Thanh Hóa: Lại có “bản ung thư”

08/05/2014 00:00

(TN&MT) - Hơn 30 năm qua, người dân bản Mỹ Lợi, xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa luôn sống trong lo sợ ung thư gõ cửa gia đình mình.

(TN&MT) - Hơn 30 năm qua, người dân bản Mỹ Lợi, xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa luôn sống trong hoang mang, lo sợ ung thư gõ cửa gia đình mình. Người dân nghi ngờ trước đây lâm trường Thạch Thành chôn chất diệt cỏ DDT dưới lòng đất.
   
Ám ảnh về cái chết
   
  Vượt qua con đường đất đá lởm chởm, chúng tôi có mặt ở “bản ung thư”. Bản nghèo với 100% dân số là người dân tộc Mường nay đã có điện thắp sáng, có hệ thống dẫn nước sạch về tận nơi cho bà con sinh hoạt. Nhưng rồi số người mắc ung thư và tử vong vì ung thư mỗi năm ở bản Mỹ Lợi vẫn có chiều hướng tăng.
   
  Ông Đỗ Văn Minh - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thành Vinh, cho biết: Trong văn bản báo cáo lên Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Thanh Hóa tháng 12/2013, thống kê trong giai đoạn 2008 – 2014, toàn xã có 188 người chết, trong đó có 46 trường hợp chết vì ung thư, chủ yếu là ung thư vú, ung thư gan, ung thư phổi và ung thư vòm họng. Phần lớn bệnh nhân bị ung thư là những lao động chủ lực trong độ tuổi từ 30 – 45. Riêng bản Mỹ Lợi trung bình cứ 10 người chết thì có 4 – 5 người là mắc bệnh ung thư.
   
  Trong ngôi nhà cộng đồng của bản, ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng bản Mỹ Lợi với đôi mắt đượm buồn tâm sự: Từ năm 1972 - 2014 bản Mỹ Lợi có tất cả 40 người chết do mắc ung thư. Số người tử vong vì ung thư mỗi năm một khác nhưng đều có xu hướng tăng dần. Có năm chết 1 người (năm 1972), rồi tăng lên 2 – 3 người (năm 1985 – 1986), đỉnh điểm nhất là năm 2004 – 2005 cả bản có tới 10 người chết và gần đây nhất là 4 – 5 người (2012 – 2013). Và cũng từ đó, bản Mỹ Lợi được gọi tên là “bản ung thư”.
   
Ông Bùi Đăng Kỳ – Bí thư chi bộ bản Mỹ Lợi, chỉ tay về hướng nông trường luồng cũ.
   
  Ông Bùi Đăng Kỳ – Bí thư Chi bộ bản Mỹ Lợi ngậm ngùi chia sẻ: “Nhà tôi cũng có một anh trai và một người chú mất vì ung thư. Người chú mắc bệnh ung thư gan mất ở tuổi 41, còn người anh ra đi vì ung thư phổi khi vừa tròn 31 tuổi. Ở tuổi ấy, cả hai đều đang mạnh khỏe thì đột ngột ngã bệnh rồi qua đời chỉ sau thời gian ngắn”.
   
  Thật đau lòng khi  trong một gia đình có tới 2 – 3 người thân chết vì ung thư. Đó là gia cảnh của chị Trương Thị Huấn, 30 tuổi. Bố, mẹ chồng và chồng chị đã mất vì căn bệnh ung thư khi tuổi đời còn rất trẻ.
   
Có hay không việc chôn thuốc trừ sâu?
   
  Theo kết quả phân tích chất lượng môi trường tại khu vực thôn Mỹ Lợi của Sở Tài nguyên & Môi trường (ngày 27/1/2014), trong tổng số 4 mẫu đất được kiểm tra thì hàm lượng DDT vượt quy chuẩn cho phép (QCCP) từ 7 – 44 lần; Endosulfan (thuốc trừ sâu có độc tính cao, có thể gây chết người nếu thấm vào da hay đi vào cơ thể qua đường hô hấp hoặc tiêu hóa) vượt từ 2,3 – 4 lần; Aldrin vượt 2 – 2,6 lần; Lindane vượt hơn 2 lần (các thuốc này nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng ở Việt Nam).
   
  Ông Nguyễn Đăng Kỳ, cũng khẳng định: Đúng là có việc Lâm trường Thạch Thành cũ chôn thuốc trừ sâu xuống lòng đất, tuy nhiên, chưa biết chính xác là ở vị trí nào. Chúng tôi đã tìm gặp chủ nhiệm lâm trường Thạch Thành thời đó là ông Sáu và ông Lai, cả hai đều xác nhận là có chôn DDT.
   
  Ông Nguyễn Xuân Trường kể lại: “Vào những năm 1970 của thế kỷ trước khu vực của làng là thuộc nông trường vườn ươm được xây dựng ngay ở dưới chân núi (ở trong thôn Mỹ Lợi) để tiện cho việc khai thác vào trông coi luồng. Thế nhưng vào những năm đó xuất hiện nạn dịch chấu chấu phá hại luồng của nông trường. Vì vậy, Ban quản lý đã cho phun thuốc diệt châu chấu loại DT66 (dạng thuốc bột màu hồng) trên một diện rộng xung quanh đồi. Sau khi phun xong còn dư một lượng thuốc lớn nông trường đã cho chôn cất xuống đất để tiêu hủy. Rất có thể do chôn vào khu vực có nguồn nước chảy xuống làng, vì vậy dân làng không biết nên vẫn dùng để sinh hoạt. Đây có thể là nguyên nhân gây ra ung thư”.
   
  Hiện tại, xã Thành Vinh đã kết hợp với bà con trong xóm để cùng xây dựng một bể chứa nước lớn ở nơi khác để dẫn về bản. Nhưng vì bể nước đã xây dựng quá lâu, ống dẫn nước lại làm bằng kẽm nên bị rỉ, khiến cho cả làng thường xuyên bị thiếu nước trầm trọng. Một số hộ dân trong khu vực bị nhiễm độc vẫn chủ quan dùng nước bằng giếng tự đào, vì vậy  tiềm ẩn nguy cơ mầm mống bệnh tật cao, và chất độc có thể nhiễm vào bất kể ai.
   
Bài và ảnh:Thanh Tâm
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Lại có “bản ung thư”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO