Tết Nguyên Đán - Những phong vị không quên

Phan Thanh Đà Hải| 24/01/2020 19:58

(TN&MT) - Tết Nguyên đán là lễ Tết cổ truyền thiêng liêng và trọng đại của dân tộc ta. Tết là thời điểm thiêng liêng nối kết trời với đất, cõi âm với cõi dương, là dịp cộng cảm của con người và vạn vật, cá nhân và gia đình, gia tộc, xóm thôn, làng nước.

Phong vị Tết (ảnh Đinh Lơ)

Tết gốc từ chữ tiết (節), chỉ việc phân đoạn về thời tiết trong năm. Mỗi năm có 24 tiết gắn với 4 mùa được sắp xếp thứ tự như sau: Lập Xuân (đầu xuân); Vũ Thủy (ẩm ướt); Kinh trập (sâu nở); Xuân phân (giữa xuân); Thanh minh (trong sáng); Cốc Vũ (mưa rào); Lập hạ (sang hè); Tiểu mão (hết hạt/ duối vàng); Mang chủng (chắc hạt/tua rua); Hạ chí (giữa hè); Tiểu thử (nắng oi); Đại thử (nóng nực); Lập thu (đầu thu); Xử thử (mưa ngâu); Bạch lộ (nắng nhạt); Thu phân (giữa thu); Hàn lộ (mát mẻ); Sương giáng (sương sa); Lập đông (sang đông); Tiểu tuyết (hanh heo); Đại tuyết (khô úa); Đông chí (giữa đông); Tiểu hàn (chớm rét); Đại hàn (lạnh giá).

Đặc biệt được coi trọng là các lễ gắn với 8 tiết chính - gọi là “tứ thời bát tiết”, bao gồm: tứ lập (lập xuân, lập hè, lập thu, lập đông), nhị phân (xuân phân, thu phân) và nhị chí (hạ chí, đông chí).

Bức tranh Tết xưa rất nổi tiếng. Tết là dịp gia đình đoàn viên, sum vầy (ảnh Internet)

Người Việt dựa vào các tiết trong năm hình thành những cái Tết mang dấu ấn riêng của văn hóa Việt: Tết Nguyên Đán (Tết Cả), Tết Nguyên Tiêu (Tết Thượng nguyên), Tết Hàn thực (Tết bánh trôi), Tết Đoan Ngọ (Tết mồng Năm), Tết Trung Thu (Tết trông trăng, Tết thiếu nhi), Tết Hạ nguyên (Tết Cơm mới)… Ở đây, Tết Nguyên Đán diễn ra ngày đầu năm là Tết quan trọng nhất, là Tết to nhất, dài ngày nhất, rộn ràng nhất nên được gọi là “Tết Cả”.

Nói chung, Tết Cả là lễ hội chuyển mùa và có nội dung phong phú, bao gồm việc tế tự trời đất, thần linh, tổ tiên cùng với việc trừ tà, trấn trạch, cầu an và đồng thời đây cũng là dịp đoàn viên gia đình, thăm viếng, chúc tụng, tụ hội ăn uống, vui chơi giải trí, tham dự các trò chơi, thú tiêu khiển.

Gói bánh chưng ngày Tết (ảnh Internet)

Tết là một chuỗi nghi lễ, bao gồm các nghi lễ kết thúc năm cũ (chung niên) và các lễ đón mừng năm mới (tân niên). Một trong những lễ thức quan trọng vào cuối năm là cúng Táo Công và tiễn ông Táo về trời: “Hăm ba ông Táo về Trời”, đúng vào ngày 23 tháng Chạp với mục đích cầu xin ông Táo phù hộ cho gia đình mình.

Khoảng thời gian từ 23 tháng Chạp (sau lễ ông Táo) đến 30 tháng Chạp (lễ rước ông Táo) là khoảng thời gian ông Táo không tồn tại trong gia đình, là biểu tượng “cái chết tạm thời” của thiên nhiên vũ trụ vào buổi Đông hàn. Đến khi ông Táo trở về, đánh dấu “buổi hồi sinh”, “cái trẻ lại” của vũ trụ.

Mâm cỗ ngày Tết (ảnh Internet)

Đêm Giao thừa là thời điểm quan trọng của năm mới, là thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, trời đất giao hòa, âm dương hòa quyện để vạn vật bừng lên sức sống mới. Theo “Hán Việt từ điển giản yếu” của Đào Duy Anh, Giao thừa có nghĩa là “Cũ gieo lại, mới tiếp lấy - Lúc năm cũ qua, năm mới đến”.

Cùng với sự thay đổi của tiết khí, tính theo sự chuyển động của mặt trời, lịch pháp còn chú trọng đến sự thay đổi của mặt trăng, dựa vào sự tròn khuyết của mặt trăng để xác lập ra một ngày đặc biệt: Mùng một/Nguyệt sóc.

Sáng mồng một Tết làm mâm cỗ cúng gia tiên và Thổ công, Táo quân… nhưng chung quy phải có bánh chưng, bánh dầy, giò chả, dưa hành mới ra cỗ ngày Tết. Bánh chưng bọc lá xanh, hình vuông tượng trưng cho Đất, bánh dầy hình tròn mặt nổi vồng lên màu trắng tượng trưng cho Trời. “Bánh chưng - bánh dầy” tượng trưng cho ý nghĩa biểu tượng “Trời tròn - Đất vuông”. Cúng gia tiên xong thì con cháu mừng tuổi và chúc Tết ông bà, cha mẹ. Trẻ con được ông bà, cha mẹ cho tiền, gọi là “tiền mừng tuổi”, được đựng trong bao lụa vải màu đỏ, sau này phổ biến là tiền “lì xì” đựng trong bao giấy màu mè đa dạng với nhiều hình trang trí, ngụ ý nhwuxng lời chúc mừng “cát tường như ý”. 

Thiếu nữ bên lão Mai có tuổi đời hơn 100 tuổi (ảnh Thanh Hải)

Trong lễ Tết có tập tục xông đất (đạp đất). Người khách viếng nhà đầu tiên gọi là người xông đất (đạp đất), được coi là điềm triệu của vận mệnh gia đình trong năm tới.

Sau lễ giao thừa hoặc cúng mồng Một Tết, người ta thường đi xuất hành đầu năm, đi lễ chùa hoặc thăm viếng nhau theo chọn giờ, chọn hướng.

Theo thói quen dân gian còn có hái lộc và xin lộc. Người ta đến chùa để lễ bái và hái lộc (hoặc xin lộc). Cành lộc là cành cây tươi đem về để lên bàn thờ hoặc dắt dưới mái hiên nơi cửa chính.

Trong ngày Tết, người ta còn kiêng làm các việc như: chửi nhau, đánh nhau, nói xấu nhau, hờn giận nhau và giữ cho tâm hồn thanh thản. Vì lẽ này, ca dao có câu “Giận đến chết ngày Tết cũng vui”.

Tết ở vùng cao (ảnh Thanh Hải)

Tết cũng là lúc người Việt bày ra nhiều trò chơi thú tiêu khiển như: đấu vật, đu tiên, đua thuyền, đấu cờ, hát xướng, ngâm vịnh… chơi từ trong Tết cho đến ra Giêng. Cái chơi hấp dẫn nhất của Tết Việt chính là những cuộc du Xuân. Du Xuân là sự kết hợp giữa hành hương, tham gia lễ hội và thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh của đất nước.

Tất cả đều làm nên nét độc đáo của Tết Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết Nguyên Đán - Những phong vị không quên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO