Tây Nguyên nỗi lo hoang mạc hóa

Quế Mai| 03/05/2019 16:01

(TN&MT) - Ồ ạt phát triển thủy điện, diện tích rừng liên tục bị suy giảm, khai thác tài nguyên nước một cách tràn lan cộng với tác động của biến đổi khí hậu đã khiến Tây Nguyên dần bị thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng nhất là vào mùa khô, dẫn đến tình trạng hạn hán, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân. Do đó, việc tìm giải pháp để giữ gìn, bảo vệ nguồn nước ở Tây Nguyên đang là việc làm hết sức cần thiết.

Khai thác tràn lan

Tây Nguyên được ưu đãi khi có nguồn tài nguyên nước dồi dào, phong phú với 4 hệ thống sông chính: Sê San, Srêpốk, sông Ba và sông Đồng Nai. Thêm điều kiện địa hình, địa chất thuận lợi, các dòng sông trên có tiềm năng khá lớn về phát triển thủy điện. Chính vì thế, chỉ trong vòng vài năm, hàng loạt các dự án thủy điện đã được triển khai xây dựng.

Đặc biệt, việc chuyển đổi dòng chảy của các thủy điện như Srêpốk 4A, An Khê Kanak, Thượng Kon Tum là rất đáng lo ngại, làm ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái và lưu lượng nước vùng hạ du. Thực tế, thủy điện đang tận diệt sức sống của những dòng sông lớn nhất Tây Nguyên.

anh-2.-nguoi-dan-dao-gieng.jpg
Người dân đào giếng tràn lan để tìm nguồn nước tưới cho cây trồng là nguyên nhân dẫn đến việc tụt giảm nguồn nước ở Tây Nguyên

Từ năm 2014 tới nay, Tây Nguyên là vùng chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tăng lên, mùa khô kéo dài, lưu lượng nước ở các sông, suối, hồ chứa đều bị tụt giảm mạnh. Ngoài ra, việc người dân phá vỡ quy hoạch, mở rộng diện tích trồng các loại cây công nghiệp chủ đạo như cà phê, hồ tiêu, cao su, tạo nên một áp lực không nhỏ về nước tưới. Thực tế, nguồn nước ngầm đang ngày càng bị hạ thấp do việc khai thác tràn lan để lấy nước tưới tiêu…

Toàn vùng Tây Nguyên đang thiếu khoảng 5 tỷ m3 nước/năm và đến năm 2030 sẽ thiếu 5,5 tỷ m3 nước/năm. Nguồn nước suy giảm đã gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người dân nơi đây.

Theo khảo sát của Bộ Tài Nguyên và Môi trường thì mực nước ngầm tại các huyện Krông Păk, Krông Puk, Lắk (Ðăk Lăk); Ðăk Min, Ðăk Song, Cư Giút (Ðăk Nông); Chư Sê (Gia Lai)... đang đứng trước tình trạng suy giảm nghiêm trọng, giảm 3 đến 5 m so trước đây. Do vậy, tìm giải pháp để sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả là rất cần thiết.

Nước - nguồn tài nguyên cần bảo vệ

Tại Gia Lai, việc triển khai lắp đặt các hệ thống tưới tiết kiệm cho cây trồng đã được giới thiệu nhiều năm qua, song chưa được triển khai rộng rãi, diện tích cây trồng được tưới bằng hệ thống tưới tiết kiệm vẫn còn thấp. Hiện trên thị trường có nhiều loại mô hình tưới nước tiết kiệm như: mô hình tưới nhỏ giọt của Israel, mô hình tưới nước theo nghiên cứu của Viện Khoa học Nông lâm Tây Nguyên, mô hình tưới nước bằng đường ống nhựa nổi trên mặt đất và mô hình do người dân tự tìm hiểu, tự lắp đặt, mô phỏng theo các mô hình trên.

Chỉ tính đến năm 2015, đã có trên dưới 200 công trình thủy điện lớn nhỏ trên 4 hệ thống sông này và bắt đầu để lại nhiều tác động tiêu cực đến nguồn nước mặt.

Kinh phí lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cũng tùy loại, dao động từ 10 – 60 triệu đồng/ha cà phê. Tuy nhiên, việc lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm mới chỉ được ghi nhận hiệu quả cho việc tiết kiệm nước và công vận hành, còn các ưu điểm khác như: tiết kiệm phân bón, tiết kiệm thuốc bảo vệ thực vật, gia tăng năng suất, gia tăng chất lượng nông sản… thì chưa được các đơn vị nghiên cứu. Trong khi đó, người dân luôn có thói quen sử dụng nước lãng phí, cho nên những hệ thống tưới tiết kiệm vẫn chưa được nhiều người quan tâm tìm hiểu.

anh-3.-kiem-tra-kho-han.jpg
Tổng cục Thủy Lợi kiểm tra tình hình khô hạn, thiếu nước tại Gia Lai vào tháng 3/2019

Rõ ràng, nguồn nước ở Tây Nguyên đang ngày càng bị hạ thấp do việc đánh mất rừng đầu nguồn, khai thác tràn lan, sử dụng lãng phí. Giữ gìn và bảo vệ nguồn nước – tài nguyên quý giá của quốc gia là một việc làm bức thiết để tránh những hệ quả do thiếu nuớc gây ra. Bên cạnh các giải pháp như đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, nghiên cứu giống cây trồng chịu hạn…, thì các địa phương cần tăng cường công tác quản lý nguồn nước, nhất là nguồn nước mặt, nước ngầm, theo quy định và theo Luật Tài nguyên nước. Đồng thời, chủ động thực hiện điều tra, quy hoạch tài nguyên nước khu vực Tây Nguyên, nghiên cứu giải pháp phù hợp trong việc khai thác hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên nỗi lo hoang mạc hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO