Tết của đồng bào Mông Bắc Hà

29/01/2014 00:00

(TN&MT) - Cùng với người Kinh, người Tày, người Dao... người Mông ở Bắc Hà cũng ăn Tết Nguyên đán theo phong tục của người Việt.

(TN&MT) - Cùng với người Kinh, người Tày, người Dao... người Mông ở Bắc Hà cũng ăn Tết Nguyên đán theo phong tục của người Việt. Những ngày này, tạm gác công việc làm nương, người Mông ở vùng “Cao nguyên trắng” cũng tổ chức đón Tết rất nhộn nhịp.
   
   
Không khí tết đã tràn ngập chợ phiên Bắc Hà
   
  Mặc dù không phải phiên chợ ngày chủ nhật, nhưng những ngày áp Tết, chợ Bắc Hà đã nhộn nhịp đông vui và rực rỡ sắc màu váy áo của chị em phụ nữ người Mông đi chợ sắm tết. Và dường như ai đến chợ Bắc Hà những ngày này cũng cảm thấy như đây là phiên chợ của người Mông.
   
  Không khí đón tết của người Mông càng rộn ràng hơn khi đến các bản người Mông ở các xã vùng cao. Sáng sớm, từ các ngả đường, trai gái xúng xính trong trang phục truyền thống du xuân.
  Ngày cuối năm, đến thôn Bản Phố 1, xã Bản Phố, chúng tôi ghé thăm nhà ông Thào Seo Chô, một thầy lang có tiếng. Ngày tết, nhà ông Chô vui hơn bởi bà con trong xã, trong thôn mang gà, gạo đến để cảm ơn ông đã chữa khỏi bệnh. Bốc xong thang thuốc cho một phụ nữ cùng thôn bị cảm mạo, rót chén rượu ngô mời khách, ông Chô kể: Tết của người Mông chúng tôi từ bao đời nay vẫn giữ được bản sắc riêng mà chưa hề bị phai nhạt. Theo phong tục, người Mông ở Bản Phố hay ở các xã khác của Bắc Hà hoặc Si Ma Cai, Mường Khương đều tổ chức ăn tết sớm, nhưng các nghi lễ cúng tổ tiên thì chỉ bắt đầu từ ngày 30 tháng Chạp đến ngày 3 tháng Giêng, sau đó là tổ chức các lễ hội đến rằm tháng giêng. Cũng giống như bao dân tộc khác, ngày Tết của người Mông là dịp để con cháu, anh em họ hàng sum họp, gặp gỡ cùng chúc nhau một năm mới an lành, mùa màng bội thu… Những ngày tết, người Mông thường chúc nhau “sống vững như núi, bền như đá; làm ăn lúa, ngô đầy bồ, trâu, bò đầy chuồng”.
   
Xuống chợ tết
   
  Với người Mông, mâm cỗ cúng ngày 30 Tết có ý nghĩa rất quan trọng, bởi lúc này anh em họ hàng và con cháu có mặt đông đủ nhất, đặc biệt là các đấng thần linh và linh hồn những người đã khuất cũng về chứng giám và phù hộ độ trì cho đại gia đình, dòng họ.
   
  Trước tiên, người đàn ông là chủ gia đình dùng cây chổi tre quét mạng nhện xung quanh nhà vừa là để làm sạch nhà cửa và vừa có ý xua đuổi những điều không tốt của năm cũ. Quét sạch nhà cửa mới tiến hành sửa sang bàn thờ, bỏ chân hương cũ, dán giấy bản mới vào chính giữa mặt tiền bàn thờ. Bàn thờ của người Mông được đặt gian giữa của nhà và bày biện đơn sơ. Khi bắt đầu vào lễ cúng, chủ nhà bắt một con gà trống tơ lông đỏ tía chân vàng (không dùng gà lông trắng, chân trắng) mang ra trước bàn thờ ôm gà khấn vái, sau đó cắt tiết gà và nhổ 3 chiếc lông đẹp nhất ở cổ gà, chấm vào bát tiết rồi dính vào 3 góc tờ giấy bản dán trên bàn thờ. Sau khi dán xong lông gà, ông chủ gia đình mới cúng khấn mời tổ tiên về ăn tết.
   
Thiếu nữ Mông chuẩn bị du xuân
   
  Đêm giao thừa, mỗi gia đình thường chuẩn bị 3 con gà: Hai con dùng để làm vía, một con được dùng để cúng tổ tiên. Trước khi làm thịt gà, thầy cúng làm lễ với trứng gà. Số lượng trứng gà thường bằng số người trong gia đình cộng thêm 3 quả để gọi hồn vía của tổ tiên, hồn vía gia súc, gia cầm và hồn vía hoa màu về ăn tết.
   
  Sau khi gà được luộc chín, thầy cúng lại sắp mâm cỗ với đầy đủ các sản vật do chính tay những người con trong gia đình làm ra rồi mới làm lễ. Phần lễ cúng được tiến hành rất bài bản. Người Mông quan niệm rằng 3 con gà được cúng sẽ bảo vệ cho gia đình họ suốt năm. Mâm cỗ cúng thường được đặt trên thúng ngô hạt để cầu mong sự sung túc, ấm no, bên cạnh bàn thờ đặt các dụng cụ sản xuất thường dùng như cuốc, cào, liềm… Lễ cúng năm mới được giao cho người đàn ông trụ cột trong gia đình.
   
Lễ hội Say sán của người Mông Bắc Hà
   
  Cúng tổ tiên xong, tất cả anh em, con cháu trong nhà, họ hàng ngồi quây quần lại nâng chén rượu đầy đưa tiễn năm cũ và đón năm mới, chúc sức khoẻ và hỏi thăm, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, bàn tính những việc lớn trong năm tới. Người Mông không đón giao thừa. Đối với họ, tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng một Tết mới là mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu.
   
  Ngày tết, người Mông không gói bánh chưng mà làm bánh dầy và gói bánh “Dúa” (bánh đặc trưng của đồng bào Mông). Bánh “Dúa” được làm bằng gạo nếp. Gạo nếp được xôi chín, sau đó mang giã nhuyễn rồi đem gói vào lá dong. Bánh có thể để được hàng tháng, khi ăn có thể đem hấp, nướng hoặc rán lại.
   
Trò chơi ngày Tết
   
  Trong 3 ngày đầu của năm mới, người Mông thường kiêng không giết thịt gia súc, gia cầm và không tiêu tiền, họ quan niệm tiêu tiền trong những ngày đầu năm mới thì cả năm sẽ không giữ được tiền.
   
  Sáng mồng một Tết, các già làng và chức sắc trong bản sẽ đến từng gia đình chúc tết. Nam thanh nữ tú thì xúng xính trong bộ váy sặc sỡ đủ màu, e ấp đôi má ửng hồng như đóa hoa rừng mới nở kéo nhau ra những bãi đất lớn, bằng phẳng tụ họp. Đám đứng tán chuyện, đám chơi ném bóng vải, đám lại chơi cầu lông gà. Trẻ em thì chơi kéo co, đẩy gậy, đánh quay. Thường vào ngày mùng 3 tết là các gia đình người Mông sẽ làm lễ cúng hóa vàng ở nhà rồi mới đi dự các lễ hội hoặc bắt đầu lên nương làm vụ xuân.
   
  Đến các bản người Mông ở Bản Phố hôm nay, chúng tôi thấy rất nhiều sự đổi thay. Đường giao thông đi lại thuận lợi, các tuyến đường liên thôn hầu hết đã được đổ bê tông; số hộ khá và hộ giàu nhiều hơn, nhà nào cũng có xe máy, ti vi. Người dân ở đây đã có cuộc sống sung túc hơn cũng là bởi những năm qua, Đảng, Nhà nước đầu tư hạ tầng, trợ giúp giống, vốn, khoa học, kỹ thuật để phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
   
Vùng cao Bắc Hà vào xuân
   
  Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Bản Phố Thào Sềnh cho biết: Không khí đón Tết Nguyên đán ở xã năm nay vui hơn vì vụ mùa vừa rồi được mùa. Hầu hết thôn, bản trong xã đã có điện lưới quốc gia. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền cũng quan tâm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo để họ có thể đón tết đầy đủ...
   
  Nói đến Tết của người Mông ở Bản Phố, không thể không nói đến lễ hội Say Sán hay Gầu Tào (hội cầu phúc). Một gia đình trong làng, nếu hay đau ốm hoặc chậm có con thì mùng 2 đi dựng một cây nêu lớn ở bãi đất đầu bản. Hội này tiếng là do một gia đình tổ chức (gia đình đó gọi là chủ nêu), nhưng thật ra đó là lễ hội của cộng đồng, thậm chí khi làng này dựng nêu, làng khác cũng đến dự hội. Hội Gầu Tào nhằm tạ ơn tổ tiên về mùa màng, súc vật; cầu cho con cháu đông đàn. Hội có thể kéo dài đến 3 ngày. Đây là lễ hội lớn nhất của người Mông trong năm và thể hiện rõ nhất những đặc trưng văn hoá Mông trong ngày Tết. Trong lễ hội này, sau phần lễ là hát giao duyên và các trò chơi yêu thích của người Mông cũng được tổ chức.
   
  Một mùa xuân mới đã về. Sắc xuân đang ngập tràn khắp mọi nẻo trên vùng “Cao nguyên trắng”. Và trên các bản làng người Mông ở Bắc Hà, tiếng khèn Mông cao vút cùng tiếng hát dân ca Mông của các thiếu nữ cứ lảnh lót khiến ai đã đến thì khó dứt ra về…
Bài và ảnh: Hồng Hà
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết của đồng bào Mông Bắc Hà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO