Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam lấy tiền nhà nước đầu tư “sân sau”

06/11/2014 00:00

Không chỉ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam còn đầu tư ngoài ngành tràn lan gây thiệt hại hàng ngàn tỉ...

   
Sau khi kết thúc cuộc thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cùng một số đơn vị thành viên giai đoạn 2005-2011, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị cơ quan chức năng xử lý sai phạm về kinh tế với số tiền hơn 8.300 tỉ đồng; đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân ở VRG và các đơn vị thành viên.
   
   
  Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn đề nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra một số vụ việc có sai phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về kinh tế xảy ra tại VRG. Trong đó, đơn cử là việc đầu tư góp vốn vào Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Đồng Tháp (DSEC).
   
  Theo hồ sơ, DSEC được cấp giấy phép kinh doanh lần đầu năm 2007 với vốn điều lệ 169 tỉ đồng do các cổ đông sáng lập là Công ty TNHH MTV Cao su Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Phú Riềng và một số cá nhân là lãnh đạo VRG. Tuy nhiên, các đơn vị này đã sử dụng quỹ phúc lợi của công ty để góp vốn; khi quyết định đầu tư đã không xây dựng đề án, không có ý kiến đồng ý của VRG.
   
  Bên cạnh đó, một số cá nhân là lãnh đạo VRG và các công ty thành viên còn tham gia góp vốn cá nhân, gia đình để sáng lập và lãnh đạo, quản lý điều hành hoạt động tại DSEC, như: Nguyên chủ tịch HĐQT VRG kiêm chủ tịch HĐQT DSEC, tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp và Xuất khẩu cao su (góp vốn cá nhân) kiêm ủy viên HĐQT và tổng giám đốc DSEC.
   
   
  Kết quả thanh tra cho thấy từ khi thành lập đến năm 2012, DSEC liên tục thua lỗ nhưng vẫn được Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam và các đơn vị góp vốn ưu ái cho vay bằng những hợp đồng vay, hồ sơ thế chấp và bảo lãnh không đủ căn cứ pháp lý. Nhiều khoản vay đã bị DSEC sử dụng sai mục đích, chiếm dụng vốn gây thiệt hại cho nhà nước 144 tỉ đồng và dư nợ không có khả năng thanh toán 253 tỉ đồng… Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an mở rộng điều tra đối với các sai phạm trong hoạt động huy động và sử dụng vốn, trong đó có việc mua bán chứng khoán với khoản tiền sai phạm trên 365 tỉ đồng.
   
  Theo kết luận thanh tra, tính đến cuối năm 2011, VRG đã đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính với số vốn hơn 2.420 tỉ đồng, chủ yếu lấy từ nguồn vốn điều lệ do nhà nước đầu tư; tỉ lệ lợi suất thu được rất thấp (chỉ đạt 3,95%), thậm chí không thu được lợi nhuận gì.
   
  Đơn cử, VRG đầu tư hơn 390 tỉ đồng vào Công ty CP Đầu tư thủy điện VRG Phú Yên, Công ty CP Xi măng FICO Tây Ninh, Tổng Công ty Xây dựng Miền Trung nhưng trong 5 năm liên tục (2006-2011) không có lợi nhuận được chia. VRG cũng đầu tư hơn 600 tỉ đồng vào lĩnh vực kinh doanh khách sạn, thép nhưng không có lợi nhuận được chia trong giai đoạn 2008-2011. Từ năm 2012, VRG đã thực hiện việc thoái vốn đầu tư nhưng tại 23 doanh nghiệp vẫn còn giá trị vốn đầu tư hơn 2.100 tỉ đồng.
   
  Một trong những sai phạm lớn là VRG chủ trương việc góp vốn thành lập Công ty CP Cao su Phú Riềng - Kratie (PRK) để đầu tư trồng cao su tại Campuchia và thiệt hại có thể lên tới hơn 483 tỉ đồng. Trong khi đó, VRG và chủ đầu tư còn thực hiện vay vốn, bảo lãnh vay vốn ngân hàng và sử dụng sai mục đích gần 1,9 triệu USD chưa thu hồi được. 
   
Theo Người Lao Động
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam lấy tiền nhà nước đầu tư “sân sau”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO