Tây Nguyên: Ưu tiên xây hồ chứa nước chống hạn

05/08/2016 00:00

(TN&MT) - Tính đến tháng 6/2016, tình hình khô hạn bớt khốc liệt ở Tây Nguyên, nhưng toàn vùng đã có gần 180 nghìn ha cây trồng hạn hán, ước tổng thiệt hại khoảng 5.431 tỷ đồng, gần 70 nghìn hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt. Một số địa phương thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, người dân phải mua nước sinh hoạt từ các dịch vụ với giá 60 - 80.000 đồng/m3.

Nhiều công trình thủy lợi ở Tây Nguyên cạn kiệt nước
Nhiều công trình thủy lợi ở Tây Nguyên cạn kiệt nước

Chính vì vậy, việc ưu tiên giải quyết nguồn nước cho Tây Nguyên là nhu cầu cấp thiết hiện nay. Chất lượng nước khu vực này cũng đang có xu hướng suy giảm mạnh, một số sông lớn ô nhiễm nguồn nước do chưa xây hạ tầng xử lý nước thải công nghiệp, hàng ngày nước thải của các cơ sở sản xuất, chế biến vẫn xả vào đất và chảy thẳng ra sông. Việc khai thác sử dụng nước trên lưu vực các sông chỉ mới chú trọng tới hiệu quả kinh tế của ngành, địa phương mình chứ chưa quan tâm tới việc đảm bảo nhu cầu nước cho các ngành, địa phương khác và trả lại phần nước cho môi trường.

Mặt khác, sự mất cân đối nguồn nước làm cho sự cạnh tranh trong sử dụng nước giữa các ngành, các hộ đang ngày càng gia tăng. Các hộ dùng nước lớn, có năng lực tài chính thường chiếm được ưu thế, các hộ dùng nước nhỏ, cộng đồng dân cư nhỏ lẻ dễ mất quyền sử dụng nước vốn có trước đây. Do đó, cần thiết phải có cơ chế và tổ chức phối hợp điều hành, giám sát việc phân phối, chia sẻ nguồn nước.

Đứng trước sự biến đổi ngày càng bất thường của khí hậu, sự gia tăng các hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đòi hỏi vùng Tây Nguyên phải xây dựng một quy hoạch tổng thể thủy lợi đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Vừa là cơ sở để giải quyết những bài toán phức tạp về vĩ mô trong tương lai, vừa đảm bảo cho sự phát triển kinh tế xã hội luôn đi đúng hướng, ổn định và bền vững.

Trước tình trạng hạn hán nghiêm trọng xảy ra, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) đã lập Đề án thành lập các Ủy ban Lưu vực sông và thành lập Ủy ban Lưu vực sông Sê San và Sêrêpốk để quản lý và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước; Giảm thiểu tình trạng khan hiếm, thiếu nước về mùa khô và lũ, lụt về mùa mưa; Giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường và những ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Giải quyết các vấn đề thách thức mang tính liên ngành, liên địa phương, thực hiện điều phối, giám sát việc phân bổ, chia sẻ tài nguyên nước đảm bảo nhu cầu khai thác, sử dụng nước và bảo vệ môi trường lưu vực sông cũng như sự phát triển bền vững trên toàn lưu vực.

Theo ông Dương Ngọc Đức - Phòng tổng hợp Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cần phải chủ động thực hiện điều tra, quy hoạch tài nguyên nước khu vực Tây Nguyên, nghiên cứu giải pháp phù hợp nhằm tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên nước hiệu quả, bền vững. Đặc biệt, chủ động nguồn nước cho lúa, cà phê và các cây trồng chủ lực khác đảm bảo nâng cao giá trị gia tăng và phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên đầu tư, tu bổ sớm những công trình hồ chứa vừa và lớn để giải quyết cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt. Hỗ trợ các dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng tự nhiên, nhất là đối với rừng đầu nguồn các lưu vữ sông đảm bảo nguồn sinh thủy, chống bồi lắng lòng hồ.

“Hơn nữa, các cơ quan có thẩm quyền cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng nguồn nước trữ ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, tính toán nhu cầu nước... đảm bảo nguồn nước tưới cho cây công nghiệp đối với vùng thực sự cần thiết, ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt” - ông Dương Ngọc Đức nhấn mạnh.

Vũ Vân

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên: Ưu tiên xây hồ chứa nước chống hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO