Tập đoàn TKV công khai minh bạch nhập khẩu than

30/07/2019 09:51

(TN&MT) - Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ than, khoáng sản trong nước tăng cao, trong khi năng lực sản xuất than của các mỏ bị giới hạn bởi công suất. Điều kiện khai thác mỏ ngày càng khó khăn do tài nguyên xuống sâu hơn. Bối cảnh này khiến lượng than nhập khẩu không ngừng gia tăng qua các năm. Theo dự kiến, TKV sẽ nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn than trong năm 2019 để pha trộn, chế biến, đảm bảo cấp đủ than theo hợp đồng mua bán đã ký kết với khách hàng.

Hiện nay, khối lượng than cho sản xuất điện chiếm khoảng 78% tổng khối lượng than tiêu thụ của TKV. Tại buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gần đây, lãnh đạo TKV cam kết sẽ cung cấp than trọn đời cho các dự án điện hoặc hai bên có thể thỏa thuận theo thời gian hoạt động của nhà máy. Về chất lượng than, TKV cam kết chất lượng than cám theo tiêu chuẩn quốc gia hiện hành. Trường hợp phải dùng than nhập khẩu trộn với than sản xuất trong nước, TKV bảo đảm than có các chỉ tiêu chất lượng phù hợp với yêu cầu sử dụng của nhà máy điện.
 

T13
TKV dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn than trong năm 2019. Ảnh: MH

Xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành, TKV yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục bám sát kế hoạch sản xuất - kinh doanh và kỷ luật điều hành, thúc đẩy tăng sản lượng than sản xuất. Các ban trong TKV phối hợp với các doanh nghiệp chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp như: Linh hoạt trong công tác tiêu thụ than, tổ chức pha trộn, chế biến thành các chủng loại than phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Các doanh nghiệp tập trung sản xuất ở mức cao nhất để tăng cường ra than, đặc biệt là các công ty khai thác than lộ thiên: Cao Sơn, Đèo Nai, Cọc Sáu, Tây Nam Đá Mài... để đáp ứng yêu cầu than cho các hộ tiêu thụ, không để bất cứ khách hàng nào đã ký kết hợp đồng với TKV bị thiếu than sản xuất. Các doanh nghiệp cũng tập trung pha trộn than giữa than nhập khẩu và than sản xuất trong nước để bảo đảm đủ nguồn than theo cấp cho các hộ sản xuất điện của EVN đã ký hợp đồng sử dụng than pha trộn nhập khẩu với TKV.

Đại diện Ban Kinh doanh than cho biết, 4 tháng đầu năm 2019, TKV (bao gồm cả công ty con là Coalimex) đã nhập khẩu tổng khối lượng 1,8 triệu tấn, bằng 39% kế hoạch nhập khẩu than của năm 2019, trong đó, than được nhập khẩu chủ yếu là antraxit, bán antraxit, than nhiệt (than bitum). Trong tổng số 1,8 triệu tấn than nhập khẩu đó, các công ty con và chi nhánh Tập đoàn đã tiến hành pha trộn để cung cấp kịp thời 2,2 triệu tấn cho sản xuất điện. Trong quý II/2019 TKV ký hợp đồng nhập khẩu 1,2 - 1,3 triệu tấn than, chủ yếu từ các nguồn Úc, Nga, Nam Phi. Khối lượng 2,2 - 2,5 triệu tấn còn lại sẽ được thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2019 tùy thuộc vào nhu cầu thực tế của thị trường. Từ quý III/2019, TKV sẽ mua than nhập khẩu theo hình thức đấu thầu (hiện nay, TKV đang trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ).

Tiến trình nhập khẩu than được TKV thực hiện bài bản, chuyên nghiệp theo 1 lộ trình cụ thể. Tuy vậy, vấn đề chất lượng và chủng loại than, điều kiện cảng dỡ hàng cũng như các điều kiện cần để thực hiện công tác pha trộn than đang là những thách thức không nhỏ.

Đối với việc pha trộn than của TKV, các nguồn than nhập khẩu được tập trung chủ yếu từ các nguồn Nga, Nam Phi, Úc, Indonesia. Để đảm bảo được tỷ lệ than pha trộn đáp ứng được yêu cầu về chất lượng than của thị trường, đặc biệt là than cho sản xuất điện, TKV chỉ sử dụng được một số chủng loại than bán antraxit hoặc á bitum chất bốc thấp. Tuy vậy, nguồn than antraxit tương tự than Việt Nam trên thị trường thế giới rất hạn chế và có khoảng cách địa lý xa với các cảng dỡ tại Việt Nam.

Về điều kiện cảng dỡ hàng, có rất nhiều hạn chế như trọng tải tối đa của tàu cập cảng tại vùng neo Cẩm Phả là 70.000 tấn, trong khi đó, đối với cảng Nghi Sơn chỉ là 50.000 tấn. Thêm vào đó là hạn chế về năng lực dỡ hàng, thiếu cẩu nổi tại cảng Cẩm Phả, đặc biệt tàu Panamax và Super Panamax (là loại tàu đặc thù không có cẩu, có trọng tải trên 70.000 tấn đến trên 100.000 tấn).

Công tác pha trộn than có nhiều bất cập khi không có kho bãi pha trộn tập trung, diện tích lớn. Các kho bãi pha trộn của các đơn vị chủ yếu tập trung ở vùng Thuỷ Nguyên, Đá Bạc, ngoài ra có 1 số kho nằm rải rác như Hải Dương, Đồng Nai, Long An (CLM); Gò Dầu (TMN); Nghi Sơn (TMB). Một lý do nữa đang cản trở việc mua than nhập khẩu của các đơn vị là TKV hiện chưa có đủ các chủng loại than phù hợp để cấp cho các đơn vị phục vụ cho công tác pha trộn than.

Trong lộ trình nhập khẩu than, TKV đã và đang có những bước đi vững chãi, đầy thận trọng. Khó khăn, thách thức là hiện hữu, tuy vậy, nói như Chủ tịch HĐTV Lê Minh Chuẩn: “Trong bất kỳ tình hình nào, TKV và thợ mỏ ngành Than với truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" sẽ quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Nhà nước giao, góp phần tích cực đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập đoàn TKV công khai minh bạch nhập khẩu than
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO