Tàu lớn vươn khơi

12/06/2014 00:00

(TN&MT) - Không chùn bước trước những hành động xâm phạm, gây hấn của Trung Quốc, ngư dân các địa phương đang hối hả đóng sửa tàu thuyền vươn khơi đánh bắt...

(TN&MT) - Không chùn bước trước những hành động xâm phạm, gây hấn của Trung Quốc, ngư dân các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định… đang hối hả đóng sửa tàu thuyền vươn khơi đánh bắt, giữ ngư trường truyền thống và chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
   
Anh Vương bên con tàu “khủng” trong giai đoạn hoàn thiện
   
Đội nắng làm việc hết công suất
   
  Dưới cái nắng gay gắt như thiêu như đốt của vùng ven biển miền Trung, các công nhân, thợ đóng tàu tại Công ty Ứng phó sự cố tràn dầu dịch vụ hàng hải Bảo Duy, TP. Đà Nẵng vẫn miệt mài sửa chữa và đóng mới hàng chục tàu cá của ngư dân miền Trung để họ kịp ra khơi đánh bắt. Tiếng cưa xẻ gỗ, đục đẽo vang lên khắp công xưởng.
   
  Theo quan sát của chúng tôi, con tàu của ngư dân Đồng Minh Vương ở phường Mỹ An, quận Sơn Trà là một trong những con tàu lớn nhất được đóng mới tại công ty vào thời điểm này. Từ trên khoang tàu, bất chấp trời nắng như đổ lửa, anh Vương  mồ hôi nhễ nhại “lót” màu sơn mới cho con tàu trước khi hạ thủy. Vui mừng vì con tàu sắp hoàn thành, anh Vương chia sẻ: Con tàu này có công suất hơn 810CV mang số hiệu ĐNa 90612 TS trị giá gần 3 tỉ đồng. Đến nay, đã hoàn thiện được 70%, dự kiến đầu tháng 7 sẽ hạ thủy. Hàng chục năm đi biển, anh tích luỹ được gần 2 tỷ đồng, vay mượn thêm 1 tỷ đồng nữa đóng mới còn tàu lớn hơn để đi biển dài ngày. “Tôi biết rõ tình hình Biển Đông hiện nay, nhưng ngư dân chúng tôi sống nhờ biển nên không có gì phải sợ cả, sẽ quyết tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngư dân xem chuyện bị tàu Cảnh sát biển Trung Quốc rượt đuổi là bình thường vì tàu nào cũng bị họ rượt 4 - 5 lần/năm. Bây giờ đánh bắt xa khơi, anh em chúng tôi thường đi theo đoàn từ 10 đến 12 chiếc để có thể hỗ trợ, bảo vệ cho nhau trên biển”, anh Vương nói thêm.
   
Khẩn trương đóng tàu vươn khơi bám biển
   
  Tại xưởng sửa chữa tàu cá của Hợp tác xã (HTX) Trục vớt và Đóng sửa tàu Bắc Mỹ An không khí làm việc cũng nhộn nhịp, khẩn trương hơn bao giờ hết. Hàng trăm công nhân cần mẫn với công việc, nhiệm vụ đã được phân công. Những tiếng đục đẽo vang lên liên hồi. Trò chuyện cùng những ngư dân, công nhân mới hiểu hơn bao giờ hết tình yêu quê hương, đất nước lại được cụ thể hóa bằng những hành động cụ thể như lúc này. Nghe tin Đà Nẵng có rất nhiều tàu của ngư dân bị hư hỏng, cần sửa gấp để ra khơi, anh Lê Văn Tuấn (người Bình Định, thợ cơ khí) bàn với vợ ra thành phố này làm việc tại HTX Trục vớt và Đóng sửa tàu Bắc Mỹ An. “Tiền công được gần 300.000 đồng/ngày nhưng do đi xa, phải thuê chỗ ở nên chẳng dư dả là bao. Tuy nhiên, khi thấy ngư dân nhanh chóng ra khơi bám biển là tôi lại thấy hạnh phúc” - anh Tuấn bộc bạch.
   
  Lúc trước, ông Võ Duy Thành (tỉnh Quảng Ngãi) - có 20 năm làm thợ xảm, chuyên đục trám những lỗ hổng của thân tàu - thường từ chối ra Đà Nẵng bởi xa nhà nên chi phí ăn ở rất tốn kém. Lần này, khi được chủ tàu yêu cầu ra Đà Nẵng sửa chữa ông Thành không do dự, lập tức mang dụng cụ, tư trang đi ngay. “Tình yêu nước, yêu chủ quyền biển đảo đã thôi thúc tôi phải có trách nhiệm góp một phần nhỏ sửa chữa tàu cho ngư dân kịp ra khơi bám biển” - ông Thành nói.
   
  Ông Nguyễn Văn Sự, quản lý bộ phận sửa chữa tàu thuyền của HTX Trục vớt và Đóng sửa tàu Bắc Mỹ An, cho biết gần 1 tháng qua, nhiều ngư dân yêu cầu sửa chữa tàu khẩn trương để họ nhanh chóng trở lại ngư trường Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền biển đảo nên toàn thể công nhân làm việc cật lực. Hầu hết các công nhân phải làm việc tăng thêm thời gian từ 1 - 2 giờ, thậm chí cả ban đêm để sửa chữa tàu cho ngư dân nhanh chóng ra khơi. “Hiện hơn 300 công nhân của đơn vị đều làm việc hết công suất” - ông Sự nói.
   
  Gần 2 tháng nay, công nhân HTX đóng mới sửa chữa tàu biển Cổ Lũy, xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa phải làm cả ban đêm, gấp rút hoàn thiện những con tàu để ngư dân sớm vươn khơi. Đây là địa phương có tay nghề đóng tàu nổi tiếng bậc nhất ở miền Trung. Để đóng mới một con tàu xa bờ phải trải qua 8 công đoạn. Trong quá trình thi công các hạng mục của tàu, các thợ cả kiểm tra, giám sát hết sức ngặt nghèo. Bất cứ một chi tiết nào dù nhỏ đến mấy nhưng không đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật đều cương quyết loại bỏ. Ông Lê Văn Đồng, thợ cả HTX tàu biển Cổ Lũy cho biết: Hiện tại xưởng đóng tàu Cổ Lũy có 30 tàu đang được khẩn trương hoàn thành, trong đó có hơn một nửa số tàu chuẩn bị hạ thủy. Mỗi con tàu đóng mới tại cơ sở này có giá từ 3 tỷ đến 3,5 tỷ đồng. Vài năm trở lại đây, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi làm ăn khấm khá, nhiều người đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi bám biển dài ngày.
   
Tự tin vượt sóng
   
  Hơn 1 tháng qua, các tàu Trung Quốc liên tiếp chèn ép, đâm va các tàu cá ngư dân đang đánh bắt tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa của Việt Nam. Những hành động ngang ngược của Trung Quốc, nhất là vụ đâm chìm tàu cá ngư dân Đà Nẵng ngày 26/5 không bẻ gãy được ý chí vươn khơi bám biển của bà con ngư dân. Tại TP. Đà Nẵng, từ giữa tháng 5, có 4 tàu công suất lớn vừa đóng mới hạ thuỷ vươn ra vùng biển Hoàng Sa. Ngư dân Nguyễn Sương (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) – người vừa hạ thủy 2 con tàu “khủng” có tổng công suất 2300 CV, trị giá gần 10 tỷ đồng trong hai ngày liên tiếp 22/5 và 24/5 chia sẻ: “Ngư dân chúng tôi không bao giờ bỏ biển được, biển của mình thì mình phải bảo vệ mà làm chứ, làm sao mà bỏ được! Không chỉ bảo vệ ngư trường, mà việc đánh bắt xa bờ còn có ý nghĩa bảo vệ chủ quyền, tài nguyên quốc gia”. Ngay sau khi hạ thủy, ông Sương cùng bạn thuyền đã cho tàu hướng ra ngư trường Hoàng Sa để khai thác thủy sản. Bởi theo ông, ra khu vực “điểm nóng” nhưng có tàu “khủng” và lực lượng Cảnh sát biển, tàu Kiểm ngư của Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ chấp pháp gần khu vực giàn khoan Hải Dương 981 đặt trái phép thì càng yên tâm khi thả lưới đánh bắt hải sản…
   
  Ngoài việc đóng mới tàu, hiện nay do nhu cầu đánh bắt xa bờ gắn liền với việc bảo vệ chủ quyền trên biển, đồng thời để chống chọi với thời tiết, mưa bão… bà con ngư dân các tỉnh miền Trung cũng đã cải hoán, nâng cấp nhiều tàu cá công suất nhỏ thành công suất lớn.
   
Hàng loạt tàu đóng mới của ngư dân Quảng Ngãi sẽ hạ thủy
   
  Nói về ngư dân Đà Nẵng quyết tâm đóng tàu lớn vươn khơi, ông Trần Văn Lĩnh – quyền Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cho biết, hiện nay Nhà nước đã có chính sách cho ngư dân vay tối đa 800 triệu đồng với lãi suất ưu đãi và kèm theo một số ưu đãi khác nên ngư dân mạnh dạn đầu tư. Trong 3 năm qua, TP.Đà Nẵng đã chi gần 8 tỷ đồng để hỗ trợ đóng mới 15 tàu công suất lớn. Mỗi tàu cá của ngư dân đóng mới công suất trên 400 mã lực được hỗ trợ từ 400 đến 800 triệu đồng và toàn bộ lệ phí đăng kiểm. Hiện thành phố đang triển khai thành lập “Quỹ hỗ trợ ngư dân” và mua bảo hiểm cho thuyền viên, giúp bà con trang bị tiện thông tin liên lạc tàu cá. Sắp tới, những tàu từ 600 CV trở lên sẽ được hỗ trợ từ 600 triệu cho đến 1 tỷ đồng.
   
  Ông Phan Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi cho biết: 3 năm qua, mỗi năm ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đóng mới trên 100 tàu công suất từ 400 đến 600CV. Trong thời điểm hiện nay, tỉnh càng chú trọng vận động người dân đóng mới tàu có đủ điều kiện bám biển dài ngày, với những trang thiết bị bảo quản thủy sản để nâng cao hiệu quả của các chuyến biển.
   
  Tại Hội nghị phát triển thủy sản tại Đà Nẵng mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định chủ trương hoán đổi tàu cá vỏ sắt thay thế tàu vỏ gỗ cho 3.000 tàu cá đầu tiên trong tổng số hơn 130.000 tàu cá của cả nước. Những “cú đấm thép” trên biển này sẽ hỗ trợ tích cực cho ngư dân ra khơi bám biển đánh bắt dài ngày hơn.
   
  Rồi đây, nhiều con tàu lớn hơn, hiện đại hơn chở theo tình yêu quê hương, đất nước của ngư dân miền Trung sẽ hoạt động dài ngày hơn trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam.
   
  Bài và ảnh: Lan Anh – Văn Hà
  
Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tàu lớn vươn khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO