Tây Nguyên: Tổ chức các hoạt động chào mừng 88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

19/06/2013 00:00

Như Báo Tài nguyên & Môi trường đã phản ánh, chỉ trong 5 ngày từ 8 - 13/6, có khoảng gần 1.000 người dân của 17 bản ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã cùng nhau vào Lâm trường Cô Ba đóng trên địa bàn xã Châu Bình để chặt phá rừng, chiếm đất lâm nghiệp.

Theo thống kê ban đầu của UBND huyện Quỳ Châu và Lâm trường Cô Ba, rừng bị tàn phá tại các tiểu khu 200, 204 và 205 thuộc lâm phần do Lâm trường Cô Ba quản lý với diện tích rừng bị phát trắng là khoảng 10ha, tuy nhiên rừng bị xâm hại ước tính từ 450 đến 500ha. Trước tình hình trên, ông Đinh Viết Hồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng đoàn công tác đã chỉ đạo UBND huyện Quỳ Châu, các đoàn thể quần chúng, Đảng ủy UBND xã Châu Bình và các bản tuyên truyền, vận động nhân dân không được chặt phá rừng trái pháp luật.

Sau khi lực lượng chức năng của tỉnh và huyện có mặt tuyên truyền, đến sáng 14/6, chỉ còn lại người dân của 6/17 bản còn tiếp tục vào rừng chặt phá. Được sự vận động, tuyên truyền của cán bộ nên cho đến chiều 14/6, số dân vào chặt phá rừng nói trên đã rút hết khỏi các cánh rừng.

Cũng trong chiều ngày 14/6, lãnh đạo tỉnh và huyện đã có cuộc họp tại trụ sở UBND xã Châu Bình để đối thoại trực tiếp với đại diện của người dân xã Châu Bình.

 

Đại diện người dân xã Châu Bình mong muốn sớm rà soát lại đất Lâm trường Cô Ba để chia cho người dân có đất canh tác, ổn định cuộc sống lâu dài

 

Theo số liệu báo cáo của UBND huyện Quỳ Châu, xã Châu Bình có 11.000ha đất, trong đó diện tích đất mà Lâm trường Cô Ba quản lý đã lên đến 7.200ha. Xã Châu Bình có đến 2.000 hộ dân với khoảng 8.000 nhân khẩu nhưng chỉ có 3.800ha đất; trong đó đất có thể sản xuất được chỉ có 1.800ha.

Trong cuộc họp này, ông Kim Văn Duyên - Chủ tịch UBND xã Châu Bình cho biết: “Toàn xã chỉ có 1.800ha đất có thể gieo trồng được, trong đó có khoảng 300ha đất hai lúa, 600ha đất trồng mía. Quỹ đất này quá ít ỏi so với nhu cầu sản xuất của người dân. Bởi vậy nên người dân không có việc làm, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm không những không giảm mà còn tăng thêm. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở đây vẫn còn trên 65%”.

Với tư cách đại diện cho người dân bản Pà Hốc, ông Vi Văn Thông - Trưởng bản, kiến nghị: “Toàn bản chúng tôi có 80 hộ với 360 nhân khẩu. Diện tích đất nông nghiệp không có, đất rẫy khoảng 2ha, khai hoang phục hóa 5ha. Số đất này không thấm vào đâu so với nhu cầu của bà con; nghèo đói quanh năm làm sao mà tránh khỏi. Đề nghị cấp trên xem xét cấp miếng đất nào ở Lâm trường cho bà con yên tâm sản xuất. Cho người dân cái cần câu chứ đừng cho cá, có như thế người dân mới mong thoát đói, nghèo được”.

Là một bản “trắng” đất sản xuất - Bí thư bản Lầu 2, ông Lê Hiền Dung, chua chát nói: “Cả bản không có một tấc đất cho bà con sản xuất, làm rẫy. Quanh năm, bà con dân bản chỉ biết đi làm thuê, thanh niên lớn lên đều không có việc làm bởi vậy mà tỷ lệ hộ nghèo năm sau luôn cao hơn năm trước. Nhiều lúc, bà con nhìn đất của lâm trường rộng bạt ngàn hàng ngàn héc-ta mà thèm khát!”.

Một người dân chia sẻ: “Chúng tôi không có đất sản xuất nên quanh năm chỉ có đi làm thuê, làm mướn khổ cực lắm; cuộc sống bấp bênh như thế nên việc hoạc hành của con cái cũng không đến nơi đến chốn, sau này thất học lại theo chân bố mẹ sống quanh quẩn trong bản làng thì khổ vẫn hoàn khổ. Chúng tôi cũng kiến nghị việc thiếu đất sản xuất lên chính quyền nhiều lần nhưng không được giải quyết; hết cách nên mới kéo nhau lên đất lâm trường để phá rừng thôi”.

 

Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan kiểm lâm đã vào hiện trường thống kê thiệt hại ban đầu

Trong buổi đối thoại, lãnh đạo tỉnh và huyện đã giải thích cho người dân rõ việc kéo nhau đi phá rừng tập thể là việc làm sai trái; đồng thời lắng nghe ý kiến của người dân và hứa sẽ xem xét để bố trí lại quỹ đất chia cho người dân để người dân có đất canh tác, sinh sống ổn định, lâu dài.

Theo đó, ông Đinh Viết Hồng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã nhấn mạnh: “Công việc trước mắt là tuyên truyền người dân không vào rừng để chặt phá rừng, chiếm đất tự do, vi phạm pháp luật. Tổ công tác của tỉnh, huyện, xã và Lâm trường Cô Ba sẽ rà soát lại quỹ đất của Lâm trường Cô Ba, sau đó xem xét để bàn giao cho chính quyền địa phương một phần diện tích đất để giao đất ổn định lâu dài cho người dân theo tiêu chí khách quan, đúng đối tượng để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống”.

Sáng 16/6/2013, ông Lê Xuân Đình – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu, cho biết: “Cho đến ngày 15/6, trật tự đã được lặp lại khi người dân đã rút hết khỏi các cánh rừng. Ngày 16/6/2013, đoàn kiểm tra tiếp tục vào rừng để thống kê lại mức độ thiệt hại của các cánh rừng. Nguyên nhân thì cơ quan công an đang vào cuộc điều tra làm rõ, nhưng theo dự đoán ban đầu thì có thể là do người dân thiếu đất sản xuất và có người xúi giục nên họ mới hành động như vậy”.

Bài & ảnh: Đình Tiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên: Tổ chức các hoạt động chào mừng 88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO