Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có 8 dự án thủy lợi đang dở dang, tạm dừng thi công do thiếu vốn. Trọng điểm là hai dự án tiêu úng Đông Sơn có kế hoạch vốn đầu tư 550 tỷ đồng và Dự án tiêu thoát lũ sông Nhơm qua hai huyện Nông Cống và Triệu Sơn, có tổng vốn đầu tư dự kiến 624 tỷ đồng.
Dự án tiêu thoát lũ sông Nhơm, đoạn qua hai huyện Nông Cống và Triệu Sơn được triển khai từ cuối năm 2011, thế nhưng sau 8 năm triển khai dự án vẫn dậm chân tại chỗ, nhiều hạng mục công trình còn dang dở. Nguyên nhân vẫn là do “điệp khúc” thiếu vốn.
Đơn cử như khu vực cầu thôn Đình Trung ( Tân Ninh, Triệu Sơn) nơi dự án đi qua người dân lắc đầu ngao ngán vì dự án dang dở, nhà thầu thi công nửa vời rồi bỏ đi. Theo phản ánh của người dân, thời gian trước đây bên nhà thầu có cho máy đến xúc đất, san nền khu vực kè bên cầu, đổ đá, nhưng rồi không thấy thi công tiếp.
Ông Lê Đình Tâm, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh ( Triệu Sơn) cho biết: Dự án Tiêu thoát lũ sông Nhơm, đoạn thi công qua xã Tân Ninh có tổng chiều dài hơn 3km, đi qua 10 thôn dài nhất so với các xã còn lại. Nhưng cho tới thời điểm hiện tại dự án thi công dở dang, nhiều hạng mục chưa hoàn thành do thiếu vốn. Chính quyền và bà con rất mong muốn dự án sớm hoàn thành để địa phương tạo điều kiện kinh tế, chống sạt lở trong mùa mưa bão.
Dự án tiêu thoát lũ sông Nhơm đi qua 12 xã của huyện Nông Cống, có chiều dài 23,4 km. Bao gồm các hạng mục như: hệ thống cầu, cắt cổ bầu; nạo vét, mở rộng lòng sông; xây dựng một số cầu trên sông; kè một số đoạn xung yếu…
Theo báo cáo của BQL dự án đầu tư xây dựng huyện Nông Cống, đến nay một số hạng mục công trình đã hoàn thành, còn lại dang dở, chậm tiến độ. Cuối năm 2015 – đầu 2016, nhà thầu không thi công tiếp do thiếu vốn. Hiện tại dự án mới thi công được 20% khối lượng, cụ thể đã nạo vét sông được 7,3/23 km, đạt 20% khối lượng. Trong đó, đoạn cắt cổ bầu xã Tế Thắng nạo vét được 1.105,45 m; khối lượng đất đào 220.000 m3; đoạn cắt cổ bầu Tân Thọ nạo vét được 551 m, khối lượng đất đào 66.000m3; cơ bản hoàn thành 2 cống qua đê hữu sông Nhơm, cầu Tân Thọ…
Trong khi đó, hạng mục hoàn trả mặt bằng đất mượn làm bể lắng của các hộ dân vẫn chưa được thực hiện khiến nhiều hộ bức xúc. Để ổn định đời sống và sản xuất của các hộ dân có đất cho dự án mượn làm bể lắng, UBND huyện Nông Cống đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng kiểm tra, rà soát, tính toán kinh phí để thanh thải, hỗ trợ, khôi phục lại đất sản xuất cho các hộ. Kinh phí tạm tính trên 1,4 tỷ đồng.
Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Thông báo số 299/TB-UBND ngày 16/12/2016 về kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền tại buổi kiểm tra, làm việc về tiến độ dự án tiêu thoát lũ sông Nhơm, trong đó đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, chỉ đạo: Theo đó, thống nhất chủ trương điều chỉnh dự án, giao cho chủ đầu tư ( Triệu Sơn, Nông Cống) xây dựng phương án rà soát dự án trên địa bàn mình cho phù hợp với nguồn vốn hiện nay, gửi Sở NN&PTNT; giao Sở NN&PTNT tích hợp nội dung rà soát của hai huyện để tham mưu, điều chỉnh dự án; Sở Kế hoạch&Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh theo hướng: Trên địa bàn huyện Nông Cống, nạo vét 23km, xem lại những vị trí cần thiết để nâng cấp đê, kè trên tuyến; rà soát lại số cống dưới đê để dự kiến xây dựng mới và sửa chữa; hoàn thiện lại cầu Tân Thọ để phát huy hiệu quả đầu tư; lồng ghép cầu Tế Thắng 2 vào dự án đường Nghi Sơn – Bãi Trành, xây dựng cầu Tế Thắng 1. Các cầu còn lại thực hiện rà soát, hoàn thành cắt ba cổ bầu; riêng cầu Tế Thắng 1 xem lại có lồng ghép được với dự án khác. Giao UBND huyện Nông Cống xây dựng phương án sử dụng đất, khai thác quỹ đất sau khi cắt, hoành triệt cổ bầu để tăng thu ngân sách và có cơ chế sử dụng nguồn tăng thu ngân sách này cho dự án…
Hiện Dự án được UBND tỉnh phê duyệt thuộc danh mục các dự án hoàn thành sau năm 2020 tại Quyết định số 2213/QĐ-UBND ngày 26/7/2017 và đang tạm dừng thi công để thực hiện điều chỉnh dự án theo thông báo kết luận số 299/TB-UBND ngày 16/12/2016 của UBND tỉnh.
Thiếu vốn đang là rào cản tại một số dự án cũng là nguyên nhân dẫn tới chậm tiến độ, khiến không ít nhà đầu tư gặp khó khăn. Nhất là khi dự án dang dở, chính người dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Gỡ được “điệp khúc” thiếu vốn sẽ sớm đưa dự án hoàn thành, nhà đầu tư có lợi và người dân được hưởng lợi!