Thanh Hóa: Kiên quyết đấu tranh với nạn khai thác trái phép cát sỏi trên sông

11/04/2019 15:24

(TN&MT) - Tại cuộc họp sáng ngày 03/4/2019 do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì về việc trấn áp nạn khai thác trái phép cát sỏi trên địa bàn cả nước. Về vấn nạn cát tặc được Phó Thủ tướng đặc biệt quan tâm. Đối với tỉnh Thanh Hóa, những năm gần đây đã thực hiện nhiều giải pháp để việc phòng, chống nạn “cát tặc” và đạt được kết quả khả quan. Để hiểu rõ về vấn đề này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Hoành, Trưởng phòng Khoáng sản - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa.

Ảnh 1
Khai thác cát trái phép tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc

PV: Xin ông cho biết tình hình khai thác cát sỏi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua?

Ông Phạm Văn Hoành: Tài nguyên cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được phân bố trên các dòng sông như sông Mã, sông Chu, sông Bưởi, sông Yên… Theo quy hoạch được phê duyệt, số mỏ cái được quy hoạch 95 mỏ với tổng trữ lượng và tài nguyên khoảng 21 triệu m3. Hiện tại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 37 giấy phép khai thác cát (trong đó có 23 giấy phép được cấp qua đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản) đã được UBND tỉnh đã cấp giấy phép khai thác cát làm VLXD thông thường cho các doanh nghiệp. Số tiền cấp quyền khai thác thu được là 154,2 tỷ đồng (trong đó số tiền định giá: 60,6 tỷ đồng; số tiền đấu giá: 93,6 tỷ đồng).

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, báo cáo của các ngành và địa phương liên quan cho thấy: Thời gian qua, do có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các ngành, địa phương nên tình hình khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trên địa bàn đã cơ bản được chấn chỉnh. Đối với các bãi tập kết kinh doanh cát trái phép trên các địa phương đã được giải tỏa triệt để, hiện nay không còn tình trạng tập kết cát trái phép; về hoạt động khai thác cát trái phép cơ bản đã được chấn chỉnh.

Ảnh 2
Phòng Cảnh sát Đường thuỷ đang kiểm tra các phương tiện bị bắt giữ tại xã Định Công, huyện Yên Định

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như: Tình trạng khai thác cát trái phép đến nay vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, vẫn còn xảy ra vào thời điểm nhạy cảm (ban đêm, đầu sáng, tại các khu vực giáp ranh giữa các huyện...); các đơn vị được cấp phép khai thác chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác cụ thể: Kê khai sản lượng khai thác không đúng thực tế; chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện đường thủy; các đơn vị được cấp phép nạo vét lòng sông, hồ có thu hồi cát: Chưa nghiêm túc thực hiện việc nạo vét theo đúng Phương án được duyệt, nhiều đơn vị chỉ tập trung tận thu cát, không chú trọng đến việc nạo vét bùn, đất thải dẫn đến quá trình triển khai dự án kéo dài, chưa mang lại hiệu quả; chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện đường thủy.

PV: Để thực hiện tốt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường Trực Chính Phủ Trương Hòa Bình về việc trấn áp nạn khai thác trái phép cát sỏi. Thời gian tới Phòng sẽ tham mưu cho Sở và UBND tỉnh làm gì để ngăn chặn vấn nạn trên?

Ông Phạm Văn Hoành: Là Phòng trực tiếp tham mưu về công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, nên những năm qua Phòng Khoáng sản đã tích cực tham mưu cho Sở và UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng liên quan đến công tác quản lý tài nguyên cát như: Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 10/5/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; Công văn số 1306/UBND-CN ngày 26/02/2014 về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh; Công văn số 1037/UBND-CN ngày 26/01/2018 chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì việc kiểm tra xử lý các tàu thuyền không có đăng kiểm,đăng ký lưu thông qua cầu phao Vồm xã Thiệu Khánh, TP.Thanh Hóa và xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa.

Ảnh 3
Ba tàu khai thác cát trái phép với khối lượng lớn tại xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa

Ngoài ra, công tác đấu tranh phòng chống hoạt động khai thác cát sỏi trái phép phải thường xuyên, hiệu quả. Từ năm 2014-2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành và thực hiện 8 đợt thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt, năm 2018 thực hiện kiểm tra liên ngành đối với 24 giấy phép khai thác và 61 bãi tập kết theo chỉ đạo của Hội đồng nhân dân tỉnh tại Thông báo số 1018/TB-HĐND ngày 13/12/2017 về kết luận kỳ họp thứ 4, Khóa 17.

Năm 2016, tiến hành thu hồi 02 mỏ cát (mỏ cát số 40 huyện Yên Định; Mỏ cát số 23 huyện Vĩnh Lộc) do trong quá trình hoạt động làm ảnh hưởng đến bờ, bãi sông; Năm 2017 có văn bản yêu cầu 10 đơn vị được cấp phép khai thác mỏ cát dừng hoạt động do mốc giới khống chế khu vực mỏ chưa được cắm đầy đủ hoặc chưa đúng quy cách. Năm 2018 thu hồi 01 mỏ do nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện Cẩm Thủy 1.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành, UBND cấp huyện đã xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản cát trên địa bàn với tổng số vụ vi phạm đã xử lý là 165 vụ (năm 2017 xử lý 117 vụ; 2018 xử lý 48 vụ); Tổng số tiền đã phạt là 3.412,5 triệu đồng (năm 2017 là 2.500,6 triệu; năm 2018 là 911,9 triệu). Vụ xử lý lớn nhất là bắt 08 thuyền khai thác tại huyện Vĩnh Lộc ngày 30/4/2017, phạt với số tiền là 182 triệu đồng. Năm 2017 và 2018 Công an tỉnh Thanh Hóa xử phạt hành chính 4,42 tỷ đồng; Quý I năm 2019: Công an tỉnh xử lý 44 vụ, số tiền xử phạt hành chính 1,0722 tỷ đồng;

Điển hình, Công an huyện Thường Xuân quyết định khởi tố bị can đối với Vi Xuân Túng, sinh năm 1981 ở xã Xuân Cao, huyện Thọ Xuân với hành vi khai thác tài nguyên trái phép.

PV: Về lâu dài, để quản lý, giám sát hiệu quả việc khai thác cát sỏi. tỉnh cần có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Phạm Văn Hoành: Chúng tôi coi nạn khai thác trái phép cát sỏi trên dòng sông là hành vi ăn cắp tài nguyên của quốc gia. Vì vậy, để thực hiện tốt công tác quản lý về tài nguyên cát, rất mong Chính phủ xem xét, chỉ đạo một số nội dung sau: Chỉ đạo Công an giao thông xử lý dứt điểm, không để các tàu thuyền chưa đăng ký mà vẫn tham gia khai thác, nạo vét, vận chuyển cát, sỏi trên tuyến đường thủy nội địa; chỉ đạo ngành Thuế quản lý chặt chẽ hóa đơn hàng hóa đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh cát nhằm hạn chế tối đa khối lượng cát được tiêu thụ nhưng không có hóa đơn, mở rộng giải pháp gắn camera theo dõi các tổ chức, cá nhân vận chuyển cát đi tiêu thụ;

Ngành Giao thông vận tải: Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án nạo vét để đảm bảo các đơn vị thực hiện theo đúng Phương án được duyệt;

UBND tỉnh: Có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ tiên tiến để sản xuất cát từ đá; tăng tỷ lệ thu tiền cấp quyền khai thác đối với khoáng sản cát, sỏi lòng sông để khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng các vật liệu khác thay cát, sỏi lòng sông, giảm thiểu tình trạng sử dụng cát sông.

PV: Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Kiên quyết đấu tranh với nạn khai thác trái phép cát sỏi trên sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO