Tây Nguyên: "Mót" nước giữa mùa khô

21/04/2017 00:00

Mấy năm gần đây, Tây Nguyên vào giai đoạn cuối mùa khô luôn phải trải qua cơn “đại hạn”. Chính vì vậy để cứu vườn cây của mình, người dân nơi đây phải tìm đủ mọi cách đi “mót” những giọt nước còn sót lại ở các hồ trũng nhưng chỉ là giải pháp tạm thời. Nhiều nơi, không tìm đâu ra nguồn nước, người dân đành thụ động dài cổ chờ mưa, ngậm ngùi nhìn vườn cây của mình héo hon từng ngày. 

Nước cạn, cây khát

Theo ghi nhận của chúng tôi, nắng nóng kéo dài ở khắp các vùng Tây Nguyên thời gian qua đã khiến cho nhiều ao hồ, giếng nước bắt đầu cạn dần. Mỗi năm cứ tới thời điểm này, nhu cầu về nước tưới cho một diện tích cây trồng công nghiệp tại đây lại gặp vô vàn khó khăn. Các biện pháp chống hạn mà người dân áp dụng trước đây không mang lại hiệu quả.

Có mặt tại vườn cà phê 1ha của ông Vũ Trọng Thành (thôn Tàu Lá, xã Ia Roòng, huyện Chư Puh, tỉnh Gia Lai) chúng tôi chứng kiến nhiều cây đã héo lá, một số cành cây khô khốc. Tất cả tình trạng trên đều bắt nguồn từ nguyên nhân thiếu nước.

Trước đây, để chống hạn, ông Thành đã đầu tư kinh phí đào giếng sâu 22m để lấy nước. Nếu như năm trước, giếng nước này cung cấp vừa đủ cho vườn cà phê của ông thì bây giờ giếng đã cạn, chỉ đủ nước sinh hoạt, ăn uống.

Để có nước tưới cho một phần vườn cà phê, ông Thành phải thuê giếng nước của người dân khác để tưới với kinh phí từ 50.000 đến 100.000 đồng/tiếng. Một phần diện tích còn lại ông không biết lấy nước đâu nên đành ngồi cầu trời đổ mưa. Tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh (làng Tao Lá, xã Ia Roòng) cho biết, hiện giếng nước sâu 25m của gia đình cũng không còn nước. Gia đình chị phải bỏ ra 1,5 triệu đồng thuê giếng người khác tưới cho vườn cà phê của mình.

Người dân phải chắt chiu từng giọt nước để phục vụ sản xuất
Người dân phải chắt chiu từng giọt nước để phục vụ sản xuất

Cụ thể như tại hồ Bàu Nai (đội 5, thôn Ia Mua, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), hiện nước chỉ còn đọng ở phần trũng và mương chính, còn hai bên trơ đáy, cỏ mọc um tùm. Tại đây, những người dân xung quanh phải đua nhau kéo máy bơm xuống đến giữa lòng hồ gạn số nước còn lại tưới cho hàng trăm ha cà phê, chè, tiêu nhưng không thể đủ.

Trò chuyện với PV, anh Lê Văn Chiến (đội 5, thôn Ia Mua) cho biết: “Ra tết đến nay chưa có trận mưa lớn nào. Một tháng trước nước vẫn còn nhưng đến nay thì hồ cạn. Sợ hết nước, tôi tranh thủ tưới ngày đêm. Đợt này dự kiến tưới 3 ngày 2 đêm. Nếu không đủ nước tưới, tôi tiếp tục mua thêm vài trăm mét ống đưa ra giữa mương trũng ở lòng hồ để hút thêm được nguồn nước nào cứu cà phê nữa thì càng tốt”, anh Chiến nói.

Tình trạng thiếu nước tại Tây Nguyên đang trở thành một vấn đề vô cùng cấp thiết. Nếu thời gian tiếp theo không có mưa thì khả năng gây hạn cục bộ là tất yếu. Một số địa phương thuộc vùng cao như Ia Le, Ia Blứ (Chư Pưh, Gia Lai) người dân phải gắng chờ nước ngầm chảy ra nhưng lượng nước chỉ đủ tưới từ 5 – 6 giờ. Phải mất một thời gian dài mới tiếp tục có nước ngầm để tưới. 

Tìm giải pháp hữu hiệu

Nhằm đối phó với tình trạng hạn hán đang xảy ra, các ban ngành chức năng tỉnh Gia Lai đang tìm mọi cách để người dân cùng thực hiện, phần nào giảm thiểu được thiệt hại.

Ông Nguyễn Long Khánh, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Pưh, cho biết: “Chúng tôi đã tăng cường mỗi xã một cán bộ hướng dẫn chuyển đổi cây trồng cho phù hợp. Khuyến cáo dân tăng cường che bóng, ủ gốc cho vườn tiêu, cà phê để giảm thiểu thất thoát hơi nước. Mở rộng, nạo vét ao hồ để tích trữ nước. Khuyến khích người dân sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm”.

Ngay từ đầu vụ, xác định được những tác động xấu sẽ xảy đến trong mùa khô, ngành nông nghiệp của tỉnh đã triển khai các biện pháp hạn chế thiệt hại do hạn như khuyến cáo dân sử dụng giống lúa ngắn ngày, chịu hạn tốt.

Đối với cà phê, tiêu thì khuyến cáo tăng cường bón phân hữu cơ, phân vi sinh để tăng khả năng hút nước của rễ, hạn chế sự thoát hơi nước. Đẩy mạnh các biện pháp canh tác bền vững như trồng cây che bóng. Tuyên tuyền dân sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, nhỏ giọt.

Thực hiện theo chỉ đạo này, toàn tỉnh Gia Lai hiện nay đã có 4.720ha cây trồng sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm, trong đó, cà phê có 830ha, tiêu có 650ha.

Theo định hướng của UBND tỉnh, đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có hơn 21.280ha cây trồng sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm, trong đó cà phê 7.550ha, tiêu 3.790ha. Đây cũng là mục tiêu hợp lý khi càng ngày nguồn nước tự nhiên càng cạn kiệt, trong khi người dân sử dụng nước lãng phí.

 Ao hồ cũng cạn trơ đáy
Ao hồ cũng cạn trơ đáy

Trong hội thảo về phát triển cà phê bền vững được tổ chức tại Gia Lai mới đây, TS Trương Hồng - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), rất chú trọng và khuyến khích người dân sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt.

Theo TS Hồng, trong tình trạng suy giảm nguồn nước, để phát triển cà phê nói riêng và các loại cây công nghiệp khác nói chung theo hướng bền vững thì việc sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm là rất cần thiết. Cùng với công nghệ tưới tiết kiệm này, người dân có thể kết hợp bón phân qua hệ thống tưới, giúp giảm được lượng phân bón từ 40-50%.

Lê Khánh (Nông nghiệp Việt Nam)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên: "Mót" nước giữa mùa khô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO