Tăng cường quản lý Nhà nước về khoáng sản

30/09/2014 00:00

(TN&MT) - Đến tháng 6 năm 2014, đã có 17/45 tỉnh phê duyệt khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Đăk Nông, Hòa Bình, Quảng Bình, Điện Biên, Bà Rịa -...

   
(TN&MT) - Hàng loạt chính sách liên qua đến hoạt động khoáng sản do bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo, ban hành thời gian qua đã đi vào thực tiễn, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý trong lĩnh vực này.
   
Chấn chỉnh công tác quản lý khoáng sản ở địa phương
   
  Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 4359/BTNMT-ĐCKS ngày 9/9/2013 đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, trong đó xử lý nghiêm các sai phạm, tồn tại trong cấp phép. Đến nay, đối với 22 tỉnh có vi phạm trong việc cấp giấy phép, đã có 18/22 tỉnh gửi báo cáo và đã triển khai, khắc phục vi phạm, gồm: Bắc Ninh, Bình Định, Đắk Nông, Đồng Nai, Hoà Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Điện Biên, Khánh Hoà, Phú Yên, Tây Ninh; 2 tỉnh là Phú Yên, Tây Ninh đã khắc phục nhưng chưa triệt để. Các tỉnh Bình Định, Đồng Nai, Hòa Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Vĩnh Long đã khắc phục vi phạm nhưng chưa có báo cáo nội dung việc kiểm điểm tổ chức, cá nhân liên quan.
   
  Thực hiện yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn. Các tỉnh: Hà Giang, Bến Tre, Long An, Thái Bình… đã chủ động rà soát việc cấp phép, tiến hành thu hồi các giấy phép đã cấp nhưng không hoạt động, chưa hoàn chỉnh hồ sơ khai thác, chưa có trữ lượng được phê duyệt.
   
   
Hàng loạt chính sách liên quan đến hoạt động khoáng sản do bộ TN&MT ban hành đã đi vào cuộc sống.
   
  Đến tháng 6 năm 2014, đã có 17/45 tỉnh phê duyệt khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Đăk Nông, Hòa Bình, Quảng Bình, Điện Biên, Bà Rịa - Vùng Tàu, Bắc Giang, Bình Dương, Cao Bằng, Đà Nẵng, Gia Lai, Hà Giang, Quảng Trị, Sóc Trăng, Tuyên Quang, Thái Bình, Thừa Thiên Huế và Hà Nội). Tuy nhiên, việc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản của các địa phương còn chậm, mới có 10 tỉnh hoàn thành công tác khoanh định, trình phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
   
  Phần lớn việc cấp phép hoạt động khoáng sản của các địa phương vẫn dựa trên cơ sở các quy hoạch khoáng sản và khu vực cấm/tạm cấm hoạt động khoáng sản đã được phê duyệt trước thời điểm Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực. Một số tỉnh còn có những vướng mắc, khó khăn như: Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Bình, Điện Biên, Hòa Bình, Bộ đã làm việc trực tiếp, hướng dẫn thống nhất biện pháp xử lý.
   
Từng bước hoàn thiện khung pháp lý 
   
  Để công tác thanh tra, kiểm tra về hoạt động khoáng sản ngày càng hiệu quả, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương nghiêm túc tổ chức thực hiện các giải pháp nêu trong Nghị quyết số 535/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản tiếp tục hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản “tràn lan” tại nhiều địa phương đã bước đầu được khắc phục.
   
  Từ năm 2013 đến nay đã giảm gần một nửa số giấy phép được cấp mới, gia hạn so với con số trung bình của các năm trước đây. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản được đẩy mạnh và đạt hiệu quả hơn. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản, pháp luật có liên quan của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản được nâng cao. Số doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản tăng.
   
  Nếu như năm 2012 chỉ có 10 trường hợp thì năm 2013 đã có 46 trường hợp doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ này. Việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản có chuyển biến tích cực, đến cuối tháng 8/2013 đã có trên 90% cơ sở được chứng nhận đạt yêu cầu. Công tác ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản đạt kết quả tốt. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép mặc dù còn khá “nóng” tại nhiều địa phương nhưng đã giảm hơn về số lượng so với trước đây. 
   
  Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể song công tác triển khai tại các Bộ, ngành và địa phương còn một số hạn chế. Bộ đã báo cáo Chính phủ và đang khẩn trương xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản.
   
  Theo đó, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoáng sản. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản như đã nêu ở trên. Tiến hành rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản để chính thức công bố danh mục các văn bản đã hết hiệu lực, cần bãi bỏ; các văn bản đang còn hiệu lực hoặc còn hiệu lực một phần và kế hoạch xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cần ban hành mới hoặc thay thế. Tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; thu hồi sản phẩm từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải…; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động khoáng sản, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm…; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản… 
   
PV
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường quản lý Nhà nước về khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO