'Tẩy chay' ô nhiễm!

12/10/2016 00:00

(TN&MT) - Bức xúc với các doanh nghiệp xả thải hủy hoại môi trường, người tiêu dùng đã phát huy “quyền thượng đế” của mình quay lưng lại với sản phẩm ô nhiễm. Đây được xem là lời cảnh tỉnh đối với các doanh nghiệp tham kinh tế, bỏ môi trường.

“Phần nổi của tảng băng chìm”

Pháp luật BVMT của Việt Nam đến nay, đã cơ bản đầy đủ. Tuy vậy, không ít các doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm túc bảo vệ môi trường (BVMT) như: xả rác thải, khí thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường tự nhiên; trốn tránh trách nhiệm chi phí khắc phục ô nhiễm, không đầu tư hệ thống xử lý chất thải…  Hậu quả nhiều con sông bị đầu độc, cá chết; nhiều vùng dân cư phải sống chung với ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, mùi hôi đầu độc bầu không khí... Điển hình gần đây, vụ Formosa xả thải được đánh giá là sự cố môi trường biển nghiêm trọng nhất, lần đầu tiên xảy ra trên diện rộng ở Việt Nam.

Công luận tốn không ít giấy mực, cộng đồng xã hội đã gửi các câu hỏi thẳng thắn, bức xúc tới các cơ quan chức năng. Dù câu hỏi căng thẳng như thế nào, dù sự phán xét của công luận quyết liệt đến đâu, đây cũng là bài học đắt giá cho một quy luật phát triển. Hậu quả nặng nề và khuyết điểm trầm trọng đã rõ. Vấn đề cần phải phán xét cho rõ cội nguồn và đặt các sự kiện trong bối cảnh chung để tìm ra cách xử lý vừa mang tính tổng thể, vừa cụ thể. Chưa lúc nào, vấn đề môi trường được đưa lên bàn nghị sự và diễn đàn công luận nhiều như thời gian này.

Mất mát lớn nhất của doanh nghiệp là mất niềm tin với người dân
Mất mát lớn nhất của doanh nghiệp là mất niềm tin với người dân

Thực tế, pháp luật là công cụ cần thiết nhưng chưa đem lại hiệu quả cao. Điển hình như thanh tra là hoạt động thường xuyên, là công cụ quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy vậy, trong quá trình triển khai hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành môi trường còn không ít khó khăn, vướng mắc như: việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT còn kéo dài do nhiều đối tượng vi phạm trốn tránh hoặc không hợp tác; các vi phạm về BVMT ngày càng tinh vi, khó phát hiện, nhất là các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp….

Từ đầu năm đến nay, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã ban hành trên 400 kết luận thanh tra về công tác BVMT trên địa bàn 12 tỉnh/thành phố; 225 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là hơn 30 tỷ đồng; 17 Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định. Đặc biệt, đã xử phạt và yêu cầu Công ty Cổ phần Mía đường Hòa Bình và Công ty TNHH Tân Hiếu Hưng tiến hành bồi thường thiệt hại, xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường. Đến nay, Công ty Cổ phần Mía đường Hòa Bình đã hoàn thành việc hỗ trợ cho tỉnh Thanh Hóa với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.

Tuy vậy, đây chỉ là những “phần nổi của tảng băng chìm”. Còn không ít các doanh nghiệp nhẫn tâm ngày đêm lén lút xả thải hủy hoại môi trường che mắt các cơ quan chức năng. Các chuyên gia môi trường đánh giá, doanh nghiệp như ‘một pháo đài khó xâm phạm’ - nghĩa là bên trong cứ sản xuất, xả thải ra ngoài môi trường gây ô nhiễm, trong khi, các cơ quan pháp luật của Nhà nước khó có biện pháp kiểm tra giám sát chặt chẽ.

Phát huy quyền năng “thượng đế”

Theo tính toán, nếu hoạt động sản xuất kinh doanh lãi được 10 đồng nhưng không quan tâm vấn đề BVMT, sau đó, chi phí khắc phục ô nhiễm môi trường phải tiêu tốn gấp 10 lần hiệu quả kinh tế thu được. Đã có nhiều trường hợp doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường chấp nhận đối thoại, thương lượng với người dân. Nhưng khi được yêu cầu bồi thường thiệt hại, doanh nghiệp lại yêu cầu chứng cứ rồi từ chối bồi thường thiệt hại cho người dân. Doanh nghiệp còn khẳng định, chỉ chấp nhận đền bù khi có kết luận của cơ quan chức năng. Mức độ thành công của việc giải quyết tranh chấp môi trường phụ thuộc rất lớn vào sự quyết liệt vào cuộc của cơ quan Nhà nước và sự tham gia của các tổ chức xã hội.

Trong một số trường hợp, khi người dân phản ứng một cách gay gắt… lúc này cơ quan chức năng mới vào cuộc để xác định hành vi gây ô nhiễm môi trường và gây thiệt hại của DN. Đơn cử, người dân đã phải “tự xử” như vụ Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa), từ đó, người bị thiệt hại mới có cơ sở để đòi bồi thường.

Như vậy, có thể thấy, ngoài các quy định về pháp luật, công cụ có tính hiệu quả nhất chính là người tiêu dùng. Người tiêu dùng là ‘công cụ’ cuối cùng quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Thành công nếu sản phẩm hàng hóa tốt, rẻ, có thương hiệu, thân thiện môi trường được tiêu dùng nhiều. Thất bại khi người tiêu dùng quay lưng từ chối…

Người tiêu dùng đã nhận ra rằng, giá cả hàng hóa của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường dù có rẻ hơn sản phẩm cùng loại của các nhà sản xuất chân chính khác, nhưng cái rẻ hơn ấy được đánh đổi bằng sức khỏe, bằng môi trường sống ô nhiễm, họ sẽ không sử dụng.

Người tiêu dùng - ‘công cụ’ quyết định thành công hay thất bại của doanh nghiệp
Người tiêu dùng - ‘công cụ’ quyết định thành công hay thất bại của doanh nghiệp

Người tiêu dùng đã rung lên hồi chuông báo động, từ đó, tạo áp lực đối với các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm hơn trong việc thực thi pháp luật bảo vệ môi trường, trong hành xử giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp vi phạm hay việc lựa chọn thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Người tiêu dùng bây giờ thừa biết, Việt Nam đâu còn cái thời nhà đầu tư nào vào cũng gật đầu, mà phải lựa chọn công nghệ, mức độ gây ô nhiễm hay các cam kết xử lý ô nhiễm môi trường. 

Một thị trường xanh là thị trường hướng đến người tiêu dùng. Doanh nghiệp phải coi người tiêu dùng thật sự là “thượng đế”, là gốc cội của sự cạnh tranh. Muốn vậy, trước hết “thượng đế” phải biết cái thế của mình - cái thế cầm cán, cái thế biết thực hiện văn hóa “tẩy chay” đúng nghĩa.

Bài và ảnh: Phương Anh

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
'Tẩy chay' ô nhiễm!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO