Tạo lập thị trường bất động sản phát triển đồng bộ và lành mạnh

25/05/2014 00:00

(TN&MT) - Luật kinh doanh BĐS (sửa đổi) nhằm tiếp tục phát triển lành mạnh thị trường BĐS... đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

   
(TN&MT) - Chiều 24/5, Quốc hội đã họp tại hội trường nghe Chính phủ và Ủy ban kinh tế (UBKT) báo cáo tờ trình và thẩm tra dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
   
Sửa luật hướng tới phát triển thị trường BĐS lành mạnh
   
  Sau hơn 7 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Kinh doanh bất động sản 2006 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội cần được sửa đổi.
   
Dự thảo Luật sửa đổi hướng thị trường BĐS phát triển lành mạnh
   
  Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Văn Giàu cho biết: Qua thảo luận, đa số ý kiến trong UBKT tán thành sự cần thiết ban hành Luật kinh doanh BĐS (sửa đổi) nhằm tiếp tục phát triển lành mạnh thị trường BĐS; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh BĐS, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
   
  Về các loại BĐS đưa vào kinh doanh, đa số ý kiến tán thành quy định cụ thể các loại BĐS đưa vào kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật (Điều 5) và đề nghị các loại BĐS là nhà ở, các loại nhà, công trình xây dựng khác, quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai là những BĐS được giao dịch phổ biến trên thị trường thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.
   
  Tuy nhiên cũng có một số ý kiến đề nghị khái niệm BĐS là đất đai (khoản 1 Điều 3) hay quyền sử dụng đất (Điều 5) phải thống nhất với Luật Đất đai.
   
  Một vấn đề cũng còn nhiều ý kiến khác nhau là quy định tại khoản 2 Điều 8: “Các trường hợp bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua BĐS không nhằm mục đích kinh doanh hoặc có quy mô nhỏ thì không phải thành lập DN và đăng ký kinh doanh BĐS nhưng phải đăng ký kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế”.
   
  Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định rõ tiêu chí để xác định mức độ kinh doanh BĐS có quy mô nhỏ, trên cơ sở đó phân biệt rõ những trường hợp phải thành lập DN hoặc không phải thành lập DN. Bởi nhiều trường hợp kinh doanh quy mô nhỏ nhưng hệ số quay vòng nhanh, kinh doanh chuyên nghiệp tác động nhiều đến thị trường thì cũng cần điều chỉnh trong Luật.
   
Mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS
   
  Dự thảo luật đã mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh có tính cạnh tranh cao, đồng thời giải quyết nhiều việc làm, tạo sự tăng trưởng cho nền kinh tế, trên nguyên tắc bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững.
   
  Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân nước ngoài được kinh doanh BĐS trong phạm vi, như: Đầu tư xây dựng nhà ở trên đất được Nhà nước giao để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê, cho thuê mua; đầu tư xây dựng các loại nhà, công trình xây dựng trên đất được Nhà nước cho thuê để bán, cho thuê, cho thuê mua; mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng trên đất thuê để cho thuê, cho thuê mua; thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất thuê để cho thuê đất đã có hạ tầng kỹ thuật.
   
  Dự thảo Luật mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh BĐS được cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai, thay vì chỉ được cho thuê, cho thuê mua BĐS đã có sẵn như quy định hiện hành.
   
  Dự thảo luật cũng quy định chặt chẽ về điều kiện của cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ BĐS, bảo đảm quyền lợi của các chủ thể tham gia thị trường BĐS.
   
Nguyên Vũ
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo lập thị trường bất động sản phát triển đồng bộ và lành mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO