Thanh Hóa: “Bát nháo” khai thác đất trái phép

14/05/2014 00:00

(TN&MT) - Lợi dụng chủ trương làm đường giao thông nông thôn nhiều xã trên địa bàn huyện Hậu Lộc đã tự ý khai thác đất trái phép...

(TN&MT) - Lợi dụng chủ trương làm đường giao thông nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều xã trên địa bàn huyện Hậu Lộc đã tự ý khai thác đất trái phép, làm thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia.
   
  Ngày 5 tháng 4 năm 2014 UBND xã Cầu Lộc có tờ trình số 09/TTr – UBND  gửi UBND huyện Hậu Lộc đề nghị được khai thác đất thuộc khu vực núi Eo Miểu – thôn Cầu Hòa để đắp đường giao thông nội đồng phục vụ quá trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2014. Với tổng diện tích là 6.400m2 và khối lượng là 2.636m3. Tương tư, ngày 5 tháng 11 năm 2013, UBND xã Tiến Lộc cũng có tờ trình số 31/TTr – UBND gửi UBND huyện Hậu Lộc đề nghị được khai thác đất san nền phục vụ xây dựng đường giao thông khu dân cư mới, đường giao thông nội đồng, mặt bằng chợ Sơn xã Tiến Lộc với khối lượng là 10.000m3, thời gian khai thác là 30 ngày, địa điểm khai thác thuộc chân núi Bần, thôn Bùi, xã Tiến Lộc. Mặc dù, không được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác, hai xã Tiến Lộc và Cầu Lộc vẫn ngang nhiên khai thác.
   
Nửa quả núi Eo Miểu, thôn Cầu Hòa, xã Cầu Lộc, đã bị “xẻ thịt” vì xây dựng nông thôn mới.
    
   
  Có mặt tại núi Eo Miểu, thôn Cầu Hòa, xã Cầu Lộc, chúng tôi được tận mắt chứng kiến một công trường khai thác tấp nập, xe cộ ra vào liên tục, máy móc hoạt động hết công suất.
   
  Để làm rõ hơn tình trạng khai thác đất trái phép chúng tôi đã tìm gặp ông Đỗ Văn Tám – Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc và nhận được câu trả lời rằng: “Huyện, tỉnh còn lấy đất để đắp đê, chúng tôi lấy để làm đường giao thông nông thôn phục vụ người dân cũng chẳng có gì là sai, đó là phần đất ở của người dân cộng với  đất lâm nghiệp được giao khoán để trồng rừng. Khi chúng tôi đặt ra câu hỏi Vì sao chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác, nhưng xã đã tự ý khai thác đất? Thì lúc đó ông Tám mới thừa nhận rằng: “Chúng tôi cũng biết phải được tỉnh cấp phép mới được khai thác, nhưng vì sắp tới mùa, tiền của người dân đã đóng, tài nguyên thì sẵn có tại địa phương không làm cũng không được”. Như vậy thực chất vì lợi ích của nhân dân nên UBND xã Cầu Lộc đã cố tình “lợi dụng” tài nguyên sẵn có để giảm bớt đóng góp của người dân, hay chăng đó là một hình thức để giảm chi phí làm đường giao thông nông thôn, liệu số tiền dư thừa sẽ “chảy vào túi ai”?. Vì theo chúng tôi được biết UBND xã Cầu Lộc thu 50.000đồng/sào và thu trong sáu vụ. Ông Tám còn “bật mí” thêm: Chỗ khu vực khai thác đất đen cũng thuộc thôn Cầu Hòa là UBND huyện Hậu Lộc lấy để san lấp sân vận động huyện và mặt bằng chợ Lãi, xã Lộc Sơn”.
   
  Ông Hoàng Văn Đồng – Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc trả lời rất thẳng thừng rằng: “Chúng tôi đang tận dụng lượng đất đá ở chân núi Bần đề đắp đường và san lấp ao của trạm xá, cũng là để giảm bớt chi phí đóng góp của nhân dân”. Nhưng tới thời điểm hiện tại sau 6 tháng trôi qua tình trạng khai thác đất trái phép tại đây vẫn chưa chấm dứt. Người dân ở đây vẫn hoài nghi rằng, liệu có tình trạng lợi dụng khai thác đất đen để bán cho các nhà máy sản xuất phân bón?.
   
  Một người dân ở thôn Cầu Hòa, xã Cầu Lộc còn cho biết thêm:  hằng ngày xe cộ ra vào tấp nập, đường lúc nào cũng bụi mù mịt, cả nửa quả núi đã bị lấy đi, mưa lớn thì nguy cơ sạt lở rất cao nguy hiểm đến tính mạng con người và tài sản, chỉ vì lợi ích trước mắt mà không lường trước được hậu quả khôn lường.
   
  Như vậy, tại thôn Cầu Hòa, xã Cầu Lộc cả hai nửa quả núi đã bị “xẻ thịt” không thương tiếc, tại chân núi Bần, xã Tiến Lộc, cũng tương tự như vậy, nguồn tài nguyên quốc gia không ngừng bị thất thoát, trong khi đó chính quyền địa phương vẫn đang “tiếp tay” để khai thác tài nguyên trái phép.
   
  Bài và ảnh: Thanh Tâm
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: “Bát nháo” khai thác đất trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO