(TN&MT) - Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trước nguy cơ nước mặn xâm nhập vào lâm phần Vưxờn Quốc gia U Minh Hạ nên UBND tỉnh Cà Mau vừa giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Trần Văn Thời, Vườn Quốc gia U Minh Hạ và các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức kiểm tra, có biện pháp xử lý dứt điểm nguy cơ xâm nhập mặn vào lâm phần Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc công văn số 1213 năm 2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ngăn chặn tình trạng đưa nước mặn vào vùng quy hoạch ngọt hóa để nuôi tôm.
![]() |
Nước mặn đã xâm nhập vào vùng đệm rừng U Minh Hạ |
Rừng tràm U Minh Hạ tiếp giáp với rừng tràm U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang), có tổng diện tích khoảng 35.000 ha. Trong đó, có 8.256 ha được công nhận Vườn quốc gia U Minh Hạ. Nơi đây có hệ sinh thái rừng tràm 6 tháng ngập nước, 6 tháng khô hạn.
Vườn Quốc gia U Minh Hạ là một trong ba vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau có nhiệm vụ bảo tồn, tái tạo các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, rừng tràm trên đất than bùn; bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài động thực vật quý, các giá trị văn hóa, tinh thần, di tích lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan và phát triển du lịch.
Rừng U Minh Hạ với cây tràm chiếm ưu thế tuyệt đối. Có nhiều loài động vật như nai, heo rừng, khỉ, chồn trăn, rắn, rùa, trúc (tê tê)… và có 60 loài cá nước ngọt và cá nước lợ sinh sống trú ngụ. Đặc biệt, dưới tán rừng, quanh năm loài ong cần mẫn đi hút mật từ những nhụy bông tràm về xây tổ, hàng năm cho khai thác sản lượng lớn.
Tin & ảnh: Giang Sơn