Tập trung phát triển công nghệ phục vụ xử lý chất thải

18/10/2013 00:00

(TN&MT) - Sáng 18/10, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Phát triển công nghiệp môi trường Việt Nam. Chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang.

(TN&MT) - Sáng 18/10 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Phát triển công nghiệp môi trường Việt Nam. Tới dự và chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT, cùng các đại biểu thuộc ban, ngành liên quan.
   
  Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Lê Dương Quang cho biết, phát triển ngành công nghiệp môi trường có tác dụng rất lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp nước ta trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, đưa ra những kiến nghị cho sự phát triển toàn diện của các ngành công nghiệp. Hội nghị lần này cũng là cơ hội trao đổi thông tin giữa các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp, tạo sự gắn kết giữa các bên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
   
   
Toàn cảnh hội nghị
    
  Tại Hội nghị lần này, các đại biểu được nghe Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách của Bộ Công Thương báo cáo trình bày hiện trạng và định hướng ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, hiện nước ta có 283 KCN, đã có 105/152 nhà máy xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung chiếm tổng 61% KCN đã vận hành. Tại các đô thị, đã có 6/63 tỉnh thành có nhà máy xử lý nước thải, có 12/20 dự án đã đi vào hoạt động. Tổng công suất chế biến đạt khoảng 415 ngàn m­­­ét khối/ ngày đêm. Cả nước hiện có 16 cơ sở chế biến rác đang hoạt động với công suất khoảng 3.000 – 4.000 tấn/ ngày và có 14 cơ sở khác đang xây dựng, đáp ứng khoảng 15% nhu cầu chế biến. Công suất của các nhà máy trong cả nước đáp ứng được 150 – 200 tấn/ ngày. Theo đó, định hướng phát triển các lĩnh vực của ngành công nghiệp môi trường nước ta hiện nay nhằm tập trung một số vấn đề như: Phát triển công nghiệp dịch vụ theo hướng chuyên môn hóa, gắn xứ lý với tái chế; tập trung phát triển công nghiệp sản xuất thiết bị công nghệ phục vụ cho chế biến chất thải; phát triển công nghiệp tái chế theo hướng đa dạng với nhiều sản phẩm, loại hình công nghệ và quy mô khác nhau.
   
  Qua đó, Viện Nghiên cứu Chiến lược đã  đưa ra các giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghiệp môi trường Việt Nam cũng như thông báo kết quả thực hiện Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường và Chương trình nghiên cứu KHCN.
   
  Tại Hội nghị các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã tham gia đóng góp nhiều  ý kiến xác đáng cho việc hoàn thiện tổ chức, cơ chế, chính sách pháp luật về phát triển ngành công nghiệp môi trường.
   
Nguyễn Cường
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung phát triển công nghệ phục vụ xử lý chất thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO