Tây Nguyên "gồng" mình chống hạn

11/03/2016 00:00

(TN&MT) - Cả Tây Nguyên đang căng sức trong cuộc chạy đua tìm nguồn nước, gồng mình bước qua cơn "đại hạn".

 

(TN&MT) - Sông hồ trơ đáy, nguồn nước cạn kiệt khiến hàng chục ngàn héc-ta cây trồng bị hạn và hàng ngàn hộ dân ở khu vực Tây Nguyên thiếu nước sinh hoạt. Cả Tây Nguyên đang căng sức trong cuộc chạy đua tìm nguồn nước, gồng mình bước qua cơn “đại hạn”.

Người dân ở xã Ea M’Droh (Cư M’Gar, Đắk Lắk) ngăn suối, múc hồ sâu để tìm nguồn nước mạch
Người dân ở xã Ea M’Droh (Cư M’Gar, Đắk Lắk) ngăn suối, múc hồ sâu để tìm nguồn nước mạch

Loay hoay tìm nước

Giữa cái nắng gay gắt của “tháng Ba Tây Nguyên”, suối Ea M’Droh (xã Ea M’Droh, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) đã hoàn toàn khô cạn. Dưới chân cầu đi qua thôn Thạch Sơn (xã Ea M’Droh), một nhóm người vẫn không ngừng đào đất để đắp kè ngăn suối. Theo ông Trần Văn Quang (thôn Thạch Sơn), để cứu vườn cà phê, mấy tháng nay gia đình ông cùng 3 hộ dân khác đã chung tiền mua vật liệu, bỏ công sức xây 1 bờ kè chắn ngang con suối này để hy vọng giữ được nước tưới. Nhưng suối khô cạn, trời lại không mưa nên phía trên của bờ kè giờ chỉ trơ ra toàn đá.

Thấy vậy, các hộ dân lại tiếp tục nảy ra “sáng kiến” là thuê máy múc sâu xuống lòng suối, đào “giao thông hào” dài hàng chục mét, hy vọng vào nguồn nước mạch. Nhưng nước mạch rỉ ra chẳng được bao nhiêu, ngày đêm “mót” mà chỉ tưới được vài chục gốc. “Không nỡ nhìn vườn cây chết khô, chúng tôi xót của nên vay mượn, nghĩ ra đủ cách để cứu cây. Nhưng cách nào cũng thất bại, mấy héc-ta cà phê vì thiếu nước tưới cứ khô héo, chết dần từng ngày” - ông Quang xót xa.

Không riêng gì xã Ea M’Droh, cuộc chạy đua nước tưới đang diễn ra khốc liệt ở khắp Tây Nguyên. Tại hồ Đắk Nia (xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông), nhiều người dân túc trực quanh hồ để “mót” những giọt nước cuối cùng. Chỉ bơm được ít phút thì hết nước, họ lại chuyển máy sang khu vược khác sâu hơn, chờ nước hồi để bơm. Theo ông Nguyễn Thái Ban - Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia, nguồn nước tưới đợt 2 của xã cơ bản đảm bảo nhưng đợt 3 thì sẽ có nhiều diện tích cây trồng sẽ bị thiếu nước trầm trọng.

Người dân đào “giao thông hào” dài hàng chục mét, hy vọng tích được nước khi mưa xuống.
Người dân đào “giao thông hào” dài hàng chục mét, hy vọng tích được nước khi mưa xuống.

Đi dọc Quốc lộ 14, đoạn qua xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil), không khó để thấy cảnh người dân địa phương mang can, thùng đi mua nước. Vừa chở can nước về tới nhà, anh Hoàng Văn Hải (thôn 2 Nam Sơn, xã Đắk Gằn) cho hay: “Nước ở giếng trong nhà thì nhiễm tạp chất, mấy tháng nay lại khô cạn nên gia đình tôi phải đi xa mấy ki-lô-mét để mua nước về nấu nướng, ăn uống. Nếu tôi mua 1 can (30 lít) thì họ tính 8.000 đồng, 2 can thì 15.000 đồng. Tôi cũng đang nhờ người về khoan giếng nhưng khu vực này rất nhiều đá nên may ra mới có nước”.

Theo ông Phạm Đức Châu - Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn, từ cuối tháng Giêng (âm lịch) đến nay, toàn xã có khoảng 25% người dân thiếu nước sinh hoạt. Ở các bon đồng bào DTTS, bà con phải vào các sông suối đã khô cạn để tìm nước mạch về dùng. Còn tại một số thôn dọc Quốc lộ 14 như Sơn Thượng, Trung Hòa, Nam Sơn... nhiều hộ dân phải đi xin, thậm chí mua nước sạch từ xa về sử dụng. Dự kiến từ nay đến cuối tháng, sẽ có khoảng 50% nhân dân trong xã phải chống chọi với cảnh thiếu nước sinh hoạt.

Nhiều hộ dân ở xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil, Đắk Nông) phải đi xa mua nước về sinh hoạt.
Nhiều hộ dân ở xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil, Đắk Nông) phải đi xa mua nước về sinh hoạt.

Quyết liệt chống hạn

Trong vụ Đông Xuân 2014 - 2015, toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 61.467ha cây trồng bị hạn (trong đó có 4.374ha mất trắng). Ngoài số diện tích trên, toàn tỉnh còn có gần 19.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng do giếng đào khô cạn, ước tính tổng thiệt hại trên 2.000 tỷ đồng. Tình trạng khô hạn cũng diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên, gây thiệt hại khoảng 700 tỷ đồng tại Đắk Nông và hàng trăm tỷ đồng tại Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng.

Trước tình hình khí hậu diễn biến phức tạp, năm nay các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động phương án chống hạn ngay từ những ngày đầu mùa khô. Các tỉnh đã thành lập các tiểu ban chống hạn, xây dựng các phương án phòng chống hạn như: nạo vét, tu sửa hệ thống hồ đập, kênh mương; khuyến cáo người dân nên gieo trồng ở những nơi nguồn nước đảm bảo; phân phối, điều tiết nước hợp lý ở các công trình thuỷ lợi; nâng cao ý thức của người dân về sử dụng nước tiết kiệm để bảo đảm nhiều diện tích cây trồng được tưới...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thăm hỏi người dân vừa đi chở nước sinh hoạt về.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thăm hỏi người dân vừa đi chở nước sinh hoạt về.

Tại Hội nghị ngày 7/3 ở Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Đại tướng Trần Đại Quang (Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên) đã chỉ đạo các địa phương tập trung duy trì nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống cho nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS. Những địa bàn khô hạn gay gắt, chính quyền cần huy động phương tiện chở nước đến cấp cho nhân dân, kiên quyết không để cho người dân thiếu nước dùng hàng ngày, không để trâu, bò chết vì thiếu nước.

Còn tại buổi kiểm tra công tác chống hạn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chiều 8/3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đề nghị tỉnh cần quán triệt tình hình thiên tai nghiêm trọng này đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân để xây dựng các kế hoạch ứng phó, cân đối nguồn nước lên kế hoạch sử dụng có hiệu quả, sử dụng nước tiết kiệm. Bộ trưởng cũng đề nghị các hồ thủy điện phải xả nước theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh để chống hạn.

Bài & ảnh: Lê Phước - Đình Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên "gồng" mình chống hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO