Tây Nguyên: Nông dân phá bỏ hàng loạt vườn cao su

10/07/2014 00:00

(TN&MT) - Diện tích cây cao su ở các tỉnh Tây Nguyên bị đốn hạ có đến hàng trăm ha.

   
(TN&MT) - Trước tình trạng giá mủ cao su xuống thấp, những tháng qua, dù vườn cao su chỉ mới vừa cho thu hoạch 1-2 năm, nông dân các huyện Chư Prông, Đăk Đoa (Gia Lai), Đăk Hà, Sa Thầy (Kon Tum), Đăk R’lấp, Đăk Song (Đắk Nông)… phải phá bỏ hàng loạt để trồng cây khác.
   
   
  Diện tích cao su ở các tỉnh Tây Nguyên bị đốn hạ có đến hàng trăm ha. Hộ thấp cũng có trên 1ha, còn đa số từ 3-5 ha trở lên. Ngần ấy cao su đã bị phá bỏ, thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.
   
  Theo lý giải của bà con nông dân, giá cao su hiện rất “rẻ mạt”, không đủ chi phí công cán, lại không có đầu ra nên họ đã và đang chặt bỏ để chuyển sang trồng hồ tiêu, cà phê. Đây chính là hệ quả tất yếu của việc trồng cao su theo kiểu phong trào, trồng ồ ạt vào thời điểm giá cao su tăng cao, đến khi phát hiện chất lượng cây giống không đảm bảo, năng suất mủ thấp, thổ nhưỡng không phù hợp... rồi lại đồng loạt chặt bỏ.
   
   
  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 100ha cao su non bị đốn bỏ, chưa kể khoảng 500ha cây cao su đang thu hoạch cũng bị nông dân chặt hạ để chuyển sang trồng cây khác. Ngoài ra, nhiều nông dân “rong tàng, ép nhánh” cây cao su non, để tranh thủ trồng mì khi mủ cao su đang rớt giá.
   
  “Mình vận động nông dân đừng chặt vì lãng phí, nhưng nhiều người bảo nếu giữ vườn cao su lại sau này giá mủ xuống thấp và bị lỗ ai sẽ bù? Do đó chúng tôi cũng chỉ phân tích và khuyến cáo, còn giữ hay chặt bỏ cao su là quyền của nông dân” - ông Kpă Thuyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai nói.
   
                                                                                       Thục Vy
   
           
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên: Nông dân phá bỏ hàng loạt vườn cao su
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO