, sau mỗi trận mưa và trong các đợt triều cường, hàng loạt các tuyến đường, hàng nghìn ngôi nhà của người dân bị ngập nước, khiến cuộc sống của hàng triệu người dân bị ảnh hưởng cũng như thiệt hại cho kinh tế thành phố. Chưa kể, hiện nay, TP.HCM còn khoảng 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch chưa được di dời, vừa nhếch nhác, vừa ách tắc dòng chảy, ngập nước.

Để giải quyết những “vấn nạn” trên, ngoài sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự chung tay của toàn thể nhân dân, vấn đề kinh phí vẫn là yếu tố quyết định, nhưng đồng thời, cũng là “bài toán” khó của TP.HCM. Bởi, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư của chương trình giảm ùn tắc giao thông trong thời gian 2018 - 2020 là 324.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư của các công trình thoát nước, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đô thị là trên 90.000 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết: Mặc dù, thành phố đóng góp 27% thu ngân sách quốc gia nhưng chỉ được dùng 5,2%. Dân số thành phố là 9,5 triệu người, ít nhất cũng phải để lại 9,5% ngân sách. Đây là sự mất cân đối trầm trọng khiến thành phố không còn nguồn lực tài chính công để đầu tư cho hạ tầng. Một bất cập khác là các công trình lớn tại thành phố hiện nay đều do các Bộ quản lý, thành phố muốn làm cũng không được vì vừa không có thẩm quyền, lại không có vốn.

Phát huy cơ chế đặc thù

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X đã xác định định hướng xây dựng TP.HCM thành một đô thị văn minh, hiện đại, có chất lượng sống tốt. Để thực hiện mục tiêu này, Nghị quyết đã đề ra 7 Chương trình đột phá nhằm phát huy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kêu gọi sự tham gia của người dân cùng chính quyền thành phố giải quyết những vấn đề tồn tại của thành phố. Đến nay, 7 Chương trình đột phá đã được thành phố tổ chức triển khai với nhiều giải pháp và đề án cụ thể, đặc biệt, các chương trình gắn liền với mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, có chất lượng sống tốt, như giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc giao thông, chỉnh trang đô thị.

Năm 2019, TP.HCM đặt mục tiêu khởi động, triển khai, hoàn thành hàng loạt công trình có quy mô  với tổng vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD, được kỳ vọng sẽ tạo ra những sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong nhiệm vụ giảm ùn tắc giao thông, ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, chỉnh trang đô thị gồm: tập trung hoàn thành dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với kinh phí 10.000 tỷ đồng; thi công hoàn thành dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2, công suất 469.000 m3/ngày; khởi công nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, công suất 480.000 m3/ngày; mở thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt phát điện; tăng tốc hoàn thành tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên; khởi động triển khai tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương; khẩn trương khép kín tuyến đường Vành đai 2 và khởi động công tác đền bù tuyến đường Vành đai 3…

Để giải quyết “bài toán” khó về vốn đầu tư cho hàng loạt công trình đang và sẽ triển khai như trên, TP.HCM đã thực hiện “lời giải” bằng việc rà soát, bổ sung chính sách để thu hút, phát huy các nguồn lực đầu tư. Trong đó, TP.HCM ưu tiên chính sách hợp tác công tư (PPP), ODA. Thời gian qua, TP.HCM đã tổ chức nhiều hội nghị kêu gọi đầu tư ở từng lĩnh vực cụ thể như: thoát nước; xử lý nước thải; xử lý rác thải; cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh rạch, chỉnh trang đô thị…

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: TP.HCM sẽ tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư bằng cơ chế chính sách đặt hàng, mua dịch vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác  giải phóng mặt bằng, giải quyết các thủ tục nhằm rút ngắn từ khâu chấp thuận chủ trương, triển khai đến khâu hoàn thành dự án.

Đặc biệt, triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội, TP.HCM đã tranh thủ tận dụng, phát huy mọi cơ chế đặc thù mà thành phố được phép thực hiện về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách Nhà nước; quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền…

Đến nay, HĐND thành phố đã thông qua 16 nội dung quan trọng, trong đó, việc triển khai các dự án nhóm A và các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất lúa trên 10 ha được đẩy nhanh hơn khá nhiều, góp phần chỉnh trang, phát triển đô thị. Đồng thời, đối với lần ủy quyền tổng thể, toàn diện trên các lĩnh vực theo Nghị quyết 54 lần này, thành phố kỳ vọng sẽ là một trong những đột phá giảm bớt tầng nấc trung gian, giảm chi phí hành chính và thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp.  

Ông Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, sắp tới, TP.HCM sẽ tiến hành rà soát tất cả các lĩnh vực để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh các Nghị định, chỉ đạo các Bộ, ngành điều chỉnh các thông tư theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho thành phố chủ động thực hiện các quy trình, thủ tục phù hợp với khả năng và tình hình thực tiễn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. “Trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn chế, việc vận dụng chính sách linh hoạt, tạo cơ chế đặc thù, đột phá nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư chính là giải pháp hàng đầu và cần thực hiện ngay” - Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Mới đây, UBND TP.HCM vừa có Văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung trong cơ chế, quy trình “đặc thù” để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM chưa có trong quy định của pháp luật và không thuộc thẩm quyền của UBND thành phố. Dự kiến, cơ chế, quy trình “đặc thù” sẽ rút ngắn tối đa thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, doanh nghiệp.

Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP.HCM ngày 12/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng tình về các đề xuất của thành phố trong việc thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù để phê duyệt khung chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, giá đất để trình Quốc hội xem xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Khẳng định vị thế "đầu tàu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO