Tết đến lại lo sốt giá, khan hàng!

Minh Phạm| 18/11/2019 19:24

(TN&MT) - Để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ cho Tết Nguyên đán 2020 được trọn vẹn, an toàn. Ngay từ bây giờ, các Bộ ngành đã chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp cung ứng phối hợp phân phối hàng Tết tới người tiêu dùng.Ngăn chặn nguy cơ dẫn đến sốt giá, khan hiếm hàng.

Chưa Tết đã có 10/11 nhóm hàng tăng giá!

Bà Tạ Thị Thu Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, CPI tháng 10 tăng 0,59% so với tháng trước - mức cao nhất của chỉ số CPI tháng 10 trong 3 năm gần đây. Trong giỏ hàng hóa, có đến 10/11 nhóm tăng giá. 

Đáng chú ý, giá thịt lợn tăng quá cao như hiện nay không chỉ tác động làm tăng CPI mà còn gây ra lo ngại thiếu hụt nguồn cung và "sốt" giá những tháng cuối năm, khi thịt lợn là một trong những loại thực phẩm chính trong bữa ăn của người dân.

Trong kịch bản dự báo, giá thịt lợn 3 tháng cuối năm sẽ tăng khoảng 10% nhưng tính đến hiện tại, giá mặt hàng này đã tăng 7,85% so với cùng kỳ. Dự báo, từ nay đến cuối năm, chắc chắn giá thịt lợn sẽ tăng vượt kịch bản đưa ra.“Điều quan trọng phải có giải pháp ổn định nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là thịt lợn, xăng dầu. Đặc biệt, năm nay, Tết Dương lịch và Nguyên đán gần nhau, dự báo nhu cầu các mặt hàng này sẽ tăng cao", bà Tạ Thị Thu Việt nhấn mạnh.

Các Bộ ngành sẽ làm mọi cách ngăn sốt giá dịp Tết Nguyên đán 2020

Trước đánh giá và dự báo đưa ra của đại diện Tổng cục Thống kê, đại diện Bộ Công thương cho biết, trên cơ sở đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ mặt hàng thịt lợn cho ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, Bộ Công Thương đã có buổi  làm việc với Bộ NN-PTNT về nội dung này và 2 Bộ đã thống nhất nếu cần thiết sẽ xem xét khả năng nhập khẩu thịt lợn chính ngạch từ nguồn an toàn với giá cả hợp lý để bù đắp thiếu hụt trong nước và hạn chế việc tăng giá mặt hàng này.

Tuyệt đối không để xảy ra sốt giá

Để đảm bảo nguồn cung và cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên Đán 2020, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động có phương án cụ thể, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong, sau Tết...

Triển khai chỉ đạo trên, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 trên địa bàn thành phố. Sở dự kiến số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết năm 2020, gồm: Gạo 191.400 tấn, thịt lợn 44.600 tấn, thịt gia cầm 14.800 tấn, thịt bò 12.306 tấn, trứng gia cầm 260 triệu quả, rau củ 247.400 tấn, thực phẩm chế biến 12.800 tấn, thủy hải sản 11.364 tấn, nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn; 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát, 200.000 m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy.
Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 31.200 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019.
Hà Nội cũng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng đa kênh qua website thương mại điện tử, mạng xã hội... để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa… Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường hàng hóa phục vụ Tết (nhất là các mặt hàng thiết yếu) để chủ động xây dựng các phương án hoặc kịp thời đề xuất các giải pháp có biện pháp vận chuyển, tổ chức điều chuyển hàng hóa tại những khu vực thị trường xảy ra biến động nhằm ổn định thị trường, giá cả.

Cùng với Hà Nội, các địa phương khu vực phía Nam cũng đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng để đảm bảo đủ cung ứng cho thị trường cuối năm.Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã ban hành và triển khai 4 chương trình bình ổn thị trường năm 2019 đối với hàng trăm mặt hàng cho tới Tết nguyên đán Canh Tý 2020. Những mặt hàng được giữ giá là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân trong dịp Tết nguyên đán 2020.

Năm nay Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đưa 10 nhóm hàng thiết yếu vào danh sách bình ổn giá để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân từ nay đến Tết Nguyên đán như: Các mặt hàng lương thực, đường, dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản, gia vị… Hiện nay, hàng tháng lượng hàng bình ổn luôn chiếm từ 25 - 30% nhu cầu thị trường vào các tháng cận Tết, lượng hàng bình ổn thị trường sẽ chiếm từ 30 - 40% nhu cầu thị trường.

Còn theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, đến thời điểm này nhìn chung các đơn vị, doanh nghiệp lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết 2020 khá chu đáo. Do vậy, khả năng thiếu hàng, sốt giá dịp Tết sẽ khó xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết đến lại lo sốt giá, khan hàng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO