Thái Nguyên: Chủ động tìm biện pháp phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi

01/03/2019 23:13

(TN&MT) - Mới đây, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Thái Nguyên là tỉnh đã phải chống chọi với bệnh, dịch lở mồm long móng trên đàn lợn trong nhiều ngày tháng qua đã gây thiệt hại cho người chăn nuôi các địa phương và để lại hậu quả về môi trường… Nay Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) ở Trung Quốc đã lan tràn đến một số tỉnh như Vân Nam, Quảng Tây… giáp biên giới với Việt Nam. Thái Nguyên cần khẩn trương, chủ động triển khai ngay mọi biện pháp phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ ngành trung ương liên quan…" 

IMG 1
Toàn cảnh cuộc họp Cấp bách bàn các biện pháp phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi.

Theo Bộ NN-PTNT, tính đến ngày 27/2, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 6 tỉnh, thành trên cả nước, gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội và Hà Nam, với tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy gần 2.400 con. Hai địa phương mới nhất có bệnh DTLCP gồm Hà Nam và Hà Nội. Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra; đây là loại vi rút có độc lực cao, lây lan nhanh, khiến 100% lợn bị nhiễm tử vong và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. 

Tại nước ta, bệnh DTLCP đã xuất hiện trên 10 ổ dịch ở 4 tỉnh gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa và Hải Phòng. Tính đến thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên chưa xuất hiện ổ bệnh DTLCP. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh Thái Nguyên, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh Thái Nguyên triển khai các biện pháp để chủ động ngăn chặn nguy cơ lây lan, phát sinh dịch bệnh. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 22/2/2019 về việc triển khai phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi cùng các văn bản liên quan. Hiện nay, tổng đàn lợn của tỉnh Thái Nguyên đang còn khoảng 680 nghìn con. Toàn tỉnh có 789 trang trại chăn nuôi, trong đó có 409 trang trại nuôi lợn, số còn lại là nuôi gia cầm. Xác định đối tượng sản phẩm chủ lực ngành chăn nuôi là lợn, bò và gà thả vườn. Năm 2018, giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 5 nghìn 787 tỷ đồng chiếm 47,5% tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh…Do đó, các địa phương cần chủ động thực hiện thống kê đàn vật nuôi để tiến hành tiêm phòng vắc xin đợt 1 năm 2019 nhằm chống dịch bệnh sát hại đàn vật nuôi, gây thiệt hại kinh tế cho nhân dân và tỉnh Thái Nguyên.

IMG 2
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại cuộc họp khẩn 

Tại cuộc họp khẩn ngày 27/2, lãnh đạo sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên đã thẳng thắn chỉ ra nhiều yếu kém (chưa kịp thời, chưa quyết liệt, triệt để) trong công tác ngăn chặn dịch LMLM hoành hành đàn lợn trong thời gian vừa qua; nghiêm túc đề nghị các ngành, địa phương rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác chống dịch để bảo vệ đàn vật nuôi…

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh Thái Nguyên đã cho biết thêm: Đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Sở đã yêu cầu các địa phương, đơn vị cần chủ động tham mưu kiện toàn ban chỉ đạo; xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi phù hợp với tình hình hiện nay. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các loại dụng cụ, phương tiện bảo hộ, vật tư, hóa chất… để phục vụ công tác chống dịch khi có dịch bệnh xảy ra…Đặc biệt, phải tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; chủ động lấy mẫu kiểm tra, xét nghiệm; triển khai công tác tiêm phòng theo đúng kế hoạch; hướng dẫn các trang trại, gia trại thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; Đẩy mạnh công tác, giám át, kiểm tra các loại phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật…từ bên ngoài xâm nhập vào Thái Nguyên để phòng chống tích cực lây lan bệnh dịch cho đàn vật nuôi.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Chủ động tìm biện pháp phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO