Tập trung hoàn thiện chính sách đất đai

14/07/2016 00:00

(TN&MT) - Sau khi Luật Đất đai đi vào cuộc sống, Bộ TN&MT, Tổng cục Quản lý đất đai đã đẩy mạnh chỉ đạo, thực hiện việc xây dựng, trình ban hành các Nghị định và Thông tư nhằm hoàn thiện chính sách đất đai.

Đẩy mạnh chỉ đạo, thực hiện việc xây dựng, trình ban hành các Nghị định và Thông tư nhằm hoàn thiện chính sách đất đai. Ảnh: Hoàng Minh
Đẩy mạnh chỉ đạo, thực hiện việc xây dựng, trình ban hành các Nghị định và Thông tư nhằm hoàn thiện chính sách đất đai. Ảnh: Hoàng Minh

Theo ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, trong 6 tháng đầu năm 2016, Tổng cục đã tập trung rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thi hành Luật Đất đai và các Nghị định của Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Sau khi có ý kiến của các thành viên Chính phủ, Tổng cục đã tổ chức nghiên cứu, rà soát, tiếp thu giải trình và báo cáo Chính phủ những nội dung đã chỉnh sửa vào dự thảo Nghị định.

Hiện, dự thảo Nghị định đang được Chính phủ xem xét ban hành. Còn với với Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai và Nghị định quy định về xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai, Tổng cục đã hoàn thành dự thảo theo kế hoạch và đăng website để xin ý kiến. Hiện, đang tổng hợp ý kiến để tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo.

Về xây dựng các Thông tư, Thông tư liên tịch, trong năm 2016, Tổng cục được giao xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành 10 Thông tư, Thông tư liên tịch, hiện nay, Tổng cục đã hoàn thành công tác thành lập Tổ soạn thảo và tổ chức triển khai dự thảo theo kế hoạch.

Ngoài ra, Tổng cục đã chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tư pháp, NN&PTNT xây dựng, hoàn thiện và trình Bộ trưởng ban hành 4 Thông tư liên tịch: Thông tư liên tịch của Bộ TN&MT, Bộ Tài chính quy định về quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí đo đạc xác định diện tích đất vi phạm; Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính, Bộ TN&MT quy định về hồ sơ và trình tự, thủ tục tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất;  Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Thông tư liên tịch của Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT quy định về loại cây lâu năm được chứng nhận quyền sở hữu.

Theo ông Lê Văn Lịch, nguyên nhân của việc chậm tiến độ các Thông tư, nhất là các Thông tư liên tịch, chủ yếu là do, Tổng cục đồng thời phải triển khai nhiều nhiệm vụ đột xuất do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng giao, đặc biệt là nhiệm vụ hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo chỉ đạo của Bộ trưởng chưa có trong kế hoạch và nhiều nhiệm vụ cần triển khai gấp dẫn đến ảnh hưởng tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và ảnh hưởng chung đến việc thực hiện Chương trình công tác của Tổng cục.

Để đẩy mạnh công tác này, ông Lê Văn Lịch cho biết, 6 tháng cuối năm 2016, Tổng cục sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với các đơn vị trực thuộc Tổng cục, nhất là thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch theo từng tháng; tập trung lực lượng để hoàn thành công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được phân công.

Bên cạnh đó, Tổng cục sẽ tập trung hoàn thiện trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định là: Nghị định quy định về xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai; Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai. Hoàn thiện và trình Bộ trưởng ban hành 8 Thông tư thuộc Chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ TN&MT năm 2016.

Ngoài ra, tổ chức triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính theo kế hoạch được duyệt. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng các dự thảo Nghị định, Thông tư theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trường Giang

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung hoàn thiện chính sách đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO