(TN&MT) - Di tích Quốc gia tại tỉnh Thái Bình đã bị lửa thiêu, hầu như toàn bộ cổ vật di sản không còn gì. Lúc này mới lộ ra chuyện lãnh đạo địa phương cho xây công trình không phép trong di tích.
Cách đây 4 ngày, Đình Lưu - Di tích Quốc gia được xây dựng từ Triều Nguyễn (ở xã Đông Phương, Đông Hưng, Thái Bình) đã bị lửa thiêu gần như hoàn toàn ngay giữa trưa. Bên cạnh thiệt hại lớn khi nhiều cổ vật có giá trị văn hóa đã bị thiêu rụi, vụ cháy còn lộ ra chuyện chính quyền địa phương tổ chức xây công trình không phép trong khu di tích.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Thái Bình, Đình Lưu gồm hai tòa. Tòa chính tầm 5 gian và tòa hậu cung 3 gian. Bộ khung Đình làm hoàn toàn bằng gỗ lim. Các vì kèo chạm nổi hoa lá cách điệu. Hai vì thuộc gian giữa chạm khắc tinh vi rồng cuốn thủy chim cá hoa lá, rùa,... Đây là nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn.
Các cổ vật tại di tích gồm có: Bài vị thời Hậu Lê; câu đối, đại tự, bàn thờ, cổ kiệu, bát hương,... thời Nguyễn. Tuy nhiên, địa phương cho hạ giải hai tòa Trung tế và Hậu cung chuyển toàn bộ đồ thờ lên để tạm trong tòa Tiền tế. Đến khi hỏa hoạn xảy ra đã khiến toàn bộ đồ thờ bị thiêu rụi. Hệ thống khung cột gố lim cháy đen, mái đổ sập. Báo cáo cũng xác định, 2 tháng qua, chính quyền địa phương đã tự ý cho xây dựng công trình mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Theo quan sát của PV tại hiện trường sau vài ngày xảy ra vụ cháy, ngôi Đình bị hủy hoại gần như hoàn toàn. Bộ khung gỗ nằm trơ trọi đã bị cháy đen sì, tường và mái đổ sập xuống nền ngổn ngang gạch đá, ngói vụn. Hầu hết hiện vật, đồ thờ đã không còn.
Ngay phía sau đình, một tòa nhà tường gạch đỏ đang được xây dựng dở. Tường bao đã được xây dựng gần xong chỉ còn thiếu nóc. Theo quan sát, tòa nhà này được xây hoàn toàn mới chứ không phải là trùng tu tôn tạo hay mở rộng hậu cung.
Trả lời PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Trần Xuân Bính (Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phương, Trưởng ban quản lý di tích Đình Lưu) thừa nhận, công trình xây dựng này chưa kịp xin phép các cấp có thẩm quyền. Xã mới chỉ báo cáo đề xuất đưa lên huyện. Nhưng để chọn ngày đẹp nên lãnh đạo xã cứ quyết định xây.
Khi được hỏi về nguồn kinh phí, ông Bính nói rằng xây dựng theo hình thức xã hội hóa, nghĩa là kêu gọi đóng góp của những người yêu quê hương tại địa phương cũng như làm ăn xa. Đến thời điểm này chưa thu được tiền của ai nhưng xã vẫn cứ xây. Ông Bính cho hay, khi xã xây dựng, cơ quan chuyên môn của huyện đã xuống lập biên bản.
|
Đình Lưu - Di tích Quốc gia bị thiêu rụi. |
Chúng tôi liên hệ với ông Nậng (thủ từ ở Đình). Tuy nhiên ông Nậng không dám nói điều gì mà chỉ cho hay, ông Cảnh (Chủ tịch UBND xã) yêu cầu không được nói. Ông Lại Thành Kiên (Trưởng phòng Văn hóa Thông tin UBND huyện Đông Hưng) xác nhận, trước đó huyện đã hướng dẫn xã hoàn thiện thủ tục để chuyển lên cấp có thẩm quyền phê duyệt thì mới được xây dựng. Tuy nhiên, lãnh đạo xã Đông Phương đã tự ý cho xây dựng công trình trong Đình khi chưa xin phép.
Theo ông Kiên, vài ngày sau khi xã khởi công, Phòng Văn hóa đã xuống hiện trường lập biên bản yêu cầu đình chỉ thi công. Nhưng sau khi lập biên bản, công trình vẫn tiếp tục được xây dựng. Theo đó, Công trình này được lãnh đạo xã cho thi công suốt thời gian dài và sắp hoàn thiện nhưng lãnh đạo Phòng Văn hóa huyện nói rằng ở huyện không biết.
Trao đổi với PV, bà Trương Thị Hồng Hạnh (GĐ Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Thái Bình) cho biết, việc để ra sai phạm tại xã Đông Phương có trách nhiệm của lãnh đạo xã, huyện Đông Hưng cũng như Sở VH-TT-DL. Chính quyền xã tự ý cho xây dựng công trình trong di tích không xin phép là sai phạm rất nghiêm trọng. Bà Hạnh thừa nhận đến khi xảy ra hỏa hoạn Sở mới phát hiện sai phạm này ở huyện. Tuy nhiên theo bà Hạnh, Sở có chút khó khăn vì toàn tỉnh có hàng nghìn di tích nên không kiểm tra sát sao thường xuyên.
Bà Hạnh cho biết, Sở đã yêu cầu Thanh tra về địa phương phối hợp làm rõ trách nhiệm các cá nhân tổ chức từ huyện đến xã khi để xảy ra sai phạm nói trên và sẽ có báo cáo đề xuất với Tỉnh để xử lý kỷ luật.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mới đây, ông Nguyễn Thế Hùng (Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL) cũng đã ký văn bản gửi Sở VH-TT-DL tỉnh Thái Bình yêu cầu phối hợp chính quyền địa phương điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Cục cung yêu cầu kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về di sản văn hóa, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các di tích toàn tỉnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Hưng là người đứng đầu UBND huyện Đông Hưng, nhưng khi phóng viên gọi điện thoại, ông Hưng chỉ nói rằng đang bận họp và huyện đang kiểm tra xử lý. Sau khi PV đề nghị ông phân công cơ quan chuyên môn trả lời cụ thể, ông Hưng nói rằng cứ về huyện sẽ có người trả lời. Sai phạm xảy ra tại xã suốt thời gian dài nhưng không thấy ông Chủ tịch huyện nhắc đến trách nhiệm của chính mình.
Nguyên nhân để xảy ra cháy ở Đình Lưu hiện vẫn đang trong giai đoạn điều tra, chưa có kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng nhưng nhiều người dân địa phương không loại trừ nguyên nhân chủ quan, có sự tác động của con người mới xảy ra
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...
Ngọc Vân - Thái Bảo