Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng trên 4.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; trong đó, có gần 1.000 cơ sở đang hoạt động trong các KCN, CCN và KKT Nghi Sơn; hơn 3.000 cơ sở sản xuất khác đang hoạt động trên địa bàn các huyện, ngoài các KCN, CCN như: Hoạt động sản xuất giấy, bột giấy; hoạt động sản xuất, chế biến thủy, hải sản; các cơ sở sản xuất trong làng nghề; hoạt động chăn nuôi gia súc...
Toàn cảnh kỳ họp thứ XI, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII (nhiệm kỳ 2016-2021) |
Những hoạt động sản xuất của các cơ sở góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương, song tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nhưng chậm được xử lý hoặc xử lý chưa dứt điểm dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường cho nhiều con sông
Ngoài ra vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt đang là vấn đề nóng ở các địa phương: Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh hằng ngày trên địa bàn tỉnh là 2.175 tấn/ngày,đêm; tỷ lệ thu gom toàn tỉnh tính đến hết năm 2018 đạt khoảng 85%. CTRSH sau khi được thu gom, xử lý bằng hai hình thức chủ yếu là chôn lấp (chiếm gần 90% tại 21 bãi rác) và đốt (khoảng 10% ở 23 khu xử lý), phần chưa thu gom đang đổ thải ra môi trường. Bên cạnh đó, một số bãi rác tồn lưu đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng chưa được xử lý (Bãi rác TP Sầm Sơn; TP Thanh Hóa và TX Bỉm Sơn).
Ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa trả lời chất vấn |
Theo ông Đào Trọng Quy, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường thì cần có Chính sách hỗ trợ xử lý CTRSH, giai đoạn 2020 - 2025 để thay thế Nghị quyết số 28/2016/NĐ-HĐND ngày 08/12/2016 theo hướng nâng mức hỗ trợ, mở rộng đối tượng hỗ trợ, từ đó tăng cường khả năng kêu gọi xã hội hóa đầu tư và nâng cao tỷ lệ CTRSH được thu gom, xử lý; hướng dẫn các địa phương thu gom, phân loại CTRSH tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon, đóng cửa các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh; hướng dẫn các cơ sở gây ô nhiễm môi trường biện pháp xử lý chất thải (xử lý nước thải chế biến thủy sản, chế biến bột giấy, chăn nuôi...)
Xây dựng Kế hoạch quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 theo hướng quy hoạch xử lý CTRSH tại chỗ, giảm việc vận chuyển CTRSH giữa các địa phương này sang địa phương khác. hỗ trợ các đơn vị quản lý, vận hành khu xử lý CTRSH hoàn thành các công trình BVMT và hồ sơ, thủ tục để thực hiện chính sách hỗ trợ xử lý CTRSH theo quy định; kiểm tra, giám sát công tác quản lý vận hành các khu xử lý CTRSH trên địa bàn các huyện.
Bên cạnh đó, các Sở, ngành, địa phương cần tham mưu cho UBND tỉnh không chấp thuận chủ trương cho các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao với các loại hình như: sản xuất giấy, bột giấy; dệt nhuộm; sản xuất hóa chất, sản xuất phân bón hóa học (trừ loại hình phối trộn); thuốc bảo vệ thực vật; thuộc da; sản xuất pin, ắc quy...; xây dựng, ban hành các cơ chế, tiêu chí về môi trường để sàng lọc có hiệu quả các loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất, các dự án đầu tư vào khu vực nhạy cảm về môi trường, các dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...