Kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người Phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hôm nay (ngày 2/2), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018. Đây cũng là phiên họp Chính phủ đầu tiên của năm mới 2018, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP với phương châm xuyên suốt là: “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”.
“Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 1, các bộ ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ theo đúng tinh thần vào cuộc ngay từ ngày đầu, tháng đầu. Nhờ đó và tiếp đà thành công của năm 2017, tình hình KT-XH nước ta tháng 1/2018 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Trong những ngày cuối năm 2017, đầu năm 2018, Việt Nam liên tiếp đón nhận nhiều tin vui trên nhiều lĩnh vực từ kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 cho tới kết quả thi đấu của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam. Ngay trong tháng 1/2018, đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam đã làm nên kỳ tích giành ngôi Á quân Châu Á, điều này cho thấy sự tuân thủ trong chỉ đạo, tính kỷ luật cao, niềm tin, ý chí sắt đá và tinh thần đoàn kết đã mang lại thành công cho U23 Việt Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng rằng không chỉ bóng đá, đất nước Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra nhiều kỳ tích mới trong phát triển kinh tế - xã hội.
Các chỉ tiêu tháng đầu năm 2018 cao hơn cùng kỳ năm 2017
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong tháng 1/2018, Chỉ số quản trị mua hàng tăng đến 53,4 điểm, cao nhất ASEAN, cao hơn cả Hàn Quốc, Trung Quốc, điều này thể hiện niềm tin lớn của người tiêu dùng và xã hội. Trong khi bình quân của ASEAN chỉ 50,2 điểm.
Bộ trưởng cho biết: Do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm nay không trùng vào tháng 1 như năm 2017 và là thời điểm các doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết nên chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ 2017 tăng 0,7%,). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng của ngành và tăng với mức cao nhất 23,8% so với mức tăng 4,7% trong cùng kỳ 2017.
Tại một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn, chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tăng mạnh. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh tăng 15% (cùng kỳ tăng 3,8%); Hà Nội tăng 14,7% (cùng kỳ tăng 4,3%); Bắc Ninh tăng 47,2% (cùng kỳ giảm 6,1%); Thái Nguyên tăng 15,8% (cùng kỳ tăng 13,6%); Hải Phòng tăng 31,3% (cùng kỳ tăng 12%); Quảng Ninh tăng 29% (cùng kỳ giảm 3,6%); Quảng Nam tăng 26,3% (cùng kỳ tăng 1,4%);…
Sản xuất nông nghiệp nhìn chung ổn định, diện tích rừng trồng tập trung tăng 3,5% (cùng kỳ giảm 1,3%), sản lượng thủy sản tăng 4,1% (cùng kỳ tăng 0,8%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá, thì tăng 8,38% (cùng kỳ tăng 6,7%). Khách quốc tế đạt trên 1,4 triệu lượt (cùng kỳ trên 1 triệu), tăng 42% (cùng kỳ tăng 23,6%).
Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng lên gần 15,4 nghìn doanh nghiệp (cùng kỳ có 14,6 nghìn DN). Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước tăng 13,9%. Vốn FDI thực hiện đạt trên 1 tỷ USD, tăng 10,5%.
Đặc biệt, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 19 tỷ USD (cùng kỳ đạt 14,6 tỷ USD), tăng mạnh với mức tăng 33,1%, khu vực kinh tế trong nước tăng 31,6% xấp xỉ mức tăng 33,7% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Chủ động phòng chống những tác động tiêu cực của BĐKH
Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần không thể lơ là, chủ quan, thỏa mãn với kết quả của tháng 1/2018 và không lơ là, mất cảnh giác với tình hình chung của thế giới và trong nước, trong đó, chủ động phòng chống những tác động tiêu cực của BĐKH.
Chính phủ tiếp tục coi xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo để tạo đột phá cho huy động nguồn lực, giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện cho phát triển, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần, động lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trên tất cả các ngành, các lĩnh vực ngay từ đầu năm, trước, trong và sau Tết Mậu Tuất.
Không tổ chức đi thăm, chúc tết lãnh đạo
Về công tác phục vụ nhân dân đón tết, Bộ trưởng nhấn mạnh, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 16; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 48 và Công điện số 1882, trong dịp Tết, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện thật tốt các chính sách bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho những gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, đồng bào vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ... để người dân đón Tết vui vẻ, đầm ấm, không ai bị đói và không được ăn tết. Thị trường hàng hóa Tết cần phải phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng với giả cả ổn định.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương, đơn vị tuyệt đối không tổ chức đi thăm, chúc Tết lãnh đạo. Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên "tranh thủ" cấp dưới với mọi hình thức; nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội...
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người Phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng, cùng lãnh đạo các bộ ngành cũng tập trung trả lời các câu hỏi của các nhà báo.