Thanh Hóa tăng cường công tác quản lý môi trường cảng cá

Thu Thủy (thực hiện)| 03/03/2022 08:48

Công tác bảo vệ môi trường, thu gom rác thải tại các cảng cá được Sở TN&MT Thanh Hóa thường xuyên tuyên truyền đến người dân, đặc biệt về tác hại của rác thải nhựa. Từ đó, đã nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường biển và khai thác hải sản. Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa về vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết, công tác quản lý môi trường tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được triển khai như thế nào?

Ông Phạm Tiến Dũng:

Thời gian qua, Sở TN&MT Thanh Hóa đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức mô hình thu gom, phân loại, giảm thiểu rác thải nhựa tại các cảng cá. Nhiều phong trào được triển khai như: “Thanh niên tình nguyện hè”, chiến dịch “Hãy làm sạch biển” hưởng ứng “Ngày Môi trường thế giới”, Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”...

Đã tuyên truyền, vận động người dân không đổ rác, nước thải, phế thải ra bến cảng, bãi biển. Tập trung thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, nước thải; nạo vét cống rãnh; ra quân làm tổng vệ sinh khu vực bãi biển, các cảng cá, các khu dân cư. Đồng thời, tổ chức cho các nhà hàng, các hộ kinh doanh thu mua, chế biến hải sản tại cảng cá ký cam kết sử dụng nước sạch trong kinh doanh và đảm bảo vệ sinh môi trường.

anh-1-4-.jpg
Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa

Đẩy mạnh thực hiện đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới hải đảo giai đoạn 2017 - 2021”; đề án “Tăng cường bảo vệ an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế biển, đảo tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020”.

Thường xuyên phát động phong trào giảm thiểu rác thải nhựa ở các huyện, xã vùng biển như xây dựng và nhân rộng mô hình đi chợ cùng làn nhựa, hộp nhựa; các bến cảng cá và một số chợ, hộ kinh doanh đã sử dụng túi giấy, ống hút giấy thay cho túi nhựa, ống hút nhựa, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

PV: Đâu là khó khăn vướng mắc còn tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường tại các cảng cá, thưa ông?

Ông Phạm Tiến Dũng:

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 8 cảng cá, bến cá và 4 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá ở các địa phương ven biển. Trong đó, có 3 cảng cá là Lạch Hới (TP. Sầm Sơn), Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn) và Hòa Lộc (Hậu Lộc) có sức chứa từ 700 - 1.000 tàu cá. Đây cũng là 3 cảng cá đủ điều kiện cho tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra cập cảng và cho tàu cá nước ngoài có chiều dài từ 46m - 46,86m cập cảng bốc dỡ hàng hóa và tránh trú bão.

Với số lượng nhiều tàu cá cập bến cảng hằng ngày, trong khi một số cơ sở kinh doanh và hộ dân sống xung quanh cảng cá chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường dẫn đến rác thải với đủ chủng loại đổ tràn lan, nước thải từ bến cá chảy xuống biển làm ảnh hưởng đến môi trường.

anh-3-1-.jpg
Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về tác hại của rác thải nhựa.

Tại cảng cá Lạch Bạng, thị xã Nghi Sơn vẫn còn tình trạng đổ rác thải ở ven bờ lạch chủ yếu là do một số người dân thiếu ý thức đổ trộm. Các loại rác như bao bì xác rắn, túi ni lon, vỏ chai nhựa, thậm chí bóng đèn điện và nhiều loại rác thải thuộc diện khó phân hủy khác cũng đổ tràn xuống bờ lạch, rác tồn đọng lâu ngày bốc mùi hôi thối.

Thanh Hóa có đường bờ biển trải dài, với nhiều lợi thế về phát triển kinh tế biển, kéo theo sự phát sinh một lượng lớn chất thải ra môi trường. Theo thống kê, trung bình 1 ngày người dân thải ra môi trường khoảng 345 tấn rác thải từ nhựa (tương đương 0,1kg/người). Với khối lượng chất thải nhựa và túi nilon được sử dụng và thải bỏ hàng ngày lớn như vậy, nhưng việc quản lý lượng chất thải này vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn.

PV: Để tháo gỡ khó khăn, nâng cao công tác bảo vệ môi trường tại các cảng cá một cách hiệu quả, tỉnh Thanh Hóa đề ra các giải pháp gì, thưa ông?

Ông Phạm Tiến Dũng:

Thanh Hóa triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về bảo vệ môi trường, nhất là Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; Kết luận số 2073-KL/TU, ngày 7/9/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”; các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.

Hạn chế tối đa chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; không chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm; chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó với các sự cố về môi trường trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, vận hành mạng lưới quan trắc môi trường; tổ chức theo dõi, giám sát, cảnh báo kịp thời về ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật.

Phong trào “Hãy làm sạch biển”, “Chống rác thải nhựa” bảo vệ môi trường với hành động vì một bãi biển xanh, sạch; tích cực vận động quần chúng nhân dân bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo, tham gia bảo vệ môi trường biển; cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường thông qua các hoạt động thiết thực làm sạch bờ biển, vệ sinh môi trường, phòng, chống, hạn chế sử dụng túi nilon, các sản phẩm từ nhựa.

Giám sát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng và vận hành công trình xử lý chất thải, nước thải, khí thải... của các dự án; kiên quyết dừng hoạt động đối với các dự án chưa đầu tư xây dựng hoàn thành các công trình xử lý chất thải, nước thải, khí thải hoặc đã đầu tư nhưng vận hành không đúng theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; Giám sát chặt chẽ hoạt động xả rác thải, nước thải, khí thải của các cơ sở sản xuất dọc lưu vực các sông, dọc bờ biển, đặc biệt là khu vực bến cảng cá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa tăng cường công tác quản lý môi trường cảng cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO