Tây Nguyên và Nam Bộ: Nguy cơ mất rừng trước biến đổi khí hậu

14/08/2014 00:00

(TN&MT) - Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, cùng những biểu hiện cực đoan về thời tiết ở hai khu vực đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

(TN&MT) - Việc mất dần những diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển... khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ cùng những biểu hiện cực đoan về thời tiết ở hai khu vực đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân, đến các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
   
Biến đổi khí hậu gây xói lở bờ biển, làm mất đi nhiều diện tích rừng ngập mặn ở Cà Mau.
   
  Theo đánh giá của Trung tâm Khoa học công nghệ Khí tượng Thủy văn và Môi trường, nhiệt độ tại Tây Nguyên và Nam Bộ trong các năm sắp tới sẽ cao hơn nền chung của các thập kỷ vừa qua. Từ kịch bản biến đổi khí hậu, so với năm 1990, năm 2050 nhiệt độ trung bình năm ở hai khu vực này sẽ tăng thêm 0,8°C - 1°C; đến năm 2100 tăng 1,6°C - 2°C. Nhiều khả năng một số địa phương sẽ ghi nhận được kỷ lục mới về nhiệt độ cao, nhất là các vùng núi thấp, trung lưu, hạ lưu các con sông lớn.
   
  Lượng mưa ở Tây Nguyên trong các thập kỷ sắp tới có thể tăng lên ở vùng này và giảm đi ở vùng khác, song không sai lệch nhiều so với trước. Có điều trong tương lai xa hơn, lượng mưa mùa mưa sẽ nhiều lên và lượng mưa mùa khô sẽ dao động mạnh. Các kỷ lục lượng mưa ngày, lượng mưa tháng, lượng mưa năm tiếp tục tăng, trong khi các đợt hạn hán về những tháng mùa khô càng gay gắt hơn.
   
  Dòng chảy năm trên các sông ở Nam Bộ giảm so với thập kỷ trước. Lũ lụt, nhất là lũ quét vẫn là mối đe dọa thường xuyên trong mùa mưa ở trung lưu và hạ lưu các con sông. Ngược lại, vào mùa khô nguồn nước dùng cho sinh hoạt và sản xuất cho hầu hết các vùng sẽ rất khan hiếm. Sản xuất nông nghiệp buộc phải thay đổi để thích nghi với thời tiết biến đổi; sản xuất cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao sẽ đối mặt với việc gia tăng chi phí đầu vào, tức là giá thành sản phẩm sẽ cao hơn.
   
  Với xu thế tăng nhiệt độ và diễn biến mưa như vậy, mùa nóng ở các vùng núi vừa và thấp sẽ kéo dài và mùa lạnh bị rút ngắn, ranh giới các vành đai nhiệt độ sẽ lùi về vùng núi cao hơn. Hệ sinh thái thay đổi khiến cho nguy cơ diệt chủng của động vật và thực vật tăng lên, làm mất nhiều nguồn gen quý hiếm. Khi ấy, một số loài thực vật quan trọng như: Trầm hương, hoàng đàn, gõ đỏ, lát hoa, gụ mật… có thể bị suy kiệt; rừng nửa nhiệt đới của Tây Nguyên như thông, pơ mu… và các loài ưa lạnh khác sẽ mất đi một phần diện tích đáng kể vì không thể thích nghi được với sự biến đổi khí hậu. Việc gia tăng nhiệt độ và mức độ khô hạn cũng kéo theo làm tăng nguy cơ cháy rừng, phát triển sâu bệnh, dịch bệnh phá hoại cây rừng.
   
  Trong khi đó tại Nam Bộ, dòng chảy sông Mê Kông có xu thế giảm đi. Từ nay đến năm 2070, dòng chảy lũ thiên về biến đổi dương và dòng chảy kiệt thiên về biến đổi âm. Lượng mưa không thay đổi nhiều, nhưng do ảnh hưởng của chế độ mưa thất thường nên nguồn nước mùa khô sẽ trở nên khan hiếm hơn. Hạn hán không những tăng cường trong mùa khô mà còn có khả năng phát sinh trong một số thời điểm nhất định của mùa mưa.
   
  Nguy cơ đã hiện hữu khi tình hình nước biển dâng, xói lở bờ biển đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nước biển dâng làm hẹp diện tích rừng ngập mặn và tác động xấu đến rừng tràm và rừng trồng trên đất phèn. Xâm nhập mặn sẽ tiến sâu vào nội đồng và sạt lở sẽ diễn ra nhiều hơn. Thảm rừng ngập mặn có độ che phủ cao sẽ trở nên trơ trọi, bị chia cắt; môi trường đất bị ô nhiễm do quá trình phèn hóa bị gia tăng ở quy mô lớn; giảm quá trình bồi tụ phù sa do mất rừng, đa dạng sinh học bị suy giảm nhanh chóng; mất cân bằng sinh thái.
   
  Theo số liệu của Viện Điều tra quy hoạch rừng, trong tổng số 768 km bờ biển tại vùng ĐBSCL có 310,6 km bị xói lở, tập trung nhiều ở hai tỉnh Cà Mau (111,6 km), Kiên Giang (87,9 km) và các tỉnh ven biển khác.Riêng tỉnh Cà Mau có tổng diện tích rừng lên đến hơn 114 ngàn ha, trong đó rừng ngập mặn chiếm hơn 72,9 ngàn ha. Rừng ngập mặn Cà Mau nổi tiếng phát triển phong phú đa dạng. Tuy nhiên, những năm gần đây do xói lở bờ biển ngày càng tăng ở cả bờ biển phía Đông và biển phía Tây nên diện tích rừng ngập mặn đang bị thu hẹp lại. Tình hình xói lở bờ biển diễn ra nhanh từ năm 2007 đến nay. Bình quân từ 15 m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50 m/năm. Theo thống kê có khoảng 3.810 ha rừng phòng hộ biển Tây đã bị mất.Trong tương lai, khi nước biển dâng sẽ gây ngập mặn trên diện rộng ở vùng đồng bằng châu thổ sông Mê Kông, ước tính diện tích ngập mặn vào nửa cuối thể kỉ XXI sẽ tăng lên đáng kể so với nửa đầu thế kỷ.
   
  Trước những vấn đề đang hiện hữu, Chính phủ đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu tới môi trường nói chung và thảm thực vật rừng nói riêng. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức của con người, đặc biệt là người dân sinh sống ở gần khu vực có rừng.
   
Khánh Ly
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên và Nam Bộ: Nguy cơ mất rừng trước biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO