Tham vọng Núi Pháo và nỗi buồn của cổ đông Masan

07/11/2016 00:00

Tham vọng của lãnh đạo Masan trong dự án Núi Pháo đang đẩy cổ đông của tập đoàn này vào nỗi lo tiếp tục không nhận cổ tức, nợ vay tăng mạnh và ngán ngẩm với các...

 

 Tham vọng của lãnh đạo Masan trong dự án Núi Pháo đang đẩy cổ đông của tập đoàn này vào nỗi lo tiếp tục không nhận cổ tức, nợ vay tăng mạnh và ngán ngẩm với các đợt phát hành cổ phiếu.

Giới đầu tư nói chung và các cổ đông của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan) lẫn cổ đông của Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources) nói riêng vừa được phen bất ngờ, khi Masan công bố ý định chào mua công khai 100% cổ phiếu phổ thông MSR của Masan Resources.

Nếu thực hiện thành công thương vụ này, đồng nghĩa với việc cổ đông lớn nước ngoài MRC Ltd. bán toàn bộ 20,04% cổ phần của mình cho Masan với giá 15.500 đồng/cổ phiếu, thì Masan coi như đã hoàn thành việc huy động vốn của MRC Ltd. cho Masan Resources với giá siêu rẻ, gần như chỉ trả lại cho MRC Ltd. số tiền gốc mà công ty này đã đầu tư vào Masan Resources.

Chưa nói đến chuyện liệu MRC Ltd. có chắc chắn đồng ý bán toàn bộ cổ phần MSR trong đợt cho mua công khai này hay không, cũng chưa nói đến chuyện nếu MRC Ltd. đồng ý bán thì họ bán vì lý do gì, vì bất khả kháng hay có thỏa thuận nào khác đằng sau, chỉ xin nói đến vấn đề nguồn tiền để Masan thực hiện thương vụ này.

Để thực hiện thương vụ này, Masan dự tính sẽ huy động tiền từ ba nguồn. Một là vay nợ, bằng cách vay một khoản nợ trị giá 35 triệu USD, tương đương khoảng 780 tỷ đồng. Hai là phát hành cổ phiếu riêng lẻ, bằng cách phát hành 12 triệu cổ phiếu phổ thông MSN với giá 95.000 đồng/cổ phiếu, dự tính thu về khoảng 1.140 tỷ đồng. Số tiền tối đa còn lại khoảng 880 tỷ đồng nhiều khả năng được chi ra từ lượng tiền đang có của công ty.

Trước tiên, xin đề cập đến khoản nợ vay 35 triệu USD, tương đương khoảng 780 tỷ đồng trong 2 năm. Khoản nợ vay này thực tế không lớn so với quy mô vốn chủ sở hữu của Masan, nhưng nó đến trong bối cảnh nợ vay của Masan đang ở mức khổng lồ.

Nhiều năm trở lại đây, Masan ngày càng sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính. Nợ vay theo đó mà liên tục tăng qua các năm.

Trong giai đoạn 2012 – 2015, tổng nợ vay (gồm cả nợ vay ngắn hạn và nợ vay dài hạn) của Masan tăng bình quân 48,9%/năm. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2016, tổng nợ vay của Masan đạt mức 41.169 tỷ đồng, tăng 15,6% so với hồi đầu năm, tương đương mức tăng 5.550 tỷ đồng sau 9 tháng.

Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Masan cũng liên tục tăng trong hầu hết các năm, ngoài trừ năm 2015. Tính đến hết ngày 30/09/2016, tổng nợ vay của Masan gấp tới 1,76 lần vốn chủ sở hữu. Kéo theo đó, trung bình Masan phải trả tới 8,2 tỷ đồng chi phí lãi vay mỗi ngày.

Ở thời điểm trước mắt, cổ đông Masan vẫn có thể “kê cao gối ngủ” bởi Masan hiện đang nắm lượng tiền và tương đương tiền lên đến 11.723 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi lượng tiền này giảm dần đi đáng kể, cổ đông Masan hẳn phải bắt đầu lo lắng. Nhưng vấn đề vẫn chưa dừng ở đó.

Thực chất việc mua lại 100% cổ phần Masan Resources của Masan chỉ là một động thái trong kế hoạch huy động vốn mới của tập đoàn này cho dự án Núi Pháo. Hiện Masan chưa tiết lộ chi tiết kế hoạch huy động mới này, tuy nhiên, chắc chắn trong những nguồn huy động vốn sẽ có nguồn huy động từ nợ vay.

Nếu xét riêng về Masan Resources thì nợ vay của công ty này vẫn chưa phải ở mức cao khi tổng nợ vay tính đến hết ngày 30/09/2016 ở mức 11.349 tỷ đồng, nhỏ hơn một chút so với mức 11.705 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Vì vậy, Masan Resources vẫn còn không ít dư địa để huy động nợ vay.

Tuy nhiên, khi Masan Resources tăng nợ vay cũng có nghĩa là nợ vay của Masan cũng tăng theo, bởi Masan Resources là công ty con của Masan. Khi ấy, tổng nợ vay của Masan sẽ ở mức khủng khiếp hơn nữa, tạo áp lực rất lớn cho tập đoàn này.

Một điểm cũng rất đáng lưu tâm khác là Masan đang “chôn” rất nhiều vốn tại Masan Resources trong khi doanh thu, lợi nhuận vẫn chưa thấy có sự khả quan rõ rệt. 9 tháng đầu năm 2016, Masan Resources chỉ lãi vỏn vẹn 110 tỷ đồng, không thấm vào đâu so với tổng tài sản lên tới 26.363 tỷ đồng.

Masan thường xuyên tuyên bố rằng, thông qua dự án Núi Pháo, Masan Resources nắm giữ 6% thị phần vonfram toàn cầu và nắm 30% thị phần vonfram ngoài Trung Quốc. Có vẻ như điều này giúp giới đầu tư liên tưởng tới chuyện Masan Resources sẽ kiểm soát đáng kể thị trường, kéo theo kiểm soát cả giá vonfram thế giới.

Tuy nhiên, nhìn ngược lại, việc giá vonfram thế giới vẫn luôn ở mức thấp trong thời gian qua cho thấy, thị trường đang có sự dư cung nhất định. Việc Masan Resources gia tăng sản lượng có thể càng khiến thị trường dư cung, kéo giá giảm thêm. Trong khi tăng trưởng kinh tế ngày càng chậm lại, trong đó có các nền kinh tế mới nổi, lại càng khiến lượng cầu khó có thể tăng cao, kéo theo khó tăng giá vonfram.

Khoản huy động vốn thứ hai cho đợt mua lại 100% cổ phần Masan Resources của Masan là phát hành 12 triệu cổ phiếu riêng lẻ MSN với giá 95.000 đồng. Quyết định này hẳn khiến các cổ đông của Masan tiếp tục ngán ngẩm, bởi nhiều năm trở lại đây, tập đoàn này liên tục tiến hành phát hành cổ phiếu, trong nhiều trường hợp gây pha loãng cổ phiếu, mà chưa một lần chia cổ tức cho cổ đông.

Không ít số tiền huy động từ phát hành cổ phiếu được Masan đặt cược vào dự án Núi Pháo thông qua Masan Resources với tỷ suất sinh lời hiện ở mức siêu thấp và chưa biết đến bao giờ được cải thiện.

Ít ra thì Masan cũng an ủi cổ đông trong đợt phát hành mới này bằng việc phát hành cổ phiếu với giá 95.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng trên 45% so với thị giá hiện tại, qua đó làm giảm đi tác động của việc pha loãng cổ phiếu do một phần “thiệt hại” của cổ đông đã được chuyển qua cho đối tượng nhận mua cổ phiếu riêng lẻ.

Có thể thấy, tham vọng của lãnh đạo Masan trong dự án Núi Pháo đang đẩy cổ đông của tập đoàn này vào thế bí khi cổ tức thì không được nhận trong suốt nhiều năm qua và nhiều khả năng là cả những năm tới vì nhu cầu vốn cho dự án Núi Pháo là quá lớn, trong khi cổ phiếu lại liên tục bị pha loãng do phát hành thêm, cộng thêm mối lo về khoản nợ vay khổng lồ đang ngày càng gia tăng.

Theo Vietnamfinance.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham vọng Núi Pháo và nỗi buồn của cổ đông Masan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO