Tham dự hội nghị gồm có: ông Đào Trọng Quy - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; các đại diện Sở Tài chính, Sở Tư pháp; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các doanh nghiệp đang thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đào Trọng Quy cho biết: Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chủ trì tham mưu cho UBND về giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã dự thảo Quyết định Ban hành quy định về mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và Hội đồng nhân dân cũng có dự thảo Nghị Quyết về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận về giá cũng như các chính sách hỗ trợ theo Quyết định và Nghị quyết đã phù hợp với thực tế từng địa phương hay chưa. Sau đó sẽ tổng hợp báo cáo UBND và Hội đồng nhân dân.
Dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế chính sách hỗ trợ thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt có các nội dụng cơ bản, như: Đối tượng hỗ trợ; nội dung và mức hỗ trợ; nguồn kinh phí thực hiện và thời gian thực hiện. Trong đó, nội dung và mức hỗ trợ được xây dựng cụ thể, như: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt cho các đối tượng hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, người già neo đơn không nơi nương tựa, người tàn tật.
Đối với cơ sở xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ đốt, hỗ trợ 340.000 đồng/tấn đối với công nghệ, thiết bị nước ngoài, 320.000 đồng đối với công nghệ, thiết bị trong nước cho khu xử lý có công suất 10-50 tấn/ngày; hỗ trợ 480.000 đồng/tấn đối với công nghệ, thiết bị nước ngoài, 440.000 đồng đối với công nghệ, thiết bị trong nước cho khu xử lý có công suất 50 đến dưới 300 tấn/ngày...
Đối với cơ sở xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ chế biến phân vi sinh, tái chế kếp hợp đốt, hỗ trợ 390.000 đồng/tấn đối với công nghệ, thiết bị nước ngoài, 360.000 đồng đối với công nghệ, thiết bị trong nước cho khu xử lý có công suất 100 đến dưới 300 tấn/ngày; hỗ trợ 330.000 đồng/tấn đối với công nghệ, thiết bị nước ngoài, 300.000 đồng đối với công nghệ, thiết bị trong nước cho khu xử lý có công suất từ trên 500 tấn/ngày.
Đối với cơ sở xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, hỗ trợ 140.000 đồng/tấn có tính khấu hao, 130.000 đồng/tấn không tính khấu hao cho đầu tư bãi chôn lấp, khu xử lý có công suất 10 đến 100 tấn/ngày.
Dự thảo cũng quy định nguồn kinh phí hỗ trợ cụ thể như, ngân sách tỉnh hỗ trợ xử lý CTR sinh hoạt cho các hộ gia đình không có sản xuất kinh doanh tại các khu xử lý từ ngồn vốn sự nghiệp môi trường hằng năm; ngân sách UBND các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ chi phí thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt từ các hộ nghèo, người già neo đơn không nơi nương tựa. Kinh phí đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng ngoài dự án nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực các dự án đầu tư xử lý CTR ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, ngân sách huyện 50%... Thời gian hỗ trợ đến năm 2025.
Về dự thảo quyết định của UBND tỉnh về giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt, quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt đối với cá nhân, hộ gia đình không có hoạt động sản xuất kinh doanh từ 3.000-8.500 đồng/người/tháng tùy vào khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bằng, trung du, ven biển hay khu vực đô thị.
Đối với các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, trường học, bệnh viện... có mức giá dịch vụ 126.000 đồng/cơ sở/tháng có khối lượng rác nhỏ hơn hoặc bằng 1 m3/tháng; 130.000 đồng/m3 đối với cơ sở có khối lượng rác lớn hơn 1 m3/tháng...
Trên cơ sở nội dung dự thảo, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực như, cần điều chỉnh, thay thế một số từ ngữ sử dụng trong dự thảo sao cho phù hợp với mục đích, yêu cầu; xem xét lại giá dịch vụ liên quan đến cự li vận chuyển rác; bổ sung kinh phí hỗ trợ cho đối tượng tham gia thu tiền dịch vụ; giao trách nhiệm cho các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện nộp tiền dịch vụ; nên căn cứ các tiêu chí phân loại hộ nghèo để có mức hỗ trợ phù hợp; có giải pháp kiểm soát khối lượng thu gom, vận chuyển để thanh quyết toán; cần tăng giá tối đa phí dịch vụ thu gom, vận chuyển ở khu vực miền núi... Những ý kiến đóng góp của các đại biểu Sở TN&TM sẽ tiếp thu, sớm chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo báo cáo UBND tỉnh.