Tập trung giám sát chặt chẽ vật tư nông nghiệp

06/11/2013 00:00

Chiều 5/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với Bộ NNPTNT...

  Chiều 5/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với Bộ NNPTNT, Hội Nông dân Việt Nam về chất lượng phân bón, thuốc trừ sâu và thức ăn chăn nuôi.
   
Thực trạng vật tư nông nghiệp
   
  Cả nước hiện có 61/63 tỉnh, thành phố thành lập Chi Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra ở từng địa phương còn mỏng, trung bình mỗi tỉnh, thành phố chỉ có 15 thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực này.
   
  Với 97 doanh nghiệp được cấp phép sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, 29.000 đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, tất cả các hộ kinh doanh này đều phải có điều kiện.  Trên thị trường hiện có khoảng 70.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật thương phẩm đang lưu thông, trong đó có 10% sản phẩm chất lượng thấp.
   
   
   
   
  Toàn quốc có trên 7.000 cơ sở sản xuất phân bón, 60.000 đại lý, cung cấp  trên 10,5 triệu tấn phân bón/năm. Trong quá trình theo dõi, số lượng phân bón giả, kém chất lượng được tiêu thụ nhiều nhất theo thứ tự là: Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng. Ngành sản xuất kinh doanh phân bón phải là ngành kinh doanh có điều kiện.
   
  Về thức ăn chăn nuôi, cả nước hiện có 230 nhà máy cung cấp 17 triệu tấn thức ăn chăn nuôi các loại mỗi năm. Tuy nhiên, sản xuất thức ăn chăn nuôi có điều kiện, nhưng mua bán thức ăn chăn nuôi thì chưa có yêu cầu về điều kiện.
   
  Về thức ăn nuôi trồng thủy sản có 6.000 loại thức ăn chăn nuôi trong nước, 1.000 loại thức ăn nhập khẩu. Đây là khâu mà cơ quan quản lý Nhà nước chưa kiểm soát chặt chẽ.
   
  Về xử phạt hành chính đối với các vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp, năm 2012 ngành Nông nghiệp mới xử phạt được 10 tỷ 760 triệu đồng, chủ yếu là các vi phạm trong sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, hóa chất xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản, phân bón không có trong danh mục, kém chất lượng và vi phạm về nhãn hàng hóa.
   
  Chương trình giám sát quốc gia về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả từ năm 2008 đến 2013 cho thấy: Nhóm rau ăn lá có nguy cơ cao hơn rau ăn quả, trong đó, những loại rau có nguy cơ cao gồm rau ngót, rau muống, cải xanh, đậu đỗ. Với các loại rau ăn lá thì rau ngót, rau muống là những loại có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm, còn những các loại như bầu, bí một số các loại quả như bưởi, xoài thì nguy cơ thấp hơn.
   
  Đánh giá các loại củ quả có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trên thị trường thì quả nho tươi đang là loại quả dẫn đầu có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm.
   
Những giải pháp trọng tâm
   
  Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: “Hai năm qua, sau khi trực tiếp kiểm tra, Bộ NNPTNT đã công bố số liệu công khai để người tiêu dùng biết là chúng ta đang kiểm soát tốt các loại nông sản thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là trên các loại rau, củ quả tươi và các loại có nguy cơ cao nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”.
   
  Trong thời gian tới, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này không chỉ kiểm tra về chỉ tiêu dư lượng hóa chất mà còn kiểm tra cả những chỉ tiêu khác có nguy cơ dẫn đến mất an toàn thực phẩm, như chỉ tiêu về vi sinh vật.
   
  Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật để người dân nhận thức đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm có liên quan tới chất lượng vật tư nông nghiệp. Sẵn sàng tham gia tố giác tội phạm, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp, đồng thời sẵn sàng tố giác những cán bộ có trách nhiệm nhưng có hành vi bao che, bảo kê cho những đối tượng vi phạm trong lĩnh vực này.
   
  Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị MTTQ Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân chuẩn bị nội dung hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc giám sát thị trường vật tư nông nghiệp.
   
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã nêu rõ 5 công việc cần triển khai trong thời gian tới:
   
  Thứ nhất: Hội Nông dân Việt Nam cần tổ chức tập huấn cho người nông dân, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của vật tư nông nghiệp giúp đem lại hiệu quả cao hơn trong quá trình nuôi trồng, sản xuất.
   
  Thứ hai: Hội Nông dân Việt Nam phải hướng dẫn người nông dân ở các địa phương tham gia phát hiện, kiểm tra, giám sát giấy phép thuốc bảo vệ thực vật và thú y, từ đó thông báo với cơ quan chức năng.
   
  Thứ ba: Giám sát, phát hiện những cá nhân, hộ gia đình ở nông thôn tổ chức sản xuất thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng.
   
  Thứ tư: Giám sát việc thực hiện nghiêm chế tài đối với người bị xử lý vi phạm trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp.
   
  Thứ năm: Giao Bộ Công Thương trong tháng 12/2013 trình Thủ tướng Chính phủ Đề án ngăn chặn vận chuyển, sản xuất và kinh doanh phân bón giả trên thị trường.
   
  Theo Từ Lương/Chinhphu.vn
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung giám sát chặt chẽ vật tư nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO