Thái Bình: Hiệu quả từ mô hình xã hội hóa nước sạch nông thôn

08/11/2018 22:55

(TN&MT) – Thời gian qua, tỉnh Thái Bình thực hiện hiệu quả Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, thay đổi bộ mặt nông thôn. Tỉnh Thái Bình coi vấn đề nước sinh hoạt và môi trường nông thôn là một trong những mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, hoàn thành tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tỉnh Thái Bình có 276 xã với trên 500.000 hộ dân sử dụng nước sạch nông thông, đạt tỷ lệ 95,5 %. Thái Bình là đơn vị đi đầu cả nước trong triển khai nước sạch tới cho người dân.

TB 1
Nhà máy nước sạch tại xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ.

Tỉnh Thái Bình có những cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nước sạch nông thôn. Đồng thời, các cấp, các ngành, các địa phương vào cuộc rất tích cực để các dự án nước sạch nông thôn sớm đưa vào hoạt động. Ngày 2/8/2012, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND quy định một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2012 – 2015. Trong đó, tỉnh Thái Bình có một số cơ chế và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn: Hỗ trợ 100% tiền giải phóng mặt bằng, ưu đãi tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và hưởng những ưu đãi về thuế. Với những ưu đãi trên, tỉnh Thái Bình đã nhận được sự quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp.

Khác với dự án đầu tư cho công trình nước sạch nông thôn, Chương trình Mục tiêu Quốc gia và vốn vay của ngân hàng thế giới, các doanh nghiệp đầu tư sau khi có những ưu đãi từ Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND thường có quy mô và giá trị công trình lớn hơn, không chỉ tập trung ở 2-3 xã như trước mà mở rộng thành 7-8 xã và 10 xã trên một công trình. Nhiều nghị quyết, quyết định và các văn bản chỉ đạo liên quan đến nước sạch, quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2012 - 2015. Đến nay, nhiều nhà máy nước sạch ở nông thôn Thái Bình sử dụng công nghệ khá hiện đại. Nhà máy nước sạch ở huyện Đông Hưng, mức đầu tư trên 160 tỷ đồng, công suất 130.000 m3/ngày đêm; cung cấp nước cho 13 xã của huyện. Hầu hết các công đoạn của nhà máy xử lý qua một hệ thống giám sát tự động. Nước sạch đã thay đổi cuộc sống người dân.

Sau 4 năm triển khai chương trình xã hội hóa nước sạch, đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 23 nhà máy nước mới được xây dựng, 30 dự án nâng cấp được chuyển giao cho doanh nghiệp trong quá trình xã hội hóa nước sạch. Trong đó, nhà dân nào tại tỉnh Thái Bình cũng có nước sạch. Nhiều nhà máy nước sạch ở các vùng nông thôn Thái Bình sử dụng công nghệ khá hiện đại. Hầu hết các công đoạn của nhà máy đều được xử lý qua một hệ thống giám sát tự động. Nước sạch về làng đã mang đến sự thay đổi lớn trong cuộc sống người dân.

Để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, UBND Thái Bình có nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ nghèo sử dụng nước sạch, trong số tiền 2,7 triệu đồng chi phí đấu nối mới, hộ nghèo chỉ phải đóng trước 500 nghìn đồng, số tiền còn lại được trả góp dần trong 24 tháng. Tỉnh Thái Bình đề nghị ngân hàng chính sách xã hội kết hợp với UBND các xã giải quyết nguồn vốn vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường, đảm bảo thời gian quy trình thủ tục theo đúng quy định, đúng đối tượng tạo điều kiện cho các hộ vay vốn kịp thời đấu nối và sử dụng nước sạch. Những công trình nước sạch đem lại hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là những hộ dân nông thôn về ý nghĩa, lợi ích của việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Bình: Hiệu quả từ mô hình xã hội hóa nước sạch nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO