Tập hợp nguồn lực để giải quyết các vấn đề theo thỏa thuận Paris

16/09/2016 00:00

(TN&MT)- Đây là trọng tâm mà hội thảo chuyên đề “Môi trường, biến đổi khí hậu (BĐKH) với nông/ngư nghiệp” trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp lần 10 mới diễn ra tại tại TP.Cần Thơ, ngày 15/9, do Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Đào Anh Dũng và ông Abdel SaDi Phó Chủ tịch Hội đồng tỉnh Seine – Saint – Denis đồng chủ trì.

Phát biểu khai mạc, ông Đào Anh Dũng, nêu bật vai trò của Pháp trong việc tổ chức thành công Hội nghị về BĐKH của Liên Hiệp Quốc 2015 (COP 21) đi đến “Thỏa thuận Paris”, được 175 nước ký kết trong đó có Việt Nam, đó là sự hợp tác tốt đẹp nhất mà nhân loại đã đạt được.

Nhiều khó khăn do BĐKH cần giải quyết

Ông Dũng thông tin, Việt Nam xếp hàng thứ 5 trong các quốc gia bị tác động nặng nề nhất do BĐKH, riêng ĐBSCL cảnh báo là 1 trong 3 đồng bằng có nguy cơ cao nhất thế giới do BĐKH. Với các biểu hiện cụ thể là nhiệt độ không khí tăng cao, tổng lượng mưa sụt giảm, chế độ nước lũ lụt, khô hạn bất thường và sự gia tăng về tần suất, cường độ của giông lốc, sấm sét, đặc biệt là hiện tượng sạt lở bờ sông, sụt lún mặt đất do lạm thác nước ngầm… đang ngăn cản phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Đại biểu tham dự hội thảo.
Đại biểu tham dự hội thảo.

Tình hình kinh tế có tăng nhưng vẫn còn chậm, một số chỉ tiêu thực hiện chưa đạt so với kế hoạch. Thị trường xuất khẩu tiềm ẩn nhiều khó khăn. Thiếu sản phẩm du lịch đặc thù, dịch vụ du lịch phát triển chưa đủ sức hấp dẫn và chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Mô hình bệnh tật thay đổi, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng quay trở lại, các dịch bệnh mới, bệnh lạ diễn biến khó lường.Cả vùng không chủ động được nguồn nước mặt. Ngoại trừ sông Hậu, chất lượng nước mặt hiện đã suy giảm đáng kể do ô nhiễm chất hữu cơ, nước không còn nhiều phù sa, đa dạng sinh học bị suy giảm. Mực nước ngầm thấp hơn 3,5m so trước đây, có khi còn bị ô nhiểm do hữu cơ, kim loại nặng và nhiễm mặn.

ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ phát biểu tại hội thảo.
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ phát biểu tại hội thảo.

Mức độ nhận thức của cộng đồng nói chung còn thấp, do xuất phát điểm từ vùng nông nghiệp lâu đời. Trình độ khoa học công nghệ, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ chưa xứng tầm đô thị hiện đại. Hệ thống pháp luật đang trong thời kỳ chuyển đổi còn chưa đồng bộ, chưa phù hợp với xu thế hiện đại hóa, quốc tế hóa, thích ứng khí hậu và hướng tới tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề bên ngoài biên giới gây cản ngại nỗ lực phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, như việc phát triển thiếu tính bền vững của các quốc gia thượng nguồn và trên dòng chính của sông Mekong làm ảnh hưởng bất lợi đến chế độ nước gây ô nhiễm và hủy hoại cân bằng sinh thái ở ĐBSCL trong đó có Cần Thơ.

Những khó khăn đó, đòi hỏi TP.Cần Thơ cùng ĐBSCL phải đẩy mạnh chiến lược chống chịu, với 3 mũi nhọn cơ bản: Chủ động quản trị nguồn nước để cung cấp đầy đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất, bảo vệ tài sản và tính mạng của cộng đồng dân cư dù có thiên tai hay có các tác động bất lợi từ thượng nguồn. Chủ động tạo sinh kế và hỗ trợ nhà ở an toàn cho người nghèo và các thành phần dễ bị tổn thương. Nhằm giúp cho từng hộ dân cư có cuộc sống ổn định có nguồn tích lũy để đủ sức vượt qua các thiên tai, địch họa. Ổn định vững chắc kinh tế nông nghiệp và công nghiệp đồng thời chủ động đẩy mạnh, tăng cường tỷ trọng khu vực dịch vụ trong cơ cấu kinh tế để tăng cường dự trữ xã hội đủ năng lực chống chịu các nguy cơ khó dự báo trong tương lai.

Cần đẩy mạnh hợp tác để ứng phó…

Tham luận tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, cho rằng việc hợp tác có hiệu quả trong các dự án, chương trình do các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ chính phủ và phi chính phủ góp sức cùng Viêt Nam ứng phó với BĐKH là bức thiết. Trong đó, quá trình hợp tác Việt – Pháp gần 40 năm qua là một điều kiện thuận lợi.

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, tham luận tại hội thảo.

Ông Abdel SaDi Phó Chủ tịch Hội đồng tỉnh Seine – Saint – Denis, phát biểu tại hội thảo.

Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, nước Pháp có 3.427 km chiều dài bờ biển trên lãnh thổ châu Âu và nhiều cửa sông, đặc biệt là châu thổ sông Rhône, một con sông quốc tế, trổ ra Biển Địa Trung Hải. Pháp cũng có nhiều vùng đất ngập nước ngọt và mặn. Nước Pháp chịu tác động của BĐKH nước biển dâng. Trận bão Christine, từ Đại Tây Dương tháng 3/2014, đã tàn phá bờ biển Lacanau trên chiều dài hàng cây số, sâu vào đất liền có nơi đến 15m.

Từ đầu thế kỷ XXI, cùng với các quốc gia khác ở Tây Bắc Âu, Pháp xem xét lại chính sách ứng phó với BĐKH. “Dành một khoảng không gian” cho sự giao tiếp giữa con người và biển cả ở những nơi cần thiết thay vì “đối đầu trực diện” thể hiện qua việc xây dựng các polder từ nhiều thế kỷ đã qua ở Tây Bắc Âu, là một chủ trương quan trọng.

Từ thập niên cuối của thế kỷ 21, các nước Hà Lan, Pháp, Anh, Bỉ đã thôi xây dựng, và trả về cho biển các polder (dépolderisation), và tìm cách khai thác các vùng đất này “một cách khác”. Nuôi hàu, nuôi cá biển trong những vùng ngập nước mặn, khai thác du lịch, trồng khoai tây trên vùng đất mặn, trồng tảo biển để sản xuất nhiên liệu sinh học, …) là những thử nghiệm đã thu được kết quả nhất định.

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, tham luận tại hội thảo.
GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, tham luận tại hội thảo.

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng những nỗ lực của Pháp trong quá trình đó đi cùng chiều với yêu cầu chung sống với ngập và mặn ở ĐBSCL. Ông đề xuất gợi ý một số nội dung hợp tác (phi tập trung) Việt Nam – Pháp, cần đẩy mạnh hợp tác để ứng phó với BĐKH là:

Trao đổi kinh nghiệm xây dựng cơ chế sử dụng nguồn nước các sông quốc tế (Rhin, Rhône, …), quy định quốc gia và quy định châu Âu. Trao đổi kinh nghiệm xây dựng cơ chế sử dụng nguồn nước theo lưu vực các sông nội địa (sông Rhône, sông Garonne, sông Loire, sông Seine chẳng hạn). Trao đổi kinh nghiệm trong trữ và sử dụng tiết kiệm nguồn nước, đặc biệt trong tưới tiêu. Hợp tác giữa các địa phương có vùng ngập nước (ngọt và mặn): quy hoạch phát triển (sản xuất, du lịch, …), quy hoạch các điểm dân cư, cung cấp nước ngọt (nếu là vùng ngập nước mặn),… Biến nước biển thành nước ngọt ở các quy mô khác nhau phục vụ sản xuất và đời sống. Trao đổi kinh nghiệm bảo vệ bờ biển ở các cửa sông. Nghiên cứu các giống cây, con cho các vùng lợ và mặn. Sản xuất vật liệu xây dựng nhẹ, chịu lực bền, trong môi trường mặn.

Phát huy các chương trình, dự án đã và đang hợp tác triển khai.

Theo sự điều khiển của ông Jena Luc Francoi, các cơ quan nghiên cứu phát triển Pháp hoạt động trên quốc tế (cơ quan nghiên cứu phát triển IRD, Trung tâm Trung tâm hợp tác quốc tế Nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển CIRAD, Cơ quan phát triển Pháp AFD)  đã có những tham luận, triển khai khái niệm “Thổ nhưỡng thông minh thích ứng với khí hậu” tại các vùng duyên hải và đặc biệt là các vùng châu thổ ven sông.

Các tham luận thể hiện mong muốn đóng góp trong các lĩnh vực thuộc chuyên môn của mình và theo phương thức hiệp thương, vào việc xúc tiến quản lý tổng thể các khu vực ven biển theo cách tiếp cận lồng ghép, thống nhất, bền vững. Giới thiệu nghiên cứu khoa học đang được thực hiện với chủ đề về hiện tượng xói lở ở các vùng ven bờ tại khu vực ĐBSCL. Giới thiệu hoạt động của Phòng thí nghiệm Hỗn Hợp Quốc tế SEDES là nghiên cứu các hoạt động liên quan đến các dịch vụ hệ sinh thái ở các khu vực đồng bằng châu thổ sẽ đưa vào hoạt động trong thời gian tới và có thể được nhiều cơ quan địa phương của Việt Nam quan tâm. Giới thiệu sự nỗ lực trong hợp tác của các tổ chức của Pháp trong tiến trình hỗ trợ các địa phương giải quyết các vấn đề môi trường, thích ứng BĐKH. Cụ thể là các dự án đã và đang triển khai thực hiện xử lý nước thải, môi trường ở Yên Bái, Hưng Yên, Huế…

Các cán bộ, nhà khoa học của Việt Nam và Pháp trao đổi tại hội thảo.
Các cán bộ, nhà khoa học của Việt Nam và Pháp trao đổi tại hội thảo.

Một trong những nội dung trọng tâm các nhà khoa học Pháp đề cập tại hội thảo là vấn đề nông nghiệp trồng lúa bền vững phù hợp với các khu vực đồng bằng châu thổ, thuộc loại hình nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu. Trong đó, chuyển đổi tập quán canh tác cho phép duy trì sản lượng (và chất lượng) nông sản góp phần giảm thiểu BĐKH (ví dụ giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong trồng lúa hoặc trữ và/hoặc giữ khí các bon trong lòng đất) và thích ứng với các điều kiện mới từ thay đổi khí hậu.

Giới thiệu kiến thức tổng hợp về ảnh hưởng đặc biệt của thâm canh/tưới tiêu ở các khu vực trồng lúa tại các vùng châu thổ sông đối với khí hậu. Đề xuất khuôn khổ thực hiện triển khai các hình thức trồng lúa hiệu quả hơn, bền vững và thân thiện với môi trường tại các khu vực châu thổ. Qua đó, gợi ý việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp lồng ghép vào tổng thể các hoạt động/trên phạm vi có sẵn. Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp kết hợp với các hình thức tưới tiêu mới kêu gọi các loại hình dự án mới về phát triển tưới tiêu (triển vọng xa nhưng mang lại khả năng nâng cao đáng kể về hiệu quả sử dụng nước).

Đồng cảm, chia sẻ, tập hợp các nguồn lực để giải quyết các vấn đề theo thỏa thuận Paris

Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Anh Dũng, nhấn mạnh: Sau 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Pháp luôn duy trì mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp là một trong những hợp tác quốc tế cấp địa phương phát triển nhất của cả hai nước, xét cả về số lượng đối tác tham gia hợp tác và về mức độ cam kết tài chính, quy mô hợp tác.

“Với chủ đề "Hướng tới đối tác kinh tế hiệu quả và bền vững" của hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 10, chúng tôi mong rằng Chính phủ Pháp và các địa phương của Pháp sẽ là nhân tố cơ bản trong việc hợp tác ‘win-win’ để giúp Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL cũng như cả Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong khuôn khổ thỏa thuận Paris năm 2015”.

“Chúng ta không nên bi quan. Chúng ta cần phải hợp tác, đồng cảm, chia sẻ, đồng hành, tập hợp các nguồn lực để giải quyết các vấn đề, ứng phóng với BĐKH theo thỏa thuận Pari” - Ông Abdel SaDi Phó Chủ tịch Hội đồng tỉnh Seine – Saint – Denis, nhấn mạnh trong lời phát biểu kết thúc hội thảo.

Hùng Long 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập hợp nguồn lực để giải quyết các vấn đề theo thỏa thuận Paris
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO