Tây Sơn, Bình Định: Cần xem lại hệ thống hồ thủy điện trong giải pháp ứng phó BĐKH

27/01/2015 00:00

(TN&MT) - Những năm gần đây huyện Tây Sơn (Bình Định) luôn phải hứng chịu những trận lũ lụt liên tiếp, dồn dập và có sức tàn phá mạnh.

(TN&MT) - Những năm gần đây huyện Tây Sơn (Bình Định) luôn phải hứng chịu những trận lũ lụt liên tiếp, dồn dập và có sức tàn phá mạnh. Các chuyên gia cho rằng, ngoài nguyên nhân do biến đổi khí hậu (BĐKH), thì nguyên nhân chủ quan của con người mà cụ thể là nạn phá rừng, làm hồ thủy điện không tính đến quy hoạch chung… đã “góp phần” không nhỏ gây ra thảm họa này...
   
Hàng nghìn nhà dân ở huyện Tây Sơn bị ngập trong trận lũ lụt năm 2013.
   
  Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH), Tây Sơn là huyện chịu nhiều rủi ro do thiên tai, điển hình là lũ lụt. Cụ thể trận lũ lụt vào tháng 8/2009, tuy không thiệt hại về nhà cửa nhưng đã làm mất trắng 170ha lúa đang trổ, 80ha lúa đang ngậm sữa (50% diện tích); 30ha hoa màu… tổng thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng. Trận lũ lụt tháng 9/2009 làm hư hại 255 nhà, bếp và chuồng nuôi gia súc; xói lở 1,6km đường giao thông; xói lở 1km bờ kè… ước tính thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng. Nặng nhất là trận lũ lụt vào tháng 11/2013, toàn huyện Tây Sơn đã bị lũ lụt nhấn chìm hoàn toàn trong biển nước, ngay cả nhiều công sở tại trung tâm huyện ở thị trấn Phú Phong cũng bị ngập nặng. Tổng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng gần 1.000 tỷ đồng. Sở dĩ huyện Tây Sơn chịu những đợt lũ liên tiếp, dồn dập và có sức tàn phá mạnh như vậy là do huyện nằm trong vùng trung lưu của lưu vực sông Côn. Với diện tích nhỏ, chỉ 708 km2, người dân nơi đây chủ yếu dựa vào khai thác, phát triển kinh tế từ rừng, nông nghiệp... Khi có lũ thì kể từ chân núi đồi đến đồng bằng cuối khu vực trung lưu sông Côn đều bị ảnh hưởng.
   
  Phân tích hiện tượng mưa lũ cực đoan xuất hiện ngày một nhiều, ông Đỗ Đình Chiến, Viện Khoa học KTTV&BĐKH cho biết: Biểu hiện của BĐKH trên địa bàn huyện Tây Sơn thể hiện ở nhiều quá trình quy mô khác nhau, tác động của chúng dẫn tới tổn thương các hoạt động kinh tế và đời sống xã hội. Trong đó, lũ lụt trên sông Côn gây thiệt hại chính đến hệ sinh thái nông nghiệp và làm tổn thương đến cộng đồng ven sông, đặc biệt vào giai đoạn mùa mưa. Hiện nay, do BĐKH ngày càng gia tăng dẫn đến tình hình thời tiết diễn ra bất thường, khó kiểm soát, xu thế lượng mưa trên lưu vực sông Côn cũng ngày càng gia tăng nên nguy cơ tổn thương do lũ lụt ở đây là rất lớn.
   
  Ngoài ra, yếu tố tác động của con người lên dòng chảy chính cũng là một nguyên nhân hết sức quan trọng. Điều này thể hiện rõ qua việc xả lũ từ các hồ chứa nước thủy điện và thủy lợi ở đầu nguồn sông Côn. Bởi khi có bão, mưa lớn dài ngày, nước nguồn đổ dồn về dòng chính sông Côn, các hồ đập thủy điện, thủy lợi buộc phải xả lũ với mức độ tối đa, khi đó các thác nước nhân tạo được hình  thành với  độ chênh cao cột  áp hơn 90m (hồ  Định  Bình), 300m (thủy điện Ka Nak  –  An Khê), 500m (thủy điện Vĩnh Sơn)… sẽ đổ về huyện Tây Sơn và hình thành dòng lũ gây tổn thương lớn nhất cho huyện Tây Sơn. Cụ thể, tháng 9/2011, nguồn nước từ thủy  điện  KaNak - AnKhê  xả khiến dòng chảy của suối Cát rộng chưa đầy 10m của hai xã Tây Thuận và Tây Giang đã phình ra 100m, làm nhiều diện tích đất ở các vùng dân cư tại đây bị xói lở nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng cho nhiều hộ dân sống ven sông, làm ảnh hưởng đến hoa màu và đời sống cho nhiều hộ dân khác.
   
  Bên cạnh đó, hiện nay rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, phân bố ở  đai độ cao 300 - 800m tại các xã Tây Giang, Vĩnh An… chưa được quản lý triệt để nên tình trạng chặt phá rừng vẫn thường xuyên xảy ra, điều đó làm giảm khả năng giữ nước đầu nguồn khi có mưa lớn. Còn rừng trồng tại vùng gò đồi, phân bố ở phía Đông Bắc của huyện Tây Sơn, tại xã  Bình Tân và ven chân núi phía Nam sông Côn (xã Vĩnh An, Tây Giang, Tây Phú và Tây Xuân) do đã chịu tác động của quá trình canh tác nương rẫy lâu năm dẫn tới lớp đất bị rửa trôi mạnh…
   
  Bà Ngân cho rằng: Để hạn chế những thiệt hại về người và tài sản cho người dân Tây Sơn thì trong thời gian tới, các cấp, chính quyền tỉnh Bình Định nói chung và huyện Tây Sơn nói riêng cần nhanh chóng tìm kiếm những giải pháp để hạn chế những tổn thương, nhằm phát triển bền vững các hoạt động kinh tế và đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân.
   
Linh Nga
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Sơn, Bình Định: Cần xem lại hệ thống hồ thủy điện trong giải pháp ứng phó BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO