Tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai

26/08/2014 00:00

(TN&MT) - Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai là đặc biệt quan trọng nhằm quản lý và xác định rõ ràng hơn về tiềm năng tài nguyên đất của mỗi quốc gia.

(TN&MT) - Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai là một bộ dữ liệu đặc biệt quan trọng nhằm quản lý và xác định rõ ràng hơn về tiềm năng tài nguyên đất của mỗi quốc gia. Nhận thức rõ vấn đề này, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT xây dựng Đề án triển khai xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về đất đai qua các thời kỳ, theo các chuyên đề khác nhau để có thể dễ dàng cập nhật, cấp phép và quản lý trên hệ thống thông tin điện tử. Để tìm hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của Đề án này, Phóng viên Báo TN&MT đã trò chuyện với ông Đỗ Đức Đôi (ảnh), Giám đốc Trung tâm Lưu trữ và Thông tin đất đai (Tổng Cục Quản lý đất đai), đơn vị chủ trì thực hiện Đề án. 
   
PV:Được biết, Trung tâm Lưu trữ và Thông tin đất đai được Tổng cục Quản lý đất đai giao chủ trì thực hiện Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Đến nay, Trung tâm đã triển khai Đề án và đạt kết quả như thế nào, thưa ông?
   
Ông Đỗ Đức Đôi: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1975 ngày  30/10/2013 về phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, giao cho Bộ TN&MT là đơn vị chủ quản, Bộ TN&MT giao Tổng cục quản lý đất đai là đơn vị thực thi. Tổng cục đã giao cho Trung tâm là đơn vị chủ trì thực hiện, phối hợp cùng với Cục Công nghệ thông tin (Bộ TN&MT) và các đơn vị trực thuộc Tổng cục như: Trung tâm điều tra đánh giá tài nguyên đất, Viện nghiên cứu quản lý đất đai, Cục đăng ký đất đai, Trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ địa chính để triển khai Đề án này.
   
  Một trong những quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phải thiết kế một hệ thống tổng thể trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại có tính đến đặc thù của Việt Nam. Cũng chính vì vậy, phần mềm hệ thống thông tin đất đai được xây dựng trên cơ sở kế thừa những ưu điểm của các phần mềm đang được sử dụng, như phần mềm Elis do Cục Công nghệ thông tin phát triển, phần mềm Vlis do Tổng cục quản lý đất đai…  và các phần mềm khác của các công ty tin học tư nhân. 
   
  Để tránh trùng lặp trong đầu tư, do vậy Trung tâm không xây dựng dữ liệu mới mà sử dụng dữ liệu đã được đầu tư. Nghĩa là, chúng tôi chỉ dùng bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính, sổ sách đăng ký đã được đầu tư trước đây và chuẩn hóa theo yêu cầu của cơ sở dự liệu và tích hợp.
   
  Bên cạnh đó, sử dụng tài liệu mới nhất, hiện đại nhất. Do đó, thứ tự ưu tiên trong cơ sở dữ liệu đất đai theo 3 cấp. Một là, những nơi nào có cơ sở dữ liệu thì chúng ta tích hợp; hai là, nơi nào đã đo đạc lập bản đồ địa chính về đất đai thì dùng dự liệu đó để tích hợp; ba là nếu nơi nào không có 2 dữ liệu trên thì chúng ta sử dụng tài liệu mới nhất về bản đồ hiện trạng sử dụng đất 2010 và quy hoạch sử dụng đất đến 2020.
   
  Hiện, trung tâm và các đơn vị đang tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai của của 9 tỉnh thuộc Dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) vào hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia. Đồng thời, tích hợp cơ sở dữ liệu đất lúa theo Nghị định 42 nhằm quản lý chặt chẽ đất trồng lúa, đặc biệt là 3,8 triệu ha đất trồng lúa, trong đó 3,2 triệu ha đất cần phải bảo vệ nghiêm ngặt, nếu chuyển mục đích thì chúng ta phải thể hiện được trong cơ sở dữ liệu.
   
PV:Việc tích hợp cơ sở dữ liệu chủ yếu là ở các địa phương. Sự phối hợp giữa Trung tâm với các địa phương có gặp khó khăn nào không, thưa ông?
   
Ông Đỗ Đức Đôi: Quy định Luật  Đất đai là đăng lý đất đai, bản đồ địa chính lấy cấp xã làm đơn vị thì xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cũng phải lấy cấp xã cơ bản. Bởi, chúng ta thống nhất xây dựng cơ sở dữ liệu chỉ có 2 cấp Trung ương và cấp tỉnh, nhưng trong cấp tỉnh lại phải bao trùm cấp huyện, cấp huyện phải bao trùm cấp xã, cấp xã phải bao gồm tới từng thửa đất, chủ sử dụng đất.
   
  Dữ liệu được tích hợp từ địa phương được quy định trong Luật và văn bản hướng dẫn đã ban hành, về cơ bản các địa phương đều phối hợp chặt chẽ với Bộ để thực hiện Đề án này.
   
Tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai của 41 huyện điểm
thuộc Dự án tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai.Ảnh: H. Minh
   
   Để làm tốt việc này, Bộ TN&MT đã có công văn gửi tới UBND các tỉnh thành, các tỉnh đã có công văn chỉ đạo Sở TN&MT và các Sở, ngành cung cấp và khi các đoàn thu thập cơ sở dữ liệu thì đều có công văn của Tổng cục gửi trước. Do đó, sự phối hợp giữa các đơn vị thực hiện Đề án luôn đảm bảo đúng tiến độ, đúng yêu cầu đặt ra.
   
PV:Trân trọng cảm ơn ông!
   
Giai đoạn 1 của Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai dự kiến từ tháng 9/2013 - 12/2015 với các mục tiêu như: Sẽ xây dựng hệ thống phần mềm phục vụ quản lý, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai từ nguồn dữ liệu ở Trung ương hiện có tại Tổng cục Quản lý đất đai; ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu đất trồng lúa.
Đồng thời, xây dựng và tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai cho 3 huyện của 3 tỉnh đại diện ba miền Bắc, Trung, Nam có đủ điều kiện cơ bản đã hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, xây dựng hồ sơ địa chính và cấp GCN. Bên cạnh đó, tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai của 41 huyện điểm thuộc Dự án tổng thể xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai là sản phẩm của 9 tỉnh thuộc Dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) vào hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
   
Trường Giang(thực hiện)
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO