Đề án cá tra 3 cấp gồm: Đơn vị cấp 1 là Tập đoàn Việt - Úc, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II; Đơn vị cấp 2 là Trung tâm giống An Giang, Trung tâm giống Cần Thơ (Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ) và doanh nghiệp Mừng Liên; Đơn vị cấp 3 là các chuỗi liên kết tỉnh An Giang, Đồng Tháp và TP.Cần Thơ.
Trong Đề án này, tỉnh An Giang sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng, tạo mối liên kết giữa 3 cấp, liên kết giữa người sản xuất giống, người nuôi và nhà máy chế biến. Tập đoàn Việt - Úc đóng vai trò sản xuất ra cá tra chọn giống chất lượng cao (từ cá bố mẹ đến cá bột, cá giống) cung cấp cho ngành. Đề án này sẽ tạo sự liên kết giữa các thành phần trong chuối giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cá tra, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm cá tra trên trường quốc tế.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cho rằng chất lượng con giống là vấn đề cốt yếu. Doanh nghiệp đề xuất tạo con giống trái mùa với công nghệ cao, hạn chế dịch bệnh; đồng thời làm tốt công tác truyền thông, quảng bá mạnh hơn nữa hình ảnh cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Liên quan đến Đề án giống cá tra 3 cấp, phần lớn ý kiến đều đồng tình bởi đây sẽ là bước tiến mới cho ngành cá tra. Khi đề án đi vào thực hiện, chuỗi ngành cá tra Việt Nam sẽ được kiểm soát chặt chẽ, bài bản từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng trong chuỗi sản xuất cá tra, từ đó tạo đòn bẩy cho ngành cá tra phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nhấn mạnh xuất khẩu cá tra có thể đạt hơn con số 2 tỷ USD bởi chưa có quốc gia nào có lợi thế như Việt Nam để phát triển ngành hàng này. Một trong những giải pháp then chốt để ngành cá tra phát triển bền vững là các địa phương phải quy hoạch lại sản xuất từ khâu giống, thức ăn, nuôi và chế biến xuất khẩu; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; đa dạng hóa sản phẩm; ưu tiên hàng giá trị gia tăng, đặc biệt là đa dạng thị trường xuất khẩu.