Tây Nguyên: Gian nan tái canh vườn cà phê

01/10/2013 00:00

(TN&MT) - Loại cây trồng chủ lực trên mảnh đất nhiều tiềm năng này lại đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là chuyện tái canh.

   
(TN&MT) - Tây Nguyên được biết đến là vùng đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu thích hợp cho các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su... Thực tế là trong hàng chục năm qua, cây cà phê đã chiếm tỷ trọng lớn trong lĩnh vực xuất khẩu, đem lại nhiều thành quả kinh tế cho toàn vùng. Tuy nhiên, loại cây trồng chủ lực trên mảnh đất nhiều tiềm năng này lại đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là chuyện tái canh.
   
Nông dân lo lắng
   
  Cây cà phê có mặt ở vùng Ea H'leo (tỉnh Đắk Lắk) từ sau ngày thống nhất đất nước. Đây là vùng giáp ranh giữa vùng Bắc Tây Nguyên và Nam Tây Nguyên, có quỹ đất rộng, phì nhiêu. Ông Dương Văn Tú, ở xã Ea Sol (huyện Ea H'eo) cho biết: do kinh tế ở ngoài quê nhà khó khăn, nên gia đình ông từ miền Bắc vào đây lập nghiệp từ năm 1987. Ngày đầu đến vùng đất mới, kinh tế gia đình rất chật vật, liên tục ở trong hoàn cảnh "giật gấu, vá vai", bản thân ông Tú phải đi làm thuê, làm mướn, còn vợ ông phải đi khai hoang lấy đất trồng khoai lang, trồng bắp… để nuôi các con. Dù rất cố gắng, "trụ hạng" trong hơn 3 năm, song cái nghèo cứ đeo đẳng gia đình ông Tú. Sau nhiều đêm không ngủ, trằn trọc, đắn đo, rồi vợ chồng ông Tú quyết định trồng thêm cây cà phê, để cải thiện điều kiện kinh tế gia đình.
   
Nông dân các tỉnh Tây Nguyên rất cần sự hỗ trợ về tín dụng để tái canh vườn cà phê
    
   
  Đất không phụ lòng người, cộng với quyết tâm tích lũy, cuối cùng gia đình ông Dương Văn Tú cũng có được 1 rẫy cà phê xanh tốt với diện tích gần 2ha. Từ khi cà phê bắt đầu có thu hoạch thì kinh tế gia đình đã khởi sắc hơn, ti vi, xe máy đã đủ đầy, tính đến nay vườn cà phê nhà ông Tú cũng đã được hơn 20 năm và bắt đầu già cỗi, "lao dốc". Gặp ông Tú tại vườn cà phê khi chuẩn bị bước vào niên vụ thu hoạch mới 2013 - 2014, ông thổ lộ: "Mươi năm trước, khi cây cà phê còn sung sức, gia đình tôi mỗi năm cũng thu được xấp xỉ 10 tấn cà phê nhân xô/mùa. Mấy năm nay, do cây cà phê trong vườn đã già cỗi nên sản lượng đã giảm xuống rất nhiều, chỉ còn được chừng gần 5 tấn/mùa. Trừ hết chi phí nhân công, phân bón... thì cũng chẳng còn được là bao; trong lúc đó vợ chồng tôi phải nuôi hai đứa học đại học, đứa út thì đang học phổ thông. "Tạm biệt" với cây cà phê thì khó, vì gia đình tôi gắn bó với loại cây trồng này đã lâu. Nhưng để có tiền trang trải trong gia đình, chắc chắn là phải phá những cây đã già cỗi để trồng lại cây mới, rất tốn thời gian chăm sóc và chi phí kiến thiết vườn cây".
   
  Mấy năm nay, chặt bỏ cà phê già cỗi, năng suất thấp là công việc của gia đình ông Nguyễn Văn Hải, ở xã Ia Yok, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai). 2ha cà phê mà ông nhận khoán từ Công ty cà phê Ia Sao 1 (thuộc Tổng Công ty cà phê Việt Nam), đến giờ cây nào cũng xấp xỉ 25 năm tuổi. Theo ông Hải, việc tái canh cây cà phê luôn gặp khó khăn vì nguồn sâu bệnh tích lũy trong đất qua mấy chục năm canh tác, nguy hiểm nhất trong số này là tuyến trùng hại rễ. Với những vườn không bị nhiễm tuyến trùng hại rễ, đất phải được nghỉ ít nhất 2 năm, còn nếu có tuyến trùng thời gian nghỉ có thể gấp đôi. Đặc biệt, trong thời gian đó nông hộ không được trồng các loại cây lấy củ như khoai lang, mì… làm đất thêm bạc màu, nhiễm mầm bệnh. Thay vào đó chỉ được trồng các loại cây họ đậu. Thế nhưng các cây họ đậu lại cho giá trị kinh tế thấp, không thể chịu nổi chi phí cho 4 - 6 năm đất được nghỉ để cải tạo lại vườn cây. Không chỉ thế, trong "công cuộc" tái canh vườn cà phê, việc buộc phải cưa đốn cây ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân; rồi chi phí tái canh cũng là nỗi ngán ngẫm của người trồng cà phê. Tính toán cho thấy với chi phí tái canh bao gồm giống, phân bón, kỹ thuật chuyển giao công nghệ… cho 1ha cà phê từ 100 - 160 triệu đồng. Đây  thực sự là vấn đề nan giải, khi người dân không có đủ tài chính, mà địa phương thì cũng không có khả năng hỗ trợ.
   
   
Nhiều vườn già cỗi
   
  Trong vòng vài mươi năm trở lại đây, cây cà phê được xem là cây trồng chủ lực, gắn bó lâu đời với người dân Tây Nguyên. Với diện tích hơn 450.000ha cà phê, Tây Nguyên được xem là "thủ phủ" cà phê của cả khu vực Đông Nam Á. Quan trọng là vậy, nhưng theo thống kê, đã có gần 40% diện tích cà phê của toàn vùng Tây Nguyên đã già cỗi (hơn 20 năm tuổi), tương đương với hơn 120.000ha cà phê. Theo tính toán, đến năm 2015, Việt Nam sẽ có khoảng 200.000ha cà phê già cỗi và năm 2017 là 350.000ha, chiếm 60% diện tích cà phê cả nước. Đây là con số đáng báo động cho ngành cà phê Việt Nam, nếu tình trạng này không sớm có hướng giải quyết khả dĩ. Để giải quyết thực trạng chất lượng vườn cây ngày càng xấu đi, cho năng suất thấp, nhiều người dân ở các tỉnh Tây Nguyên đã nghĩ đến việc phá đi trồng lại, nhưng vẫn rụt rè. Bởi đa số những mô hình tái canh đi trước dù đã được các nhà khoa học hướng dẫn, các chuyên gia khuyến nông hỗ trợ nhưng lại không thành công. Vườn cây tái canh chỉ sinh trưởng tốt đến năm thứ 2, thứ 3, sau đó tàn lụi dần.
   
  Tình trạng cà phê già cỗi không chỉ là nỗi lo của người trồng cà phê mà còn làm "nặng đầu" các cấp chính quyền các tỉnh Tây Nguyên. Cà phê già cỗi dẫn đến vườn cây kém phát triển, năng suất và chất lượng giảm, làm ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế của gia đình và khu vực. Theo ông Nguyễn Đại Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê Ia Grai (tỉnh Gia Lai), việc tái canh của công ty đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong thời điểm hầu hết các ngân hàng đều thắt chặt tín dụng. Do vậy, đơn vị mới chỉ tái canh được hơn 100ha trong tổng số gần 300ha cà phê già cỗi. Còn ông Hoàng Văn Cách, Phó Giám đốc Công ty cà phê Ia Sao 2 (thuộc Tổng Công ty cà phê Việt Nam) cho hay, các công ty cà phê trực thuộc Tổng Công ty cà phê Việt Nam đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên có diện tích tương đối lớn. Việc tái canh vườn cà phê khai thác đã lâu năm cần vốn lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng, vốn tự có của doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Vấn đề này cũng cần được các ngân hàng thương mại lưu tâm xem xét để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cho vay với vốn ưu đãi với thời gian dài hạn. Nếu 3 – 5 năm đã phải trả nợ thì lực "mỏng", không đảm bảo được.
   
  Ở khu vực Tây Nguyên, hiện nay, tái canh những trang trại, vườn già cỗi để nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành cà phê là yêu cầu cấp bách, cần được đầu tư mạnh mẽ. Hơn lúc nào hết, về mặt kỹ thuật, Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên cần sớm hoàn thành quy trình kỹ thuật trồng tái canh cà phê để hướng dẫn các địa phương thực hiện. Ngoài ra, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư quốc gia phải ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ chương trình tái canh cà phê, tập trung cho các hoạt động tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn... Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại cần nhanh chóng "thẩm thấu" xuống các vườn cây. Có như vậy, ngành cà phê nước ta mới có thể "khởi sắc" trong những năm tới.
   
        
Nhận thức được tầm quan trọng của việc đẩy mạnh tái canh cây cà phê và tăng cường chế biến sâu, vừa qua tại tỉnh Gia Lai, lãnh đạo các ngân hàng đã công bố sẽ dành một gói tín dụng trị giá 3.300 tỷ đồng hỗ trợ tái canh cây cà phê Tây Nguyên và nhiều ngàn tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay đầu tư công nghệ chế biến hiện đại.
        
    
   
                                                                                      
  Bài & ảnh: Thục Vy
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên: Gian nan tái canh vườn cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO