Thanh Hóa: Trang trại nuôi lợn “bức tử” môi trường

22/10/2014 00:00

(TN&MT) - Chất thải, nước thải từ trang trại chăn nuôi lợn, xả thẳng ra môi trường, khiến cho moi trường và nguồn nước bị ô nhiễm nặng

(TN&MT) - Chất thải, nước thải và khí thải từ trang trại chăn nuôi lợn, thuộc Công ty CP Đầu tư và Phát triển chăn nuôi Hoằng Hóa, không qua xử lý, xả thẳng ra môi trường, bốc mùi hôi thối nồng nặc, khiến cho nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, đồng ruộng hoa màu bị thiệt hại nặng nề. Đó là những thực tại mà hàng trăm hộ dân sinh sống ở các thôn 1, 2 và 6, thuộc xã Hoằng Vinh (Hoằng Hóa) bức xúc trong nhiều năm qua...
   
   
Hàng km kênh mương tưới tiêu có màu nước đen kịt bốc mùi thối
   
  Bác Nguyễn Lâm Bằng, sống ở thôn 2, xã Hoằng Vinh bức xúc cho biết: “Hơn 4 năm qua chúng tôi phải sống trong khổ sở vì nước thải và mùi hôi từ trang trại nuôi lợn bay ra, bất kể sáng, trưa hay chiều tối. Đặc biệt, mỗi khi trời gió, không chỉ người dân ở gần mà cách xa hàng km cũng "hưởng" mùi hôi thối, nhiều đêm khi chuẩn bị đi ngủ, mùi hôi thối từ trang trại lại bốc lên và bay vào nhà không chịu nổi, cả gia đình phải đóng chặt cửa và thậm chí mang cả khẩu trang đi ngủ. Có khi mới sáng sớm tờ mờ, cả nhà đã phải thức dậy vì mùi hôi thối tràn ngập đầy nhà. Người dân nơi đây hầu như đều mắc các căn bệnh về hô hấp, viêm xoang, viêm phổi, viêm da và lở loát nhất là ở người già và trẻ em”.
   
  Ông Lê Văn Cát, thôn 1 đang chua chát nhìn toàn bộ số diện tích lúa của gia đình mình bị mất trắng nói: “Gần 3 năm nay, trang trại nuôi lợn của Công ty CP Đầu tư và Phát triển chăn nuôi Hoằng Hóa, ngang nhiên lắp ống cống ngầm xả thẳng chất thải và nước thải từ trang trại chưa được xử lý trực tiếp ra hệ thống kênh mương tưới tiêu khiến 6 hộ dân có diện tích 1,3ha đất sản xuất lúa liền kề với trang trại bị lốp không cho hạt và mất trắng hoàn toàn”.
   
   
Mương dẫn nước bằng đất tạm bợ từ hồ sinh học có màu nước đen kịt tràn ra đồng ruộng
   
  Ông Cát cho biết thêm, trước đây vùng đất này trồng lúa tốt và đem lại năng xuất cao từ 250 đến 300 kg/sào vụ, nhưng vài năm nay được mùa thì chỉ có 50kg/sào vụ, chúng tôi quanh năm chỉ biết trông chờ vào đồng ruộng và giờ tình cảnh như vậy thì biết bấu viếu vào đâu mà sống. Người dân nơi đây đã nhiều lần có kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng đến nay trang trại vẫn ngang nhiên xả thải trực tiếp ra môi trường mà chưa hề bị các cơ quan chức năng xử lý?.
   
  Được biết, Công ty CP Đầu tư và Phát triển chăn nuôi Hoằng Hóa, thành lập năm 2003, tại thôn 3, xã Hoằng Vinh, huyện Hoằng Hóa. Có quy mô nuôi là 1.500 lợn thương phẩm đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số: 63/QĐ-UBND, ngày 6/1/2014. Tuy nhiên, hiện trang trại chăn nuôi có quy mô vượt lên tới 2687 con, trong đó có 200 lợn nái; 600 lợn con; 400 lợn con theo mẹ và 1480 lợn thương phẩm. Về quy trình xử lý chất thải, nước thải và khí thải của trang trại hiện có 1 hầm khí biogas phủ bạt có dung tích chứa khoảng 5.000m3, sau đó tiếp tục xả qua 2 ao sinh học có diện tích 3.000m2, tiếp tục xử lý và lắng đọng rồi mới xả ra môi trường theo hệ thống kênh mương nội đồng của nhân dân.
   
   
Hồ sinh học cuối cùng ra môi trường có màu nước đen kịt và bốc mùi thối nồng nặc
   
  Theo quan sát của PV Báo Tài nguyên & Môi trường, hiện trang trại nuôi lợnc của Công ty CP Đầu tư và Phát triển chăn nuôi Hoằng Hóa, ngoài hầm biogas được che bạt bên trong tường rào bao quanh và ngoài khuân viên trang trại có 2 hồ sinh học xử lý trước khi xả ra môi trường. Bờ bao 2 hồ chứa được đắp bằng đất rất tạm bợ, nước thải chưa xử lý triệt để tràn xuống kênh mương có màu nước đen kịt, sủi bọt chạy dài hàng km theo kênh tưới tiêu và bốc lên mùi hôi thối nồng nặc. Không những vậy, nước thải còn được tuôn chảy trực tiếp từ ống cống ngầm từ bên trong hầm bể khí biogas ra kênh thủy lợi, khiến cả cánh đồng lúa gần 2ha một màu trắng lốp không có một hạt chắc phất phơ bay trước gió.
   
  Trao đổi với phóng viên báo TN&MT, ông Lê Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Hoằng Vinh cho biết: Trước sự phản ánh của nhân về tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ trang trại nuôi lợi của Công ty CP Đầu tư và Phát triển chăn nuôi Hoằng Hóa, Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiểm tra và yêu cầu Công ty cần khắc phục bờ tường ở phía Tây, làm mương dẫn nước, hầm chứa nước thải kín và xây dựng đường ống dẫn khí cao tránh phát tán mùi hôi trong khu dân cư và có mặt sàng để tránh bụi rơi xuống khu dân cư. Tuy nhiên, do công ty mới hợp nhất trang trại ở xã Hoằng Quang về, chưa nhận được đền bù nên phải xây dựng dần và trong quá trình mở rộng quy mô trang trại để chăn nuôi, công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề bảo vệ môi trường.
   
   
Gần 2ha lúa của người dân bị lốp trắng không hạt chắc
   
  Mặc dù ngày 30/9/2014, Sở TN&MT Thanh Hóa, Phòng TN&MT huyện Hoằng Hóa và UBND xã Hoằng Vinh đã tiến hành kiểm tra trang trại nuôi lợn của Công ty. Đoàn đã lấy mẫu nước thải, chất thải để phân tích thử nghiệm và có kết luận tại số: 4373/STNMT-BVMT ngày 8/10/2014: Cụ thể, NH4+ vượt QCCP là 2,88 lần; Tổng Nitơ vượt QCCP là 1,3 lần (theo QCVN 40:2011/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp). Đồng thời, đề nghị công ty phải đầu tư xây dựng hệ thống công trình xử lý nước thải cho phù hợp với quy trình chăn nuôi trước khi thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn cho phép và xây dựng công trình xử lý mùi hôi và chế phẩm khử mùi để tránh phát tán ra ngoài môi trường; Thực hiện đầy đủ chương trình giám sát môi trường theo quy định; Lập hồ sơ xin giấy phép sử dụng nguồn nước ngầm và nguồn nước xả thải ra môi trường.
   
  Với thực tế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ trang trại nuôi lợn thuộc Công ty CP Đầu tư và Phát triển chăn nuôi Hoằng Hóa, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất và sức khỏe của người dân kéo dài nhiều năm qua gây thiệt hại về kinh tế và môi trường. Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành chức năng vào cuộc xử lý triệt để vấn đề gây ô nhiễm môi trường từ trang trại lợn để bảo vệ môi trường sống cho người dân nơi đây.
   
  Bài và ảnh: Thu Thủy - Sơn Tú
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Trang trại nuôi lợn “bức tử” môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO