Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Tổng cục Khí tượng thủy văn, Vụ Kế hoạch – tài chính, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Cục Viễn Thám quốc gia, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An và các chuyên gia thuộc Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu. Sau khi xem xét, hội đồng thẩm định đánh giá dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra và đề nghị hoàn thiện thêm các nội dung của báo cáo tổng kết.
Báo cáo tổng kết thực hiện dự án, TS Lương Hữu Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn và hải văn (Viện KHKTTV&BĐKH) cho biết: Dự án đã được triển khai trên phạm vi 19 tỉnh, trong đó có 23 lưu vực sông chính thuộc miền Trung, Tây Nguyên, là khu vực có nhiều rủi ro thiên tai như bão, lũ lụt và đặc biệt là lũ quét. Mục tiêu nhằm xây dựng được các bộ bản đồ phân vùng hiện trạng và nguy cơ xảy ra lũ quét cho khu vực miền Trung Tây Nguyên, cùng hệ thống bản đồ ngưỡng mưa có khả năng gây lũ quét phục vụ công tác quy hoạch, chỉ đạo điều hành hòng tránh thiên tai, thích ứng với BĐKH.
Kết quả quan trọng nhất của dự án, đó là xây dựng được phần mềm hệ thống cảnh báo lũ quét cho Việt Nam (VNFFGS). Ông Dũng cho biết, các chuyên gia của VIệt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Thủy văn của Mỹ để phát triển hệ thống đáp ứng yêu cầu của người làm công tác cảnh báo lũ quét. Không chỉ ở phạm vi miền Trung, Tây Nguyên, Dự án đã mở rộng ra cả 14 tỉnh miền núi phía Bắc với tổng số 33 tỉnh (phủ trùm 75% diện tích Việt Nam). Nhờ có hệ thống này, trong 2 năm qua, Viện Khoa học KTTV&BĐKH đã thực hiện 464 bản tin cảnh báo lũ quét, cung cấp cho Trung tâm Dự báo KTTV và đưa lên trang web của Viện.
Một kết quả quan trọng khác là đã thu thập và kế thừa số liệu thông tin của 19 tỉnh, phân tích những đặc điểm riêng về điều kiện tự nhiên như kiểu địa hình, địa mạo, độ dốc, phân bố mưa cho mỗi tỉnh để rút ra những nguyên nhân gây lũ quét mang tính địa phương, chủ yếu là các dạng lũ quét sườn dốc và lũ quét nghẽn dòng. Nhằm phục vụ công tác phân vùng nguy cơ xuất hiện lũ quét, và xây dựng hệ thống cảnh báo lũ quét, dự án đã triển khai đo đạc địa hình để lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:5000 của 58 tiểu lưu vực có nhiều nguy cơ xảy ra lũ quét và ảnh hưởng lớn đến dân sinh, kinh tế.
Trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1:50.000 này, dự án đã lập “Bản đồ phân vùng nguy cơ xuất hiện lũ quét” trên địa bàn 19 tỉnh . Mỗi tỉnh có 5 bản đồ phân vùng xuất hiện nguy cơ lũ quét với các lượng mưa ngày lớn nhất ứng với tần suất 1%, 5%, 10%, lớn nhất tuyệt đối và trung bình được phân theo 5 cấp (Rất cao, Cao, Trung bình, Thấp, Rất thấp). Trong đó, cấp nguy cơ rất cao là nguy hiểm nhất. Đại diện Viện Khoa học KTTV&BĐKH nhấn mạnh, đây chỉ là bản đồ nền và là công cụ hỗ trợ thêm cho công tác cảnh báo lũ quét. Người sử dụng cần căn cứ vào thông tin dự báo, cảnh báo mưa lớn theo không gian để tích hợp thông tin lên bản đồ nền đã có và tiến hành cảnh bao khả năng xuất hiện lũ quét. Đây cũng chưa phải là bản đồ các dạng lũ quét – sạt lở đất tích hợp.
Đến nay, Ban quản lý dự án đã bước đầu chuyển giao bản đồ nguy cơ lũ quét cho các Sở TN&MT, Đài KTTV, Ban chỉ huy PCTT&TKCN của 19 tỉnh. Góp ý để hoàn thiện bản đồ, các địa phương đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển, xây dựng bản đồ chi tiết hơn trên nền bản đồ tỷ lệ 1:50.000; ít nhất là 1:10.000 và bản đồ tích hợp nguy cơ các loại lũ quét, sạt lở đất nhằm phục vụ tốt hơn công tác phòng tránh lũ quét hằng năm của địa phương.
Tại cuộc họp, nhận định chung của các thành viên hội đồng thẩm định là sản phẩm của dự án đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra. Việc điều chỉnh dự án cũng phù hợp với tính cấp thiết trong bối cảnh thiên tai lũ quét xảy ra ngày càng nghiêm trọng những năm gần đây. Cách tiếp cận cũng như phương pháp nghiên cứu, triển khai dự án phù hợp với hiện trạng dữ liệu và công nghệ, trang thiết bị hiên có của Việt Nam, có tiếp thu và cập nhật các công nghệ tiến tiến trên thế giới. Tài liệu, số liệu đảm bảo tính khoa học và độ tin cậy.
Bên cạnh đó, hội đồng thẩm định cũng chỉ ra nhiều hạn chế của dự án, đó là tỷ lệ bản đồ còn lớn và chưa thể hiện rõ ràng các khu vực nguy cơ, có nơi là vùng đồng bằng cũng được phân vùng có nguy cơ rất cao; thông tin để xây dựng bản đồ chưa cập nhật các bản đồ thành phần và bản đồ nền hành chính theo thời kỳ, dự báo mưa phục vụ cảnh báo lũ quét cần nâng cao hơn nữa độ chính xác và chi tiết; phần mềm hệ thống VNFFGS cần tiếp tục cập nhật và Việt hóa hơn nữa; chưa làm rõ ảnh hưởng của yếu tố biến đổi khí hậu…
Đại diện Ban quản lý dự án, PGS.TS NGuyễn Văn Thắng – Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH đã tiếp thu các ý kiến và cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiên báo cáo, đề xuất những giải pháp để tiếp tục xây dựng bản đồ chi tiết những điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét kết hợp với sạt lở đất trong thời gian tới.