Cú hích chính sách
Nhờ hàng loạt chính sách và cơ chế hỗ trợ phát triển các loại hình năng lượng tái tạo trong vòng 2 năm gần đây, tính tới tháng 7/2019, điện mặt trời và điện gió là hai nguồn năng lượng tái tạo chính được đưa vào vận hành thương mại với mức công suất lần lượt đạt 4.543,8MW và 626,8MW, chiếm hơn 9% tổng tổng cơ cấu nguồn điện quốc gia. Kết quả thực tế này đã vượt xa mục tiêu đặt ra tới năm 2020.
Tại Tuần lễ Năng lượng Tái tạo Việt Nam 2019 vừa diễn ra, ông Lê Hải Đăng, Trưởng Ban Chiến lược, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, với đặc thù của Việt Nam hiện nay, 50% điện sử dụng do điện than đảm nhận. Trong 8 tháng qua, phần năng lượng tái tạo đã phát lên lưới 2,8 tỷ kWh, đạt hơn 106% dự kiến cả năm 2019. Đặc biệt, nguồn điện mặt trời đã bổ sung rất tích cực cho cung cấp điện với sản lượng tương đương 1 nhà máy điện than 1.200MW như Vĩnh Tân 1, 2, Duyên Hải 1.
Tuy vậy, sự phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) “nóng” như hiện nay khiến hệ thống hạ tầng truyền tải, lưu trữ có phần “hụt hơi”, chưa bắt kịp. Một nhà máy năng lượng tái tạo xây dựng chỉ mất 8 - 10 tháng thì một đường dây truyền tải 500KV phải xây mất 3 - 5 năm, 220KV khoảng 1 - 3 năm và 110KV, phải 1 năm trở lên, gây ra độ trễ trong truyền tải năng lượng. Ông Đăng cho rằng, thời gian tới, cần phải có thêm các giải pháp tính toán, xác định giới hạn công suất truyền tải trên đường dây 500kV Bắc Nam và bổ sung thêm các hệ thống bảo vệ đặc biệt, đồng thời, nghiên cứu khả năng ứng dụng thiết bị tích trữ năng lượng để tận dụng hết tiềm năng NLTT.
Theo ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cơ quan này đã trao đổi với nhiều chuyên gia trong và ngoài nước vể xác định cơ cấu nguồn NLTT trong hệ thống điện để vận hành ổn định, an toàn. “Với khả năng của Việt Nam, đến 2025, tổng công suất hệ thống điện khoảng gần 100.000MW, năng lượng tái tạo cần khoảng 15.000 MW là vừa”, ông Quân nói. Tuy vậy, sự phát triển hệ thống lưu trữ điện gió, điện mặt trời còn đắt và cần có sự đầu tư, nghiên cứu sáng tạo ra hệ thống lưu trữ mới, đảm bảo môi trường. Chỉ khi hệ thống lưu trữ điện phát triển, thương mại hóa, giá hành hợp lý… năng lượng tái tạo mới có tương lai tươi sáng hơn.
Cần những cơ chế đầu tư hấp dẫn
Với tiềm năng của Việt Nam, các dự án có thể sẽ cần tiếp cận tới các nguồn vốn quốc tế mới bên cạnh nguồn lực tài chính từ các ngân hàng trong nước, nhằm theo kịp nhu cầu tài trợ vốn cho lĩnh vực NLTT. Theo bà Melissa Brown, Tư vấn tài chính năng lượng của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính, lĩnh vực điện mặt trời đang phát triển mạnh mẽ và sự gia tăng số lượng các dự án điện gió cho thấy, Việt Nam có thể thu hút đầu tư từ các nhà phát triển dự án chất lượng cao.
Họ đang trông chờ các mục tiêu mới của Chính phủ Việt Nam trong Quy hoạch phát triển điện VIII để xác định cơ hội trong lĩnh vực NLTT. Dù có khá nhiều ý kiến về biểu giá điện tái tạo thấp, nhưng theo bà Brown, các nhà đầu tư và các nhà phát triển dự án sẵn sàng chấp nhận rủi ro tại các thị trường đang ở giai đoạn tăng trưởng như Việt Nam, nếu như Nhà nước có thể từng bước cải thiện chính sách hỗ trợ phát triển và thu hút đầu tư vào NLTT.
Theo ông Lê Hải Đăng, để đảm bảo cung cấp điện giai đoạn đến 2025, EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương tiếp tục khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo theo cơ chế giá FIT (là giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn NLTT được cung cấp vào hoặc bán cho lưới điện) để có thể đưa vào vận hành thêm khoảng 12.700MW điện mặt trời và 7.200MW điện gió trong giai đoạn đến năm 2023, ưu tiên phát triển các dự án đã có quy hoạch và không bị ràng buộc lưới điện truyền tải.
Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo đề xuất mức giá FiT mới, trong đó, ở những vùng có bức xạ mặt trời cao và có công suất điện mặt trời hiện tại lớn hơn, biểu giá mới có thể ưu đãi cho các nhà phát triển dự án, những người đồng thời cũng đầu tư vào mảng lưu trữ điện để giảm bớt áp lực cho lưới điện. Ngoài ra, Bộ Công Thương đang nghiên cứu tính khả thi của việc đấu giá điện mặt trời. Theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể tập trung vào đấu giá trạm biến áp (giành quyền đấu nối vào một trạm biến áp) và đấu giá trang trại điện mặt trời.
Loại hình đấu giá các trạm biến áp sẽ kết hợp cả phát triển cơ sở hạ tầng lưới điện mới và công suất lắp đặt, giảm rủi ro bị giới hạn lượng điện hòa lưới. Mặt khác, loại hình đấu giá trang trại điện mặt trời lại phù hợp cho các nhà máy điện sản xuất từ nguồn NLTT lớn hơn với quy mô công nghiệp và có thể giảm rủi ro liên quan đến việc thu hồi đất. Căn cứ vào quy mô của các dự án mục tiêu, các cuộc đấu giá này cũng chứng tỏ được hiệu quả trong việc thu hút các tổ hợp dự án lớn hơn với khả năng huy động vốn ưu đãi từ các cơ quan tín dụng.