Than nguyên liệu: Có kế hoạch nhập - đừng nghĩ tới bán!

07/10/2014 00:00

(TN&MT) - Để chạy đà cho tương lai, Việt Nam phải nhập khẩu hàng chục triệu tấn than/năm, đã thành lập Ban nhập khẩu than Quốc gia...

(TN&MT) - Để chạy đà cho tương lai, Việt Nam phải nhập khẩu hàng chục triệu tấn than/năm, chúng ta đã thành lập Ban nhập khẩu than Quốc gia và đã thí điểm nhập khẩu 2 đợt khoảng 50.000 tấn than. Số lượng sẽ tăng dần qua từng năm và nếu đúng theo dự báo, sau năm 2020 Việt Nam sẽ phải nhập 40 – 50 triệu tấn than/năm để cung cấp cho nhà máy nhiệt điện, sắt thép và xi măng.
   
Việt Nam đã chính thức nhập khẩu than
    
Từ chuyên xuất đã chính thức nhập
   
  Từng được đánh giá là có trữ lượng than lớn và tốt nhất Đông Nam Á, tuy nhiên sau nhiều thập kỷ miệt mài khai thác và xuất khẩu, năm 2011 Việt Nam đã đặt dấu mốc lịch sử quan trọng bằng việc “cõng” về nước 9.500 tấn than từ Indonesia để cung cấp cho các tỉnh phía Nam.
   
  Mới đây, tàu YIN PU chở 41.500 tấn than Antraxit được Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nhập khẩu từ Liên bang Nga đã cập cảng Hòn Nét (Quảng Ninh). Đây là chuyến tàu đầu tiên nhập khẩu than thí điểm của Vinacomin từ Liên bang Nga về khu vực phía Bắc.
   
  Than nhập khẩu từ Nga về có màu nâu, bạc nhờn nhợt, là loại than cám 3c, giá 2,1 triệu đồng/tấn bằng giá than cùng loại bán trong nước. Được biết, loại than này sau khi được nhập về Quảng Ninh Vinacomin sẽ tiến hành pha trộn với than trong nước theo tỷ lệ 4:6 để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện.
   
  Ông Ngô Xuân Trường – Giám đốc Công ty Chế biến Than Quảng Ninh cho biết: Hiện tại than xấu trong nước còn nhiều, chủng loại than nhập này nhu cầu trong nước không nhiều, đòi hỏi chúng ta phải trộn để cung cấp cho nhiệt điện.
   
  Điều lạ lùng ở đây, đến giai đoạn 2015 – 2020 Việt Nam phải nhập về cả chục triệu tấn than/năm, nhưng Vinacomin vẫn lên kế hoạch xuất khẩu 2 triệu tấn/năm đi nước ngoài. Ông Nguyễn Văn Biên, Phó TGĐ Tập đoàn Vinacomin cho biết: Vinacomin đã làm việc với nhiều đơn vị sản xuất, kể cả đơn vị thương mại trên thế giới mới chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu, ngoài việc mua than theo thương mại, Vinacomin đã nghiên cứu việc đầu tư khai thác ở nước ngoài để tính đến việc lâu dài.
   
  Hiện tại, Việt Nam có 20 nhà máy nhiệt điện, chưa nói tới nhu cầu của các công ty thép, xi măng… về lâu dài, số than đáp ứng cho riêng nhiệt điện sẽ chiếm gấp 2 – 3 lần năng lực sản xuất của toàn ngành than. Vì vậy trước khi bước sang năm 2020 Việt Nam đang đứng trước thách thức phải nhập 40 – 50 triệu tấn than/năm.
   
  Cùng với Vinacomin, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đang tiến hành các thủ tục để tìm kiếm nguồn hàng phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện của mình với nhu cầu tiêu thụ than nhập sẽ khoảng 10 triệu tấn than/năm. Ngoài nguồn than do Vinacomin chủ động sản xuất và nhập khẩu để phục vụ các nhà máy điện theo cam kết, EVN dự kiến sẽ nhập khẩu để đáp ứng yêu cầu. PVN cũng đang chủ động tìm kiếm nguồn than nhập khẩu cho 5 nhà máy nhiệt điện than nằm trong quy hoạch với tổng công suất 6.000MW, trong đó 3 nhà máy sẽ dùng than ngoại là Long Phú 1, Quảng Trạch 1 và Sông Hậu 1. Bước đầu đã ký một số hợp đồng khung và biên bản ghi nhớ về mua bán than dài hạn với các đối tác Indonesia và Australia, dự kiến cuối năm nay sẽ đàm phán hợp đồng mua bán chính thức với khối lượng nhập cam kết trên 10 triệu tấn/năm.
   
Đừng nghĩ tới… bán
   
  Cùng với sự phát triển kinh tế, những năm tới, nhu cầu than trong nước sẽ tăng cao. Nhiều tập đoàn và các tổng công ty sẽ phải nhập khẩu than để đáp ứng được yêu cầu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn than nhập khẩu ổn định, lâu dài thì còn rất nhiều vấn đề cần làm.
   
  Việc nhập khẩu than cho các dự án nhiệt điện là nhiệm vụ hết sức quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là từ sau năm 2015 trở đi, khi nhu cầu than tăng mạnh và trong nước không thể đáp ứng đầy đủ. Theo Quy hoạch điện VII, dự tính trong những năm tới, khi một loạt các nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động, nhu cầu tiêu thụ than trong nước sẽ tăng mạnh. Chính phủ đã giao cho ngành than, ngoài việc khai thác than trong nước, còn phải có nhiệm vụ làm đầu mối chính nhập khẩu than để cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ của các ngành kinh tế trong nước, đặc biệt là ngành điện.
   
  Theo kế hoạch thì từ năm 2015 trở đi đã phải nhập khẩu than và đến năm 2020 than cần cho điện tối thiểu khoảng 67 triệu tấn/năm. Dự báo, chỉ tính riêng năm 2015, cân đối sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất than với nhu cầu tiêu thụ trong nước đã thiếu khoảng 1,3 triệu tấn than cần phải nhập khẩu. Cho thấy sản lượng than trong nước không thể đáp ứng đủ, khi điều kiện khai thác lộ thiên ngày càng cạn kiệt phải xuống sâu. Nhiều mỏ mới còn đang trong quá trình triển khai, xây dựng nhưng gặp nhiều khó khăn về tiến độ, nguồn vốn, kỹ thuật...
   
  Trong bối cảnh an ninh năng lượng thế giới diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt để đàm phán với đối tác nước ngoài ký hợp đồng cung cấp than dài hạn, có tính chiến lược là cực kỳ khó khăn, bởi phần lớn thị trường do các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... có tiềm lực đang nắm giữ. Mặc dù ngành than đã đi thăm dò một số nước có khả năng xuất khẩu than như: Indonesia, Australia và một số nước khác và được biết việc mua than của các nước này là không đơn giản, đặc biệt là than dùng cho các nhà máy nhiệt điện. Đó là còn chưa tính đến phương án Chính phủ Indonexia đã có chủ trương duy trì than bitum xuất khẩu ở mức 150 triệu tấn/năm để dành than cho tiêu dùng nội địa.
   
  Trong khi, theo tính toán, than nhập khẩu từ Indonesia về Đồng Nai rẻ hơn than vận chuyển từ Quảng Ninh vào Đồng Nai vào khoảng 14USD/tấn. Vinacomin đang tập trung vào các dự án khai thác mỏ có công suất trên 2 triệu tấn/năm như Khe Chàm III, Núi Béo để không ngừng tăng sản lượng khai thác, tiếp đến là Khe Chàm II-IV công suất 3,5 triệu tấn/năm, dự kiến đến năm 2017 sẽ xây dựng xong và tiến hành thăm rò, mở vỉa mới, khai thác xuống sâu… để tăng sản lượng than.
   
  Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Vinacomin không nên đặt mục tiêu bán 2 triệu tấn than/năm mà nên tập trung vào việc khai thác, quản lí sao cho than không bị thất thoát. Và nếu có khai thác được than chất lượng tốt thì nên pha trộn để nâng hàm lượng than xấu ngang với than nhập khẩu để cung cấp cho nhiệt điện và ngành công nghiệp trong nước nhằm hạn chế nhập khẩu và không phụ thuộc vào nước ngoài quá nhiều.
   
Lê Xuân
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Than nguyên liệu: Có kế hoạch nhập - đừng nghĩ tới bán!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO