Thanh Hóa: Di tích lịch sử văn hóa bị xâm hại, ai hậu thuẫn?

25/11/2014 00:00

(TN&MT) - Sau 3 ngày bị vắt kiệt nước hồ sinh thái quanh đảo bị cạn trơ đáy.

   
(TN&MT) - Hơn 3 ngày nay, tại hồ nước bao quanh Đảo Cò thuộc di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh Đảo Cò ở làng Nga Thượng, xã Tiến Nông, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đột nhiên “bị” chính quyền địa phương tháo rút nước cạn trơ đáy khiến các loài thủy sinh bị tận diệt, đơn vị đang được phép quản lý, bảo vệ bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Hơn hết, hồ nước rút đột ngột đã khiến cho hàng trăm nghìn cá thể cò bị ảnh hưởng vì môi trường sinh thái hủy hoại còn di tích lịch sử văn hóa Đảo Cò thì khắc khoải kêu cứu.
   
Hồ đảo Cò trơ đáy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái đảo Cò
   
  Có mặt tại Di tích Đảo Cò, sau 3 ngày bị vắt kiệt nước hồ sinh thái quanh đảo bị cạn trơ đáy, đâu đó sót lại tàn tích một vài rãnh nước nhỏ, cá tôm từ to đến nhỏ chết phơi trắng mình trên mặt hồ vì thiếu nước. Một người dân gần đó cho biết, hồ nước này không chỉ có tác dụng điều hòa cho cả một vùng dân cư rộng lớn mà quan trọng hơn đó là nơi sinh sống là môi trường lý tưởng để các thế hệ đàn Cò qua từng năm tháng sinh sôi và phát triển. Từ khi Công ty Xây dựng Thương mại và du lịch Việt Anh (Công ty Việt Anh) được giao khoán thầu trông coi, bảo vệ và tôn tạo đảo Cò thì di tích này ngày càng được quan tâm và phát triển hơn trước. Hàng rào bảo vệ được triển khai lắp đặt tránh sự xâm hại của bên ngoài đến di tích, nhiều khóm tre, rặng tre xanh mướt được công ty trồng mới tạo thêm nhiều nơi trú ngụ, làm tổ cho đàn Cò sinh sôi.
   
  Đa số người dân khi được hỏi đều bất an lo lắng: Từ trước đến nay, mỗi buổi sáng sớm hay chiều muộn đàn Cò lên đến cả nghìn con đều sà xuống mặt hồ để kiếm ăn, thế nhưng từ hôm hồ bị rút nước đến nay chỉ có một số ít xuống hồ và cả đàn kiếm ăn về muộn hơn vì tôm cá ở hồ đảo Cò gần như đã chết gần hết không có thức ăn cho cò. Không hiểu vì lý do gì vào ngày 23/11/2014 Công an và Dân quân xã lại tháo cống nước làm hồ cạn trơ đáy, cá to cá nhỏ đua nhau chết vì mấy ngày trời nắng to. Ngạc nhiên hơn là mặc dù đang mùa khô, nước nông giang vẫn chưa về nhưng chính quyền địa phương lại cho tháo nước hồ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến di tích đảo Cò.
   
  Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Lê Đình Phú - Giám đốc Công ty Việt Anh cho biết: Ngày 20/05/2009, UBND xã Tiến Nông ký hợp đồng giao thầu số 05/HĐGK – UBND với Công ty Việt Anh về việc bảo vệ, nâng cấp, tôn tạo dự án đảo Cò nhưng đã được thanh lý hợp đồng. Đến ngày 20/05/2010, UBND xã Tiến Nông và Công ty Việt Anh lại ký hợp đồng giao khoán thầu số 03– HĐGK, theo đó UBND xã Tiến Nông giao cho Công ty trông coi, bảo vệ và tôn tạo đảo Cò thuộc di tích lịch sử văn hóa – danh lam thắng cảnh và khoán cho Công ty tận dụng mặt nước lòng hồ để thả cá. Ngay sau khi ký kết hợp đồng giao khoán Công ty đã tiến hành vệ sinh, chỉnh trang ao nuôi, trồng thêm tre xanh cho Cò đậu, làm hành rào bảo vệ và thả cá.
   
  Nhưng không hiểu tại sao, trong khi hợp đồng số 03/HĐKT vẫn đang còn hạn, Công ty Việt Anh vẫn đang hoàn toàn có quyền bảo vệ và trông coi di tích đảo Cò, thì UBND xã lại chỉ đạo Công an, Dân quân rút hết nước hồ mà không thông báo hay phối hợp cùng Công ty để có những biện pháp giảm thiểu xâm hại tối đa đến di tích. Việc làm trên không chỉ gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái của di tích đặc biệt này.
   
Chủ tịch xã Tiến Nông Đào Hữu Ngọc 
   
  Trả lời về vấn đề này, ông Đào Hữu Ngọc, Chủ tịch UBND xã Tiến Nông cho rằng: Thấy Trưởng Công an xã và Xã Đội trưởng báo cáo là nước hồ bị ô nhiễm, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và Cò bỏ đi nên địa phương đồng ý phương án rút nước hồ vì 2 – 3 ngày sau có nước nông giang về sẽ tiến hành lấy nước mới. Nhưng thực tế đến thời điểm này cả đảo Cò mênh mông nước giờ chỉ là bãi đất cạn khô dáo, hàng chục tấn cá mằn trắng mình trỏng trơ. Còn việc rút nước cá chết gây thiệt hại cho Công ty hàng trăm triệu đồng, ông Ngọc cho rằng địa phương làm không sai, không gây thiệt hại gì cho Công ty Việt Anh vì xã đã làm Biên bản thanh lý hợp đồng giao khoán số 05/HĐGK – UBND ngày 20/05/2009(?). Tuy nhiên, khi PV đưa hợp đồng giao thầu số 03 – HĐGK ngày 20/05/2010 giữa địa phương và Công ty Việt Anh thì ông Ngọc từ chối khéo rằng xã không hề có hợp đồng này và sẽ cho anh em kiểm tra lại. Nếu như biết có hợp đồng này thì sự việc đã khác!?
   
  Lạ lùng hơn là mặc dù Công ty Việt Anh đang còn thời hạn hợp đồng nhưng UBND xã Tiến Nông lại vội vã ký hợp đồng giao khoán số 12/HĐGK – UBND và hợp đồng bảo vệ khu di tích vườn cò số 13/HĐGK - UBND cùng ngày 03/12/2013 với ông Xã đội trưởng và Trưởng công an xã với thời hạn 36 tháng (!).
   
  Việc giao khoán thầu vội vã, chưa minh bạch đã để lại nhiều hệ lụy đối với một di tích đặc biệt như đảo Cò, doanh nghiệp thì thiệt hại hàng trăm triệu do những việc làm không giống ai của chính quyền địa phương. Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm vào cuộc làm rõ và xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm trên.
   
Anh Tú – Thu Thủy
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Di tích lịch sử văn hóa bị xâm hại, ai hậu thuẫn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO