Thái Bình: Dân vây doanh nghiệp, cả 2 cùng 'khóc'

27/07/2017 00:00

(TNMT) - Hơn 10 năm sau khi Khu Công nghiệp Đồng Tu được xây dựng và hoạt động, doanh nghiệp và  người dân đều "không ai chịu ai" vì bên nào cũng cho rằng đây là đất của mình. Và sau nhiều lần khiếu nại lên chính quyền không được, người dân quyết định bao vây nhà máy.

Tại khu công nghiệp Đồng Tu ( thị trấn Hưng Hà - Thái Bình) mấy ngày qua, nhiều người dân kéo ra tụ tập bao vây các nhà máy nằm trong khu công nghiệp để gây sức ép với chính quyền địa phương nhằm giải quyết chế độ bồi thường đất đai.

Theo phản ánh của Công ty Trần Tuấn (KCN Đồng Tu), 4 ngày qua họ bị người dân bao vây phong tỏa lối ra vào. Tình trạng "nội bất xuất ngoại bất nhập" khiến hoạt động kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp bị đình trệ. 
 
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Tài Nguyên & Môi Trường, năm 2003, UBND tỉnh Thái Bình quyết định thành lập KCN Đồng Tu. Nhiều doanh nghiệp được tỉnh Thái Bình cho thuê đất với thời hạn 30 năm để xây dựng nhà máy phục vụ sản xuất kinh doanh từ đó đến nay. Khu đất này được tỉnh thu hồi từ đất nông nghiệp của các gia đình tại địa phương.  
 
Tuy nhiên từ năm ngoái đến nay nhiều gia đình đã lên tiếng cho rằng doanh nghiệp đã hết thời hạn thuê đất và đất này vẫn là của người dân. Nhà nước phải trả lại đất cho họ hoặc phải hỗ trợ, bồi thường. 
 
Những người dân ở đây cho biết vào năm 2003 lãnh đạo tỉnh đã về địa phương và thống nhất chủ trương chỉ lấy đất của dân cho thuê trong vòng 10 năm chứ không hề có quyết định thu hồi đất. Theo đó, họ chỉ nhận được tiền bồi thường hoa màu hơn 7 triệu đồng/ 1 sào. Như vậy hết năm 2013 đất này lại thuộc về người dân.. 
 
Ông Nguyễn Công Vương (một người dân có đất bị thu hồi) cho biết, tất cả phần đất trong dự án đều là đất do cha ông canh tác từ nhiều năm để lại. Những mảnh đất này cũng đã được cấp giấy chứng nhận đến năm 2013. Đáng lẽ sau năm 2013 khi hết thời hạn trong giấy chứng nhận, đất này vẫn thuộc quyền sử dụng của người dân. Đặc biệt, theo Quyết định năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, người dân ở đây phải được cấp quyền sử dụng đất nông nghiệp tới 50 năm. Nếu nhà nước muốn thu hồi phải bồi thường hỗ trợ. 
 
Như vậy, theo ông Vương, khu đất dự án này bây giờ được cấp 2 giấy chứng nhận, 1 giấy là của người dân tuy đã hết thời hạn nhưng đất vẫn là của dân, 1 giấy là của doanh nghiệp được cấp thời hạn 30 năm.
 
Nhiều người dân căng bạt dựng lều chặn cổng không cho doanh nghiệp kinh doanh sản xuất.
Nhiều người dân căng bạt dựng lều chặn cổng không cho doanh nghiệp kinh doanh sản xuất.
 
Ông Vương cùng những người dân đã khiếu nại lên các cấp chính quyền địa phương và được trả lời rằng đất đã bị thu hồi. Tuy nhiên những người dân khẳng định hồi đó không thấy có quyết định thu hồi nào mà chỉ là thuê đất. Người dân ở đây còn đưa ra một số biên lai, hóa đơn thể hiện về việc họ được hỗ trợ tiền thuê đất. 
 
Sau nhiều lần khiếu nại không được, những người dân "cực chẳng đã" quay sang quây doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp khẳng định họ được chính quyền cấp giấy chứng nhận thuê đất hoàn toàn đúng pháp luật.
 
Người dân Đồng Tu cũng thừa nhận, doanh nghiệp không hề có lỗi trong chuyện này. Việc họ vây doanh nghiệp là để yêu cầu chính quyền địa phương phải giải quyết chế độ, chính sách cho họ.
 
Trong khi doanh nghiệp bị bao vây còn người dân bỏ việc đứng canh gác thì nhiều lãnh đạo tỉnh, huyện cho đến thị trấn Hưng Hà ở Thái Bình vẫn đang bận hội nghị khi chúng tôi liên hệ làm việc.
 
Ông Nguyễn Duy Hiền - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hưng Hà cho biết: Chủ tịch đang đi họp và đề nghị phóng viên để lại nội dung. Ông Hiền sẽ báo cáo và có phản hồi sau. Khi PV trình bày là việc người dân quây doanh nghiệp đang rất "nóng", ông Phó Chủ tịch chỉ nói rằng "lãnh đạo huyện và thị trấn cùng các ban ngành đang tìm giải pháp". 
 
Ông Hiền khẳng định việc người dân ngăn cản doanh nghiệp là vi phạm pháp luật nhưng làm cách nào để chấm dứt tình trạng nói trên thì ông Phó Chủ tịch cho rằng vẫn chờ tuyên truyền, vận động.
 
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà khẳng định UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi đất nông nghiệp của bà con Đồng Tu chứ không chỉ là cho thuê như bà con trình bày. Theo ông Trường, hồi đó, công tác giải phóng mặt bằng và bồi thường hỗ trợ đều được giao cho thị trấn. 
 
Giải thích về những hóa đơn, biên lai ghi là thuê đất, ông Trường cho rằng có thể lãnh đạo thị trấn ngày đó đã thực hiện sai chủ trương của cấp trên. "Tỉnh và huyện đã chỉ đạo rà soát lại toàn bộ quy trình thu hồi đất hồi đó để xem có thiếu sót hay không. Nếu thiếu sót, phải bổ sung đảm bảo quyền lợi cho người dân." - Ông Phó Chủ tịch nói.
 
Theo tìm hiểu, người dân đang yêu cầu được bồi thường theo đúng giá đất nông nghiệp năm 2014 là hơn 100 nghìn đồng/m2. Trong khi đó, ông Trường cho biết, nếu đúng là việc hỗ hợ hồi đó thiếu sót, huyện đang xem xét vận động doanh nghiệp phối hợp hỗ trợ người dân một phần kinh phí, tuy nhiên với mức giá người dân yêu cầu là điều không thể.
 
Tại UBND huyện, chúng tôi được cung cấp một số văn bản của tỉnh trong đó có 2 Quyết định ký ngày 20/01/2004 về việc thu hồi hơn 10.000m2 và 16/01/2005 thu hồi hơn 11.000m2 đất tại thị trấn Hưng Hà. Tuy nhiên người dân nói rằng chưa hề nhìn thấy các quyết định này. Nếu thu hồi đất, nhà nước phải thực hiện bồi thường hỗ trợ nhiều khoản chứ không chỉ là tiền thuê đất và bồi thường hoa màu như đã làm.
 
Tại UBND tỉnh Thái Bình, Phòng Tổ chức hành chính đã tiếp nhận thông tin của PV và hẹn sẽ phản hồi sau. PV cố gắng liên hệ qua điện thoại với ông Phạm Văn Ca - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình và trình bày rằng tình hình ở Đồng Tu rất căng thẳng. Tuy nhiên ông Ca nói rằng đang bận hội nghị rồi dập máy.
 
Quyết Thắng - Doãn Hưng - Thái Bảo - Trung Vương
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Bình: Dân vây doanh nghiệp, cả 2 cùng 'khóc'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO