Tập trung phòng chống thiên tai trong 6 tháng cuối năm

04/07/2017 00:00

(TN&MT) - Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (NN&PTNT), phòng chống thiên tai là nhiệm vụ chủ đạo trong 6 tháng cuối năm để...

(TN&MT) - Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (NN&PTNT), phòng chống thiên tai là nhiệm vụ chủ đạo trong 6 tháng cuối năm để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp trong năm 2017.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017 diễn ra chiều 3/7, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp đạt 2,65%. Có được kết quả như vậy là nhờ những yếu tố thuận lợi như: năm nay yếu tố nước là yếu tố đầu tiên đảm bảo sản xuất ở cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam đều cơ bản đảm bảo; hai yếu tố thời tiết cực đoan điển hình là hạn và mặn cũng không gay gắt như năm 2016.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2017 cũng xuất hiện những hình thái thời tiết cực đoan dị thường mà từ trước tới nay chưa từng xảy ra; đó là yếu tố gió mùa đông bắc kéo dài. Chính yếu tố này làm cho mưa phùn, mưa liên tục, mưa trái mùa kéo dài tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp ở nhiều khu vực trên cả nước; đặc biệt là khu vực ĐBSCL, Nam Bộ; sạt lở với tốc độ nhanh bất thường ở bờ biển các sông…Trong khi đó, nút thắt thị trường giai đoạn 2017 xuất hiện những yếu tố hết sức khó khăn cho tăng trưởng trong nước và thị trường xuất khẩu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để đảm bảo tăng trưởng, 6 tháng cuối năm còn hết sức thách thức bởi những lý do: bắt đầu mùa mưa bão, tuy mới chớm đến nhưng đã xuất hiện rất nhiều yếu tố gay gắt, dự báo thiên tai năm nay hết sức phức tạp. Bên cạnh đó, trong tổng số các hồ trên cả nước hiện nay, đặc biệt là các hồ ở miền Trung đã được đưa vào hoạt động trong thời gian rất dài nên nếu mưa bão xảy ra sẽ có nhiều nguy cơ thiên tai…

Do vậy, phòng chống thiên tai là nhiệm vụ chủ đạo của 6 tháng cuối năm. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị Ban chỉ huy các tỉnh trên cả nước chủ động đôn đốc, rà soát lại từ phương thức chỉ đạo, năng lực ứng phó và các giải pháp khắc phục thiên tai; đồng thời, tổ chức sản xuất theo hướng lường trước được.

Riêng khu vực ĐBSCL năm nay dự đoán mưa sẽ về sớm và lũ sẽ cao hơn 2 năm vừa qua, đề nghị phải rà soát lại để đảm bảo nơi nào có đê cao, đê chắn mới sản xuất.  Toàn bộ hệ thống hồ Trung Bộ và Tây nguyên phải rà soát lại trước khi lũ vào….Đối với khu vực miền núi phía Bắc, đề phòng sạt lở cứ mưa 150mm trở lên là cực kỳ nguy hiểm.

Bên cạnh đó, tập trung thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất nhóm sản phẩm có lợi thế gồm: cây công nghiệp, thủy sản, trái cây, lâm nghiệp. Tái cơ cấu từ vùng nguyên liệu, vùng chế biến cho đến vùng xuất khẩu. Với khu vực khó khăn như chăn nuôi, quyết liệt tái cơ câu, tập trung sản xuất xuất khẩu. Trong tháng 8/2017, Bộ sẽ phối hợp với một số địa phương phía Bắc xuất khẩu thịt lợn sang một số thị trường tiềm năng.

Tuyết Chinh

 

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung phòng chống thiên tai trong 6 tháng cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO