Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp sáng nay (11/10) |
Bão số 6 sẽ đổ bộ Quảng Nam – Quảng Ngãi trong sáng 11/10
Thông tin về tình hình bão số 6 (Linfa), Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 6 mạnh cấp 8, giật cấp 10. Thời điểm có gió mạnh nhất trên đất liền là trong sáng đến trưa nay (11/10).
Ông Khiêm lưu ý, khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; riêng đất liền ven biển các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 8-9, có thể giật cấp 10; ở Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; ở Quảng Trị, Phú Yên có gió mạnh cấp 6-7.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia nhận định, ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng cao 2-4m, biển động rất mạnh. Ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Đà Nẵng có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, sóng cao 2-4m,biển động. Riêng vùng biển Cửa Việt, trong ngày hôm nay, gió mạnh cấp 5,6 giật cấp 8, độ cao sóng 3m.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thông tin về tình hình bão số 6 |
Dự báo mưa lớn, ông Khiêm cho biết, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 6, mưa lớn nhất tập trung ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bắc Bình Định; thời gian mưa lớn nhất tập trung trong ngày hôm nay và ngày mai (12/10) với lượng mưa khoảng 400-700mm.
Lũ trên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố lên mức BĐ3, hạ lưu sông La ở mức BĐ1. Lũ trên các sông Thừa Thiên Huế - Quảng Nam ở trên BĐ3, các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị BĐ2 – BĐ3…
“Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất vùng núi các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum. Cảnh báo tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi”, ông Khiêm cảnh báo.
Ông Khiêm lưu ý thêm, trong 10 ngày tới sẽ có 2 đợt không khí lạnh tăng cường trong các ngày 14,15/10 và 17,18/10; kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới vẫn hoạt động gây mưa lớn cho miền Trung.
“Khả năng tiếp tục sau cơn bão số 6; hiện nay ngay phía Bắc đảo Ludong (Phi-lip-pin) đã xuất hiện vùng thấp, không loại trừ trả năng hình thành bão đi vào vịnh Bắc Bộ trong ngày 13,14/10 gây mưa cho khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Ngay sau đó, ngày 16,17 có đợt không khí lạnh mới đẩy xuống phía Nam.
Tiếp đó, ngày 17,18/10 sẽ là mối nguy hiểm rất lớn khi dự báo xa khả năng hình thành vùng áp thấp mới khả năng mạnh lên thành bão, có vị trí hình thành thấp hơn ở phía Nam biển Đông, nhiều khả năng đi vào Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ; kết hợp với đợt không khí lạnh tiếp theo (dự báo khoảng ngày 17,18/10) dồn xuống phía Nam gây mưa kéo dài”, ông Khiêm nhận định.
Miền Trung cấp thiết ứng phó ngay
Khẳng định năm nay là năm dị thường về thời tiết, thiên tai hết sức khắc nghiệt, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT Nguyễn Xuân Cường cho biết, vẫn còn những hậu quả đáng tiếc trong đợt mưa lũ này ở miền Trung khi đã có 9 người chết và hiện 11 người đang mất tích, chưa kể những thiệt hại nặng nề về nông nghiệp, giao thông…
Trên cơ sở những dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, Phó trưởng Ban Trường trực BCĐ lưu ý, hiện sức chịu tải của khu vực miền Trung đang rất thấp, đặc biệt là hạ lưu Thừa Thiên Huế. Đề nghị tập trung trọng điểm ứng phó vùng ảnh hưởng của cơn bão số 6.
Nhấn mạnh phải đặt an toàn hồ lên mức cao, Phó trưởng Ban thường trực đề nghị, các hồ chứa lớn ở miền Trung phải quyết liệt điều hành hồ khoa học, nhuần nhuyễn, sát thực tiễn với phương châm “Cẩn thận bao nhiêu cũng thiếu”.
Đường đi và vị trí bão số 6, cập nhật tại bản tin lúc 9 giờ ngày 11/10/2020 của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia |
Lưu ý khả năng hoàn lưu sau bão số 6 sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, chúng ta đã mất đỉnh lũ đầu tiên trong tháng 8, với những phân tích tình hình ở trên, khả năng đỉnh lũ thứ hai sẽ diễn ra đúng như dự báo và không quá cao. Tuy năm nay không phải là năm lũ lớn nhưng lại rất nguy hiểm, chúng ta không thể chủ quan.
“Đề nghị thuỷ điện thực hiện nghiêm Công điện 1372/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung đối phó với mưa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung”, ông Cường nói.
Đặc biệt, Phó trưởng Ban thường trực Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các tỉnh miền Trung tập trung ứng phó ngay, không để người dân nào đói rét, thiếu cơm ăn áo mặc. Tăng cường công tác hướng dẫn nghiêm ngặt, nhất là vùng ngập sâu, địa phương phải tính toán hợp lý để có phương án cứu trợ, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Bên cạnh đó, Phó trưởng Ban thường trực Nguyễn Xuân Cường yêu cầu đặc biệt chú ý điều hành, vận hành liên hồ chứa, tâm điểm là Thừa Thiên Huế.
“Chúng ta đã có bài học “lũ chồng lũ” năm 2017, cần hết sức nâng cao cảnh giác tránh rơi vào tình huống lúc đó. Cần tăng cường công tác truyền thông, dự báo, chỉ đạo điều hành để chủ động ứng phó để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của nhân dân”, Phó trưởng Ban thường trực Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
*Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, đến sáng nay (11/10) đã có tổng cộng 206 xã/phường bị ngập, độ ngập sâu từ 0,3m đến 3m với tổng số hộ bị ngập là: 109.034 hộ tăng 75.418 hộ so với ngày 9/10/2020.
*Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 11/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 44.882 p.tiện/231.908 LĐ.
*Tình hình cấm biển: các tỉnh/thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã cấm biển từ ngày 6/10, Quảng Ngãi cấm biển từ 18 giờ ngày 10/10. Các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa chưa có kế hoạch cấm biển.
*Đê biển khu vực từ Nghệ An - Bình Thuận có 64 vị trí xung yếu, dài 148,4km cần sẵn sàng phương án bảo vệ khi bão đổ bộ.