Tây Nguyên trong cơn đại hạn: Hệ quả từ việc ồ ạt trồng cà phê ngoài quy hoạch

14/04/2015 00:00

(TN&MT) - Theo khảo sát và đánh giá của các ngành chức năng, ngoài những tác động từ biến đổi khí hậu, việc người dân ồ ạt trồng cà phê đã phá vỡ quy hoạch phát...

 

(TN&MT) - Những năm qua, tình hình hạn hán tại các tỉnh Tây Nguyên diễn biến hết sức phức tạp, diện tích cây trồng bị khô hạn liên tục gia tăng và thiệt hại ngày càng nghiêm trọng. Theo khảo sát và đánh giá của các ngành chức năng, ngoài những tác động từ biến đổi khí hậu, việc người dân ồ ạt trồng cà phê đã phá vỡ quy hoạch phát triển loại cây thế mạnh của Tây Nguyên, trực tiếp tạo sức ép lên tài nguyên nước của khu vực.

Nhiều diện tích cà phê khô hạn, chết dần vì thiếu nước tưới
Nhiều diện tích cà phê khô hạn, chết dần vì thiếu nước tưới

Diện tích cà phê tăng nhanh

Theo Quyết định số 1987/QĐ-BNN-TT ngày 21/8/2012 của Bộ NN&PTNT, mục tiêu phát triển đến năm 2020, tổng diện tích trồng cà phê của cả nước đạt 500.000ha và đến năm 2030 sẽ giảm xuống còn 479.000ha. Trong đó, 4 tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông và Gia Lai là vùng trọng điểm phát triển cà phê với diện tích 447.000ha (chiếm 89,4% diện tích cả nước) vào năm 2020 và 433.000ha (90,4% diện tích cả nước) vào năm 2030. Theo quy hoạch, đến năm 2020, diện tích cà phê tại Đắk Lắk sẽ giảm xuống còn 170.000 ha, Lâm Đồng 135.000 ha, Gia Lai 73.000 ha, Đắk Nông 69.000 ha và Kon Tum 12.500 ha.

Nhưng nhiều năm trở lại đây, giá cà phê nhân tương đối cao (khoảng 40.000 đồng/kg), thị trường cà phê khá ổn định nên đã thu hút các nông hộ ở Tây Nguyên trồng cà phê một cách tự phát. Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, bất chấp những khuyến cáo của ngành chức năng, diện tích cà phê tại tỉnh liên tục tăng, không theo quy hoạch, kế hoạch. Nếu như trước đây cây cà phê ở tỉnh Đắk Lắk chỉ tập trung ở các huyện có đất bazan màu mỡ thì hiện tại, 100% huyện, thành phố trong tỉnh đều có cây cà phê. Thậm chí, nhiều địa phương vùng đất không thích hợp, có độ dốc lớn, không đảm bảo bảo nguồn nước tưới như huyện Ea Súp, M’Đrắk… nhưng do chạy theo phong trào, đồng bào vẫn ồ ạt trồng cà phê. Vào năm 2009, diện tích cà phê của tỉnh chỉ là 182.000ha thì đến cuối năm 2011 đã tăng lên 195.000ha và hiện tại đã vượt mốc 200.000ha.

Theo ông Trần Đức Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, diện tích cà phê toàn vùng hiện tại đã trên 573.000ha. Trong đó, Đắk Lắk vẫn là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất với trên 204.000ha, kế tiếp là Lâm Đồng (157.307ha), Đắk Nông (118.649ha), Gia Lai (79.122ha) và ít nhất là Kon Tum (14.113ha). So với quy hoạch đến năm 2020 của Bộ NN&PTNT, tổng diện tích cà phê vùng Tây Nguyên hiện đã vượt qua diện tích quy hoạch gần 114.000ha. Trong đó, tỉnh Đắk Nông vượt quy hoạch gần 49.500ha, Đắk Lắk vượt trên 34.000ha, Lâm Đồng vượt 22.000ha, Gia Lai vượt gần 6.000 ha và tỉnh Kon Tum vượt trên 1.500ha.

Việc trồng cà phê ồ ạt của các nông hộ ở Tây Nguyên đã dẫn đến việc quy hoạch, sử dụng đất bị phá vỡ, một số diện tích cây trồng khác bị thu hẹp, nhất là diện tích rừng, kể cả rừng phòng hộ cũng bị giảm đi nhanh chóng do đồng bào lấn chiếm rừng, đất rừng để khai phá trồng cà phê. Theo báo cáo kết quả kiểm kê rừng các tỉnh Tây Nguyên, tổng diện tích rừng năm 2014 so với kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng năm 2008 giảm 358.797ha (trồng rừng tăng 131.019ha). Trong đó, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác, sản xuất nông nghiệp và trồng cây công nghiệp là 88.603ha (chiếm 24,6%).

Sức ép nặng nề lên tài nguyên nước

Cây cà phê phát triển nhanh về diện tích, năng suất, sản lượng đã đem lại lợi ích to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên và người trồng cà phê, đồng thời đưa Việt Nam trở thành nước có sản lượng cà phê xuất khẩu lớn thứ hai thế giới và đứng thứ nhất về xuất khẩu cà phê vối. Nhưng theo TS. Lê Ngọc Báu - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Wasi), thực tế phát triển cây cà phê ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung trong thời gian qua đặt ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững cũng như thu nhập cho người trồng cà phê, do phát triển không kiểm soát được dẫn đến sự suy giảm nguồn nước, tác động xấu đến môi trường...

Hiện tại, toàn vùng Tây Nguyên có trên 2.352 công trình thủy lợi nhưng chỉ mới đảm bảo nguồn nước tưới cho 21% diện tích cà phê, diện tích còn lại chủ yếu là sử dụng nguồn nước ngầm (giếng đào, giếng khoan) và sông suối để tưới. Riêng tại Đắk Lắk, nơi có diện tích cà phê nhiều nhất nước nhưng các công trình thủy lợi cũng chỉ mới đảm bảo tưới được 133.000ha, số diện tích còn lại đều tưới bằng giếng đào, giếng khoan, sông suối. Theo thống kê, hiện nay vào mùa khô mỗi ngày tỉnh Đắk Lắk khai thác trên 1,5 triệu m3 nước ngầm phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong đó nước được khai thác phục vụ tưới cây cà phê chiếm trên 90%. Theo ông Lê Ngọc Đỉnh - Đoàn trưởng Đoàn Tài nguyên nước Trung Tây Nguyên, do bị khai thác quá mức, nguồn nước ngầm tại các tỉnh Tây Nguyên bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều nơi tụt từ 3 - 5m so với trung bình nhiều năm trước đây.

Hậu quả, hầu như năm các tỉnh Tây Nguyên cũng có nhiều diện tích cà phê bị khô hạn, thiếu nước tưới nghiêm trọng dẫn đến chết khô hoặc giảm năng suất trong nhiều niên vụ liền gây thiệt hại lớn cho nông dân. Đáng lưu tâm, diện tích cà phê bị khô hạn năm sau luôn tăng đột biến so với những năm trước, mức độ xảy ra cũng ngày càng khốc liệt hơn. Nếu như vào năm 2011, diện tích cà phê khô hạn chỉ khoảng 10.000ha thì hiện tại, dù chưa hết mùa khô nhưng diện tích cà phê bị hạn đã lên tới hơn 30.000ha. Riêng tại tỉnh Đắk Lắk, hiện đã có trên 24.000 ha cà phê thiếu nước tưới, trong đó có nhiều vườn cà phê chết khô, hoặc khô cành vài niên vụ sau mới được phục hồi cho năng suất trở lại.

Theo TS. Lê Ngọc Báu, để từng bước khắc phục tình trạng trên, các ngành chức năng vùng Tây Nguyên cần yêu cầu các địa phương, hướng dẫn các nông hộ đầu tư phát triển cà phê bền vững theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT; vận động các người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn tại các vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp, hiệu quả kém, nằm ngoài vùng quy hoạch; sử dụng các giống cà phê mới như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR1… để tái canh các vườn cà phê già cỗi nhằm tăng năng suất, chất lượng, tăng khả năng kháng bệnh và tiết kiệm nước tưới; áp dụng mô hình tưới cà phê tiết kiệm đã được viện Wasi khuyến cáo từ lâu nhằm chống lãng phí nguồn nước, nhất là nguồn nước ngầm.

Bài & ảnh: Lê Phước

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên trong cơn đại hạn: Hệ quả từ việc ồ ạt trồng cà phê ngoài quy hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO