Tàu vỏ thép Bình Định "nằm bờ": Vừa ra cửa biển, tàu hỏng hộp số

12/05/2017 00:00

(TN&MT) - Vừa hạ thủy tàu vỏ thép "khủng" đầu tư theo Nghị định 67 của Chính phủ, nhiều ngư dân trên địa bàn Bình Định chưa kịp mừng đã khóc ròng vì tàu liên...

 

(TN&MT) - Vừa hạ thủy tàu vỏ thép “khủng” đầu tư theo Nghị định 67 của Chính phủ, nhiều ngư dân trên địa bàn Bình Định chưa kịp mừng đã khóc ròng vì tàu liên tục hư hỏng, bộc lộ “khuyết tật”…

Vụ cá Nam năm nay (kể từ đầu tháng 4) đã trôi qua nhiều ngày. Song, nhiều tàu vỏ thép của ngư dân xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) đành ngậm ngùi “nằm bờ” dù vừa đóng mới.

Tàu vỏ thép của ngư dân Đinh Công Khánh (bìa trái) và ngư dân Lê Văn Thãi (bìa phải) ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) “trùm mền” vì bị hư hỏng sau vài tháng hạ thủy.
Tàu vỏ thép của ngư dân Đinh Công Khánh (bìa trái) và ngư dân Lê Văn Thãi (bìa phải) ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) “trùm mền” vì bị hư hỏng sau vài tháng hạ thủy.

Tại cảng cá Đề Gi thời điểm này, nhiều chủ tàu đang tất bậc chuẩn bị “tổn” cho chuyến biển mới. Thì, tàu vỏ thép số hiệu BĐ 99086-TS của ông Đinh Công Khánh, thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh (Phù Cát) lại nằm bất động trong âu thuyền vì hư hỏng.

Ông Khánh bức xúc nói: Tàu tôi hạ thủy vào tháng 9/2016. Một tháng sau, tôi điều khiển con tàu đi chuyến biển đầu tiên ở ngư trường Trường Sa theo lịch trình khai thác thủy hải sản trong 30 ngày. Thế nhưng, hoạt động đánh bắt trôi qua được 10 ngày thì tôi phát hiện hơn 1.200 cây đá để ướp sản phẩm trong hầm đá đã tan chảy do hầm đá bị lỗi. Tôi đành đưa con tàu quay về cảng cá Đề Gi để khắc phục. Chuyến biển lần này tôi thua lỗ nặng hơn 200 triệu đồng. Sau khi khắc phục xong sự cố hỏng hầm đá, đầu tháng 2 âm lịch năm 2017, tôi sắm “tổn”, mua bạn đi chuyến biển thứ hai. Thuyền trưởng khởi động đưa tàu ra ngư trường Trường Sa. Nhưng, tàu vừa ra cửa biển Đề Gi thì hộp số máy chính bị hỏng. Chuyến đánh bắt lần này buộc phải dừng lại. Thuyền trưởng đưa tàu về cảng cá Đề Gi đợi khắc phục cho đến giờ.

Theo tìm hiểu, tàu vỏ thép BĐ 99068-TS của ông Khánh có giá trị hơn 18,5 tỉ đồng, bao gồm cả ngư lưới cụ, trong đó vốn đối ứng của ngư dân trên 800 triệu đồng, số tiền còn lại ngư dân vay từ Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Phú Tài theo tinh thần NĐ 67 của Chính phủ. Tàu này đóng tại Xí nghiệp đóng tàu Công ty TNHH MTV Nam Triệu (quận Kiến An, TP Hải Phòng). Vụ cá Nam đang vào chính vụ. Hộp số máy chính hỏng, nhưng chưa biết bao giờ mới khắc phục xong. Tàu cứ nằm bất động thế này, tôi sốt cả ruột. Trong khi đó, công ty đóng tàu không có động thái tích cực để kịp thời sửa chữa. Kéo dài tình trạng này, tôi chưa biết lấy đầu ra tiền để trả lãi ngân hàng”, ông Khánh nói như khóc.  

Tàu hỏng hóc, nằm bờ ngư dân khốn khó.
Tàu hỏng hóc, nằm bờ ngư dân khốn khó.

Chung số phận, tàu vỏ thép số hiệu BĐ 99016-TS của ông Lê Văn Thãi (ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, huyện Phù Mỹ) cũng “trùm mền” nằm bờ từ nhiều tháng nay. Theo ông Thãi, con tàu này cũng do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (quận Kiến An, TP Hải Phòng) đóng với trị giá 18,7 tỉ đồng. Tàu có công suất 940 CV, làm nghề vây ánh sáng. Từ lúc tàu hạ thủy (7/2016) đến trước Tết Nguyên đán 2017, tôi có đưa tàu đi 2 chuyến biển. Quá trình hoạt động cũng xảy ra tình trạng bong bật mối hàn ở một số vị trí và tự khắc phục.

“Đầu tháng 4/2017, tôi mua “tổn” chuẩn bị cho chuyến biển thứ 3 thì phát hiện máy chính bị hỏng. Ngoài ra, bộ đề để khởi động máy phát điện và thiết bị giải nhiệt cho máy cũng không hoạt động được. Tàu nằm bờ vừa không có thu nhập, vừa không có tiền trả lãi. Một số bạn tàu của tôi rục rịch bỏ sang tàu khác để kiếm kế sinh nhai”, ông Thãi mếu máo nói.

Về vấn đề này, ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), khẳng định: “Toàn xã hiện có 9 tàu vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng. Hầu hết các tàu này đã xuất hiện tình trạng hỏng hóc. Tàu nhẹ thì bị bức mối hàn, hỏng hầm đá. Tàu nặng thì hỏng máy chính, hộp số, dàn đèn không hoạt động được. Địa phương đã yêu cầu ngư dân có tàu bị hư hỏng làm đơn trình bày cụ thể sự việc gửi tới văn phòng xã để địa phương làm cơ sở báo cáo cấp trên xem xét, giải quyết”.

Những con tàu vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng ngư dân tố là công ty đóng tàu “rởm”.
Những con tàu vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng ngư dân tố là công ty đóng tàu “rởm”.

Tương tự, tàu vỏ thép số hiệu BĐ 99567-TS, công suất 811 CV của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (56 tuổi, trú thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định) do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng với tổng kinh phí 15,2 tỷ đồng, cũng liên tục mắc lỗi. Cụ thể, tháng 8/2016 tàu hạ thủy, chuyến biển đầu tiên lưới bủa bị cuốn hết vào chân vịt. Sau chuyến biển đó, ông Mạnh thêm 1,5 tỷ đồng chuyển đổi qua nghề lưới chụp. Cuối tháng 1/2017 tàu ra khơi lần hai thì bánh lái bị sóng đánh văng ra ngoài. Chuyến biển thứ ba, vừa được ít cá thì khoang tàu không thoát ra ngoài được, nước ứ đọng ngập các hầm muối cá làm hỏng hết cá.

Lý giải về các “khuyết tật” của tàu cá vỏ thép, ông Nguyễn Văn Mạnh nói: “Với kinh nghiệm hơn 40 năm đi tàu, tôi thấy con tàu thiết kế không phù hợp, khi góp ý thì phía công ty đóng tàu bảo ngư dân chỉ được góp ý sửa chữa những phần trên boong tàu, phần khoang tàu nhà máy căn cứ vào bản thiết kế mà làm”. Cũng theo ông Mạnh, đến tháng 7/2017 tàu mới đến thời hạn tái kiểm định, nhưng hiện tàu của ông Mạnh đã xuống cấp trầm trọng, boong tàu và hầm máy đều bị hoen gỉ. “Trong hợp đồng, tàu vỏ thép của tôi được đóng thép Hàn Quốc, nhưng khi tham gia giám sát việc đóng tàu tại nhà máy, con trai tôi phát hiện tàu của mình được đóng bằng thép Trung Quốc nên phản ánh rồi lấy điện thoại chụp hình những mẫu vật liệu thép của Trung Quốc để làm bằng chứng thì bị nhân viên nhà máy đóng tàu hăm dọa”, ông Mạnh kể.

Tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng cũng chung tình cảnh. Hầu hết tàu do đơn vị này đóng đã sét rỉ.
Tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng cũng chung tình cảnh. Hầu hết tàu do đơn vị này đóng đã sét rỉ.

Lỗi tại ai?

Theo Sở NN&PTNT Bình Định , vừa qua, Đoàn kiểm tra của tỉnh Bình Định với sự tham gia của đại diện Sở NN&PTNT, Sở Tài Chính, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh đã tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng và hiệu quả khai thác của các tàu đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh. “Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy, nhiều tàu vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu hoặc Công ty Đại Nguyên Dương đóng đang gặp sự cố hỏng hóc cục bộ ở một số bộ phận như máy chính, hộp số, dàn đèn, hầm đá, bong bật mối hàn,… Trong đó, có một số tàu phải nằm bờ chờ khắc phục để hoạt động. Tất cả các trường hợp bị hư hỏng, Sở đã tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý”, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, xác nhận.

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, trước phản ánh của ngư dân, đại diện các công ty đóng tàu cho rằng việc tàu cá bị hư hỏng là do ngư dân bảo dưỡng, bảo trì tàu không phù hợp. Bởi, trước kia bà con sử dụng tàu vỏ gỗ quen với quy trình 6 tháng mới bão dưỡng, còn bây giờ tàu vỏ thép thì khi đi về phải bảo dưỡng ngay. Quy trình vận hành tàu, một số thuyền, máy trưởng, thuyền viên của một số tàu chưa nắm bắt rõ.

Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng, các công ty đóng tàu đúng theo thiết kế, ngư lưới cụ đúng theo thiết kế, việc kiểm định đúng theo quy định nhà nước. “Mới đây, tại buổi đối thoại giữa ngư dân và các công ty đóng tàu, chúng tôi đã yêu cầu hai công ty đóng tàu Đại Nguyên Dương và Nam Triệu giải quyết dứt điểm những kiến nghị, phản ánh của ngư dân. Nếu không giải quyết dứt điểm chúng tôi sẽ báo cáo UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra và sẽ báo cáo lên Bộ NN&PTNN”, ông Hổ nói.

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc. 

Hoàng Nguyên

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tàu vỏ thép Bình Định "nằm bờ": Vừa ra cửa biển, tàu hỏng hộp số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO