Thái Nguyên: Nhiễm khuẩn liên cầu lợn, 1 người đã tử vong

02/06/2018 00:15

(TN&MT) - Ngày 1/6, tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, một bệnh nhân tên là La Văn Hào, 49 tuổi, trú tại xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã tử vong do bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Trong gần một tuần vừa qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra liên tiếp hai vụ nhiễm khuẩn liên cầu lợn khiến 1 người tử vong và hai người nhập viện trong tình trạng nguy kịch.  

1
Bác sĩ Lê Hùng Vương, Trưởng khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn.

Bác sĩ Lê Hùng Vương, Trưởng khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: “Bệnh nhân La Văn Hào nhập viện vào khoảng 22 giờ ngày 30/5 trong tình trạng đau bụng cấp, buồn nôn. Các bác sĩ xác nhận bệnh nhân dương tính với khuẩn liên cầu lợn và tiến hành lọc máu. Tuy nhiên, đến 6h sáng nay bệnh nhân đã tử vong. Người nhà bệnh nhân cũng không biết rõ trước khi mắc bệnh, người bệnh đã ăn gì và có tiếp xúc với động vật hay không”.

2
Bệnh nhân Ma Dõan Vàng nhiễm khuẩn liên cầu lợn được cứu chữa tại bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Trước đó, trong hai ngày 27 và 28/5, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cũng đã tiếp nhận 2 bệnh nhân là anh Ma Đình Du, 34 tuổi và Ma Doãn Vàng, 49 tuổi người dân tộc Tày,ở xã Phú Đình, huyện Định Hóa được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Hai trường hợp này được các bác sĩ xác nhận là nhiễm khuẩn liên cầu lợn do trước đó có tiếp xúc với thịt dê bị bệnh. Hiện nay, sau quá trình điều trị tích cực, sức khỏe của hai bệnh nhân này đã ổn định và có tiến triển tốt sẽ được xuất viện trong tuần tới.

Bệnh nhân Ma Doãn Vàng cho biết: “Nhà tôi có con dê bị chết, móng chân đen. Dê chết, gia đình có thịt ăn, uống rượu thấy ngon. Sau đó đau bụng, nôn. Người nhà đưa đi cấp cứu ở viện. Tôi thấy sợ, lần sau không ăn thịt của động vật chết nữa mà sẽ đem chôn.”
 

3
Bác sĩ Lê Hùng Vương, Trưởng khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trao đổi với phóng viên báo chí về tình trạng gia tăng bệnh nhân bị ngộ độc thức ăn.

Bác sĩ Lê Hùng Vương, Trưởng khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khuyến cáo: “Những năm gần đây, Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc tiếp nhận nhiều ca bệnh nhân bị ngộ độc thức ăn, đồ uống tăng lên. Bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu lợn thường đến viện rất muộn nên gây khó khăn cho công tác cấp cứu. Đa số bệnh nhân nặng bị suy đa cơ quan, suy thận cấp khiến cho công tác cấp cứu rất vất vả. Mùa hè nắng nóng, thức ăn dễ ôi thiu nên người nhà không nên sử dụng lại, dễ gây nhiễm khuẩn. Tất cả mọi người dân không nên ăn thịt sống, tiết canh của động vật không rõ nguồn gốc. Thịt động vật cần được chế biến, nấu chín để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ăn chín, uống sôi để đề phòng bệnh tật nguy hiểm xâm nhập cơ thể. Hiện nay, bệnh khuẩn liên cầu lợn có diễn biến phức tạp nên chúng ta cần phải tự phòng tránh cho mình sẽ tốt hơn.”

Qua tìm hiểu được biết: Liên cầu lợn là bệnh nguy hiểm, tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ ban đầu nhiễm khuẩn đã nặng, có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Nhóm người có sức đề kháng kém là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai hoặc nhóm người mắc bệnh mãn tính, người phải dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài đều có nguy cơ nhiễm bệnh liên cầu lợn. Khí hậu nóng ẩm trong mùa hè là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển do đó người dân cần tự ý thức bảo vệ sức khỏe của chính mình bằng việc không ăn thực phẩm chưa được nấu chín.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Nhiễm khuẩn liên cầu lợn, 1 người đã tử vong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO