Đất đai

Tây Nguyên: Còn 30 nghìn hộ dân thiếu đất ở, đất sản xuất

K.Vinh 30/01/2015 17:56

(TN&MT) - Mới đây, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015.

 Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì hội nghị.

trong-xen.jpg
Nhiều người dân ở Tây Nguyên còn thiếu đất sản xuất

Hội nghị nhận định, năm 2014, dù đối mặt nhiều khó khăn, nhưng kinh tế - xã hội, vùng Tây Nguyên giữ ổn định và có phát triển khá: Tăng trưởng GDP toàn vùng đạt 8,74%, thu nhập bình quân đầu người đạt 34,9 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng hiện còn 10,12%. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người trên Tây Nguyên vẫn chỉ bằng 81% mức bình quân cả nước, tình trạng phá rừng còn diễn biến phức tạp, hạ tầng giao thông kém, xử lý tồn đọng một số
công trình thủy điện chưa dứt điểm; toàn vùng hiện còn hơn 30.000 hộ dân thiếu đất ở, đất sản xuất...

Để góp phần thực hiện mục tiêu của Tây Nguyên và vùng lân cận năm 2015 giữ vững ổn định chính trị- xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, duy trì tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Đại tướng Trần Đại Quang đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đó là: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ban, ngành, địa phương thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015; tham mưu Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù hỗ trợ các địa phương vùng Tây Nguyên phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù để huy động các nguồn lực phục vụ kết nối hạ tầng giao thông trên địa bàn Tây Nguyên và vùng lân cận, bảo đảm tiến độ, chất lượng
đầu tư nâng cấp sân bay Pleiku (Gia Lai), đường Hồ Chí Minh và các dự án giao thông đã được phê duyệt.

1-2-.jpg
Cần sớm ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù hỗ trợ các địa phương vùng Tây Nguyên phát triển

Đại tướng Trần Đại Quang cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên nghiên cứu, đề xuất chủ trương về tổ chức, hoạt động điều phối liên kết vùng, triển khai mô hình thử nghiệm cơ chế, chính sách liên kết vùng đối với một số lĩnh vực, ngành hàng kinh tế cụ thể trên địa bàn Tây Nguyên.

Thành lập Quỹ phát triển cà phê Việt Nam, tổ chức đánh giá công tác chỉ đạo tái canh cà phê để có hướng điều chỉnh và tiếp tục hỗ trợ tín dụng nhằm khuyến khích tái canh; tập trung sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị (khóa XI); tiếp tục triển khai có hiệu quả Quy hoạch thủy lợi, đề xuất các giải pháp về cấp nước, phòng chống lũ, rà soát tu bổ các hồ , chứa, bảo đảm an toàn hồ đập;...

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện giải quyết dứt điểm các tồn đọng tại các dự án thủy điện, đôn đốc việc cấp điện cho các buôn làng chưa có điện; tiếp tục giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, ổn định dân di cư đến ngoài kế hoạch; đề xuất việc củng cố, hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, chỉ đạo xử lý những bất cập, vướng mắc về giáo dục, đào tạo, việc cử tuyển đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số...

Tại hội nghị, Vietcombank xác nhận đã tặng 1.000 con bò cho các hộ nghèo khu vực Tây Nguyên, Maritime Bank hỗ trợ 10 tỷ đồng, tập đoàn Vingroup tặng 350 căn nhà cho người nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên: Còn 30 nghìn hộ dân thiếu đất ở, đất sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO